tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Vẻ đẹp của người lính trẻ trong thơ ca kháng chiến

GD&TĐ – Viết về người lính – các nhà thơ, nhà văn trải lòng mình ra, rung động thật sự.

Vẻ đẹp của người lính trẻ trong thơ ca kháng chiến
Ảnh minh họa.

Đi vào trong suối nguồn thơ ca, hình ảnh người lính trẻ – những chàng trai, cô gái hiện lên với vẻ đẹp đáng trân trọng, sáng lên phẩm chất bộ đội cụ Hồ giữa khói lửa đạn bom để rồi mãi mãi trở thành tượng đài bất tử trong thẳm sâu nỗi nhớ của một thời chẳng thể nào quên.

Viết về người lính – các nhà thơ, nhà văn trải lòng mình ra, rung động thật sự. Ra đời trong những tháng năm gian khổ mà hào hùng, những vần thơ về đề tài người lính có sức nặng của tình yêu, thái độ ngưỡng mộ chân thành.

Hình ảnh người lính trẻ với biết bao câu chuyện đời lính, những kỉ niệm trong đời quân ngũ trở thành vầng sáng trung tâm, là hình tượng xuyên suốt làm nên linh hồn của tác phẩm.

Đó là câu chuyện xúc động về các anh – bao đêm ngủ ngoài rừng, trải lá cây làm chiếu, manh áo mỏng làm chăn. Đối mặt với quân thù, chiến đấu với cả sự khắc nghiệt của thiên nhiên và bệnh tật, người lính ra đi từ giếng nước gốc đa trong thơ Chính Hữu mộc mạc, chất phác mà tâm hồn thì trong trẻo đến vô ngần. Nơi núi rừng Việt Bắc gian khổ, họ vẫn lạc quan, giàu trí tưởng tượng: Miệng cười buốt giá/ Chân không giày và Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo (Đồng chí).

Ra đời vào năm 1969, Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật chân dung người lính lái xe – những thanh niên xung phong ở Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Gian khổ, hiểm nguy không cản được bước chân hành quân. Những người lính trẻ vẫn toát lên tư thế hiên ngang, phong thái ung dung, tinh thần lạc quan, dũng cảm:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Giữa chiến trường đạn bom ác liệt, chiếc xe bị tàn phá, không đèn, không kính, không mui… người lính lái xe phải đối mặt với bao thử thách. Vậy mà, vượt lên tất cả, những chàng trai lái xe vào chiến trường miền Nam ruột thịt vẫn vững vàng, vẫn sôi nổi, vẫn toát lên chất lính dí dỏm, hài hước và tếu táo…

Trái tim người lính trẻ nồng cháy, bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân rạo rực tình yêu đất nước. Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, khốc liệt chẳng hề gì. Giữa cái nắng, cái gió, giữa làn mưa bom bão đạn, các anh vẫn vững chắc tay lái, Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha. Bởi lẽ, Xe vẫn chảy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Đặt đất nước lên trên, hơn ai hết, người lính Việt Nam bằng sức trẻ và lòng yêu Tổ quốc, họ đã sẵn sàng xông pha, dũng cảm, kiên cường vì hòa bình, vì độc lập:

Những đồng chí thân chôn làm giá súng

Đầu bịt lỗ châu mai

Băng mình qua núi thép gai

Ào ào vũ bão,

Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…

Những bàn tay xẻ núi lăn bom

Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)

Ảnh minh họa.

Đáng khâm phục và ngưỡng mộ biết mấy, khi những gian khổ, hiểm nguy không làm vơi chất lính trẻ trung – tươi xanh những tâm hồn và khát vọng. Trên bước đường hành quân, ở mọi lúc, mọi nơi, các anh kể cho nhau nghe những câu chuyện vui, những kỉ niệm đáng nhớ. Họ bồi hồi, rung động khi ngang qua cánh đồng lúa bất chợt nhớ về người vợ nơi quê nhà:

Tôi có người vợ trẻ

Đẹp như thơ

Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ

Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín

(Nhà tôi – Yên Thao)

Rồi những giờ phút giải lao, các chàng lính trẻ vui đùa hài hước, dí dỏm mà cũng rất đáng yêu, đáng mến:

Đằng nớ – vợ chưa

Đằng nớ – tớ còn chờ độc lập

Cả lũ cười vang bên ruộng bắp

Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu

(Nhớ – Hồng Nguyên)

Những nỗi nhớ dung dị về quê nhà, về người thân yêu, những lời nói, những nụ cười trên đường hành quân rạng rỡ xóa đi hết âu lo muộn phiền để mà tin yêu, mà lạc quan, mà có thêm động lực làm nhiệm vụ thiêng liêng. Nhà phê bình Nguyễn Đức Quyền đã nhận xét: “Ở ngoài mặt trận mà biết gió lay từng gốc cột ngôi nhà mình ở thì thật không còn từ ngữ nào để diễn tả hết tình cảm thiết tha của họ đối với gia đình mình. Thế đó, ai mà không mong muốn được sống yên vui, hạnh phúc trong mái ấm gia đình? Nhưng vì nghĩa lớn, họ ra đi không tiếc đời mình, bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân yêu nhất.

Cũng như vậy, ở ngoài mặt trận mà biết Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính chứng tỏ họ đang nhớ quê hương, nhớ người mình thương biết nhường nào! Mối giao cảm đậm đà sâu sắc ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính trên những chặng đường chiến đấu”.

Còn nhớ, Ngang dốc núi – bài thơ hay của Vũ Cao được sáng tác trong một khoảnh khắc bất ngờ trên con đường hành quân trong chiến dịch biên giới 1952. Câu chữ không hề trau chuốt mà vô cùng chân thực, đậm đà. Bài thơ kể lại câu chuyện thật dung dị, dễ thương: Vào buổi chiều hành quân, ngang qua dốc núi, anh bộ đội đã phát hiện ra một ngôi nhà nhỏ, chủ nhà là một cô sơn nữ trẻ trung. Cô gái ấy đón tiếp các anh một cách niềm nở, chân tình:

Chào cô con gái

Cô rót liền tay

Đưa tôi sóng sánh

Một lon rượu đầy

Rót xong, cô gái bắt đầu mời:

Cô nhìn đăm đăm

– Uống đi bộ đội

Uống mừng đầu xuân

Đường xa đỡ mỏi.

Ảnh minh họa.

Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng vô cùng đẹp đẽ đáng nhớ. Có lẽ, ánh mắt và chén rượu gửi vào đó bao tình cảm chân thành của sơn nữ kia sẽ tiếp thêm sức mạnh trong hành trình dài của cuộc đời anh chiến sĩ trẻ trong một lần dừng chân bên xóm nhỏ ven đường. Tâm hồn người lính trẻ – tâm hồn người Việt Nam là thế đó: Giản dị, sáng trong, nhạy cảm, yêu thương mà cũng rất đỗi can đảm, kiên cường:

Xiềng xích chúng bay không khóa được

Trời đầy chim và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không bắn được

Lòng dân ta yêu nước, thương nhà.

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập vào đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt – Lào. Địa bàn đóng quân rộng lớn, chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, thuộc nhiều tầng lớp. Họ chiến đấu, sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn, khắc nghiệt nơi núi rừng miền Tây hoang sơ, hiểm trở… nhưng vẫn hết sức lạc quan.

Trong những chặng đường hành quân, đối mặt với Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời, vậy mà những chàng trai ấy vẫn rung cảm trước vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên, rung động trước vẻ đẹp của những cô gái miền Tây trong đêm lễ hội đuốc hoa: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ/ Khèn lên man điệu nàng e ấp/ Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ. Những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi dù đối mặt với thác gầm thét, cọp trêu người… vẫn tươi xanh tâm hồn, vẫn để nỗi nhớ, gửi giấc mộng qua biên giới mơ về bóng dáng kiều thơm nơi chốn thị thành và rực sáng thanh xuân khát vọng.

Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc

Quân xanh màu lá, dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Cái dáng dấp thanh lịch xuất hiện trong thơ của Quang Dũng với nét mộng mơ của một tráng sĩ xác định một đi không trở lại: Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi/ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. Lý tưởng ấy thật cao đẹp!

Giữa cuộc chiến khốc liệt, tuổi trẻ Việt Nam với chất vàng mười của tình yêu đất nước, dù Điện giật dùi đâm, dao cắt, lửa nung, vẫn sáng ngời tinh thần lạc quan, niềm tin vô bờ vào ngày hội non sông: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). Họ là những con người biết hi sinh, biết gian khổ nhưng vẫn cứ ra đi. Các anh chẳng tiếc đời xanh của mình cho quê hương, cho đất mẹ.

Những chàng trai ấy sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân với tư thế, ý chí, lời thề quyết tâm mạnh mẽ. Bởi hơn ai hết, họ biết rằng: Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân (Lê Anh Xuân).

Nếu người lính trong thơ Xuân Quỳnh lòng thấy nao nao nhớ về người bà, về tuổi thơ hồn nhiên khi nghe tiếng gà trong một buổi trưa hành quân nơi xóm nhỏ: Trên đường hành quân xa/ Dừng chân bên xóm nhỏ/ Tiếng gà ai nhảy ổ: “Cục… cục tác cục ta”/ Nghe xao động nắng trưa/ Nghe bàn chân đỡ mỏi/ Nghe gọi về tuổi thơ thì những người lính trẻ trong thơ Anh Ngọc chỉ bất chợt nhìn cây xấu hổ mà có cảm giác êm dịu vô ngần. Trong cái khoảnh khắc bình yên, trong phút giây tuyệt diệu ấy, chẳng hiểu sao, cái không gian xám xịt đen mờ của khói lửa chiến tranh tan biến hết, chỉ còn lại trời đất trong veo, nghe lâng lâng niềm yêu thương giản dị:

Phút lạ lùng trời đất trong veo

Anh nghe có tiếng reo thầm gặp gỡ

Nhiều dáng điệu thoáng qua trong trí nhớ

Rất thân quen mà chẳng gọi nên lời

(Cây xấu hổ)

Rồi bất chợt, anh lính trẻ hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình. Hành động ấy thật hồn nhiên, thật dễ thương, dễ mến. Đọc những vần thơ ấy, không thấy bão tố chiến tranh, chỉ còn lại trời đất trong veo, tâm hồn trong veo của những chàng trai trẻ. Vẻ đẹp lãng mạn, mộng mơ ấy thật xúc động vô ngần!

Lãng mạn, mộng mơ, lạc quan, anh dũng… là vẻ đẹp kì diệu, thiêng liêng, sáng trong, thánh thiện của những người lính trẻ trong hai cuộc kháng chiến gian khổ mà vẻ vang của dân tộc. Các anh đã đi vào thơ ca dân tộc và trở thành tượng đài bất tử.

Trần Văn Toản (Giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học Huế)

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích