tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Gần lắm Trường Sa

Chưa đến Trường Sa, ai cũng nghĩ nơi đây chỉ có cát trắng, nắng vàng, khí hậu biển mặn mòi, khắc nghiệt. Nhưng khi đặt chân lên đảo, những con đường bê-tông với những hàng cây, vườn rau tươi tốt cùng lớp học râm ran tiếng trẻ đã làm tan biến cơn say sóng, sự mệt nhọc của những người vừa từ trên tàu bước xuống. Cảm nhận nơi đây như một làng quê Việt. Cảm nhận ấy không của riêng ai vừa từ đất liền ra đảo, bởi đó là đất, là biển như máu và xương thịt của cùng một cơ thể – Tổ quốc thiêng liêng.

Sau hải trình dài ngày trên con tàu Bệnh viện mang tên Khánh Hòa-01, nơi chúng tôi được đến đầu tiên khi đặt chân lên đảo Trường Sa là Trung tâm y tế thị trấn.

Nơi đây có 30 giường bệnh với đầy đủ các phòng chức năng như: khám ngoại, khám nội, cấp cứu, phẫu thuật, hộ sinh, chụp X-quang, xét nghiệm… Để phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân, ngoài các phòng chức năng như một bệnh viện trong đất liền, trung tâm còn có thêm phòng điều áp nhằm điều tiết áp lực vốn rất cần thiết cho việc chữa trị các bệnh đặc thù của ngư dân lặn biển.

Âu tàu tránh trú bão trên đảo Trường Sa.
Âu tàu tránh trú bão trên đảo Trường Sa.

Hằng năm, Trung tâm tổ chức khám và cấp thuốc cho khoảng 2.000 người, trong đó hơn nửa là ngư dân. Từ khi thành lập năm 2018 đến nay, trung tâm đã khám cho hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, ngư dân; thu dung, cấp cứu hàng nghìn trường hợp; phẫu thuật, vận chuyển kịp thời hàng trăm trường hợp vào đất liền điều trị, bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Những bác sĩ ra đảo công tác, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu thốn hơn đất liền, nhưng với lòng nhiệt tình trong công việc, ý thức chuyên môn cũng như kỷ luật của quân đội đã tôi luyện họ, giúp họ mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Họ chính là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và đồng đội – Bác sĩ quân y Bùi Công Hưng

Một trong những người nhiều năm làm việc trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, bác sĩ quân y Bùi Công Hưng cho biết, nắm được tâm lý hoang mang, lo sợ của những bệnh nhân phải làm việc trên ngư trường, chính vì vậy, ngoài việc hỗ trợ cấp cứu khẩn trương, kịp thời, các bác sĩ còn phải biết động viên, an ủi cho người bệnh. Qua đó, giúp họ trấn tĩnh trở lại, yên tâm điều trị. Anh chia sẻ, những bác sĩ ra đảo công tác, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu thốn hơn đất liền, nhưng với lòng nhiệt tình trong công việc, ý thức chuyên môn cũng như kỷ luật của quân đội đã tôi luyện họ, giúp họ mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Họ chính là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và đồng đội.

Lễ chào cờ đầu tuần.

Dọc con đường bê-tông dẫn vào trụ sở chỉ huy đảo rắc đầy hoa nắng lọt qua các kẽ lá bàng vuông, Thượng tá Phạm Thế Nhương chia sẻ, ngoài công tác khám chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho các ngư dân vươn khơi, bám biển, bộ đội Trường Sa còn phải được huấn luyện để làm tốt công tác hướng dẫn cho tàu, thuyền của ngư dân vào tránh trú tại các âu tàu, hỗ trợ cho ngư dân nghiệp vụ đi biển, cách tự cứu chữa bệnh khi độc hành trên biển và các kỹ năng tồn tại trên biển khi gặp tai nạn, sự cố.

Cùng với lực lượng y tế chuyên trách, bộ đội trên đảo thường xuyên hỗ trợ ngư dân khi gặp tình huống đột xuất, bất ngờ, tập trung cứu hộ, bảo vệ họ trong mọi tình huống. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo, cũng như khi đang thực hiện nhiệm vụ trên biển khơi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với bộ đội, người dân các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa, các tàu hải quân, kiểm ngư, tàu cá ngư dân thực hiện tốt công tác tuần tra trên biển, tuyên truyền về khai thác hải sản hợp pháp, đánh bắt hải sản kết hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nhận quà từ đất liền gửi ra đảo.

Hiện nay, trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, nhiều nơi đã có âu tàu làng chài. Có những âu tàu có sức chứa hàng trăm tàu, thuyền. Nhờ vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân vào tránh trú mỗi khi biển động, sóng to, gió lớn. Trên đảo Trường Sa hiện đã có một âu tàu hiện đại, với sức chứa lớn, có dịch vụ hậu cần khá đầy đủ và đội ngũ trực chiến suốt 24 giờ trong ngày.

Ông Phạm Thi An, một ngư dân Bình Định đang có tàu sửa chữa tại âu tàu Trường Sa cho biết, mỗi khi có sự cố về thời tiết, tất cả các tàu cá vào âu tàu đều được nhân viên của Trung tâm hậu cần kỹ thuật hỗ trợ và kiểm tra, buộc chằng tàu cẩn thận, chuẩn bị đệm va, sắp xếp tàu cá neo đậu hợp lý, sắp xếp nơi ăn, chốn nghỉ đồng thời có phương án sẵn sàng sơ tán ngư dân lên đảo khi cần thiết. Sau khi thời tiết ổn định các bác sĩ, y tá thăm khám, nắm bắt tình hình sức khỏe của ngư dân, cung cấp nước ngọt, nhiên liệu, thực phẩm để bà con ngư dân tiếp tục hải trình đánh bắt hải sản.

Không chỉ ở đảo Trường Sa, các đảo Đá Đông, Đá Tây, An Bang, Song Tử Tây, Sinh Tồn.… cũng đã xây dựng những âu tàu tránh trú an toàn, hằng năm đón nhận hàng trăm tàu cá của các ngư dân mỗi khi phương tiện thiếu nguyên liệu, nước ngọt, gặp sự cố hay thời tiết xấu trên biển.

Quân và dân đảo Trường Sa, gói bánh chưng đón Tết.

Đến với Trường Sa vào dịp gần Tết, chúng tôi cảm nhận thấy một không khí chuẩn bị đón xuân chộn rộn, ấm áp của các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo như ở làng quê mình. Một cán bộ chỉ huy cho biết, anh đã nhiều năm ăn Tết ở Trường Sa và trên tàu. Ở nơi hải đảo, mỗi dịp Tết đến, quân và dân lại quây quần bên nhau gói bánh chưng, thắp hương, bày cỗ cúng bàn thờ Tổ quốc và gia tiên. Vui nhất là dịp bày cỗ, gói bánh chưng. Bây giờ, ngồi cùng gói bánh với bộ đội, chúng tôi mới sực nhớ đến trên chuyến tàu cùng mình ra đảo, những bao tải lá dong, gạo nếp, những chú lợn béo, cây quất, cành mai đầy ắp các khoang lan can có ý nghĩa thế nào.

Các chuyến tàu từ đất liền ra thăm đảo nhiều nên nguyên liệu gói bánh cũng đầy đủ hơn và vị bánh đã thật gần với bánh chưng Tết, chứ không còn mùi hanh hao của vị biển mặn và mùi thơm của lá bàng vuông như trước nữa.

Sĩ quan Đoàn Triều Nhơn quê ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) vừa bước chân lên đảo để thay quân cũng có mặt trong nhóm cán bộ, chiến sĩ làm công tác hậu cần cho biết, đây là lần thứ ba anh ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Những năm trước đây, các chuyến tàu ra thăm đảo không nhiều như bây giờ, nên nguyên liệu để gói bánh rất thiếu thốn. Để khắc phục, bộ đội Trường Sa phải gói bánh chưng bằng những chiếc lá bàng vuông do không đủ lá dong.

Nhận những cành đào Tết từ đất liền gửi ra.

Bây giờ thì mọi chuyện đã khác, các chuyến tàu từ đất liền ra thăm đảo nhiều nên nguyên liệu gói bánh cũng đầy đủ hơn và vị bánh đã thật gần với bánh chưng Tết, chứ không còn mùi hanh hao của vị biển mặn và mùi thơm của lá bàng vuông như trước nữa. Ngày trên đảo, sau khi chứng kiến và tham gia buổi diễu hành, chào cờ Tổ Quốc uy nghiêm, chúng tôi đã được thưởng thức bữa Tết tất niên đầm ấm cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Một buổi sinh hoạt đảng của Chi bộ Cụm chiến đấu số 2.

Buổi chiều, sau giờ tập luyện trên thao trường, các sân bóng chuyền, bóng đá, sân tập thể thao, phòng rèn luyện sức khỏe đa chức năng lại đầy ắp tiếng cười của những người lính trẻ. Đến tối, thư viện hơn 1.000 đầu sách, báo lại thu hút đông đủ các cán bộ, chiến sĩ. Họ đọc cho nhau nghe những bài báo đã vượt trùng khơi ra đảo, tuy đến chậm, nhưng với những người lính đảo đó là tất cả những thông tin từ đất liền, hậu phương gửi ra, giúp họ an tâm công tác.

Giờ đọc báo của bộ đội Trường Sa.

Nhóm phóng viên ra đảo mỗi người một nhiệm vụ, quan trọng là thời gian có hạn nên phải thật nhanh, sắp xếp khoa học và tuân thủ quy định chung. Chúng tôi là phóng viên chuyên trách mảng nông nghiệp, nên thường để ý, quan sát nhiều đến việc nuôi con gì, trồng cây gì để bộ đội tăng gia trên đảo. Một cảm nhận luôn in đậm trong chúng tôi đó là, đến với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, màu xanh bạt ngàn của cây lá đã nhuộm kín đến từng góc đảo.

Phóng viên báo chí tác nghiệp trên đảo Trường Sa.

Trước đây, rau xanh là “đặc sản” của đảo vì khan hiếm, khó trồng. Nhưng giờ đây, hầu hết các đảo đều trồng được rau với đủ loại tươi tốt, giúp cải thiện đáng kể bữa ăn cho quân dân trên đảo. Trên các đảo đều có hệ thống bể đựng nước ngọt, nhận từ các chuyến tàu chở ra hay do những trận mưa từ trời ban tặng. Bên những gốc cây phong ba, bao báp, bàng vuông là những cây hoa khoe sắc, ô rau xanh mơn mởn của các đơn vị bộ đội và nhân dân.

Mùa nào, rau ấy. Khi chúng tôi đến, đất liền đang có đợt rét hại, vậy mà Trường Sa đang hưởng cái nắng như thiêu, như đốt. Trong khu vườn, những giàn mướp, giàn bầu, bí trĩu quả; những luống rau dền, rau lang, rau muống, mồng tơi vẫn lên xanh tốt nhờ bàn tay chăm sóc cần cù của cán bộ chiến sĩ và người dân đang sống nơi đây.

Bộ đội Trường Sa chăm sóc vườn rau.

Trên thị trấn đảo Trường Sa hiện có nhiều hộ gia đình sinh sống. Các hộ gia đình này, trước khi ra đảo đều là những nông dân của tỉnh Khánh Hòa. Đến thăm gia đình anh chị Nguyễn Minh Vinh và Vã Thị Sông, quê ở huyện Ninh Hòa, được biết gia đình anh, chị có 4 nhân khẩu, hiện con lớn của họ đã vào đất liền để theo học Trung học cơ sở, còn đứa con gái út đang theo học lớp 3 của Trường tiểu học Trường Sa. Là một trong những hộ gia đình ra lập nghiệp trên đảo Trường Sa, anh chị đã đem theo nghề trồng trọt và chăn nuôi truyền thống của gia đình, nhờ vậy, cuộc sống kinh tế của gia đình anh, chị được cải thiện.

Anh Vinh tâm sự, làm nông nghiệp trên đảo luôn gặp rất nhiều khó khăn do gió biển, nắng nóng và nước ngọt hạn chế. Muốn trồng rau phải có giá thể tốt, nhà lưới có mái che thật kín để tránh gió cát và muối biển. Việc chăn nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thức ăn nên chỉ những loại gia súc, gia cầm dễ chăm sóc như gà, vịt, chó, lợn… mới nuôi tốt được. Gia đình anh hiện đã có những mảnh vườn rau quanh năm xanh tốt, có đàn gia cầm đông đúc đủ cung cấp thực phẩm không chỉ cho gia đình mà còn góp phần vào bữa ăn chung của bộ đội trên đảo.

Làm nông nghiệp trên đảo luôn gặp rất nhiều khó khăn do gió biển, nắng nóng và nước ngọt hạn chế. Muốn trồng rau phải có giá thể tốt, nhà lưới có mái che thật kín để tránh gió cát và muối biển. Việc chăn nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thức ăn nên chỉ những loại gia súc, gia cầm dễ chăm sóc như gà, vịt, chó, lợn…mới nuôi tốt được – Anh Nguyễn Minh Vinh, hiện đang sống trên đảo Trường Sa

Cùng với gia đình anh Vinh, chị Sông các hộ gia đình khác trên đảo Trường Sa hiện cũng đang trở thành những người nông dân giỏi trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp tích cực nguồn rau xanh và thực phẩm dồi dào cho những bữa ăn của quân và dân trên đảo.

Bộ đội Trường Sa chăm sóc vườn rau.

Bộ đội Trường Sa, ngoài công tác huấn luyện, chiến đấu giỏi, cũng trở thành những “nhà nông” thứ thiệt. Ghé thăm các mảnh vườn của Cụm chiến đấu số 2 đúng lúc các cán bộ, chiến sĩ đang thu hoạch rau xanh phục vụ bữa cơm chiều. Trong vườn, những giàn bầu, bí trĩu quả, luống rau mồng tơi, rau muống, rau cải các loại đang lên tươi tốt. Giữa vườn rau xanh còn có giếng khơi đủ cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt của toàn cụm và tưới rau. Đại úy, Bí thư Chi bộ Lý Quý Cường cho biết, nhiều năm nay, cụm luôn trở thành đơn vị xuất sắc của đảo trong việc tăng gia sản xuất.

Ngoài giờ hành chính, sau những buổi tập trên thao trường, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị lại tập trung chăn nuôi, chăm sóc vườn rau. Nhờ vậy, bữa cơm hằng ngày của đơn vị luôn có rau xanh và thực phẩm gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống của anh em trong đơn vị. Các cụm chiến đấu số 1, số 3 cũng có những đàn gà, ngan, vịt và vườn rau xanh do bộ đội tăng gia. Hiện nay, rau xanh và thực phẩm sạch do bộ đội và nhân dân trên đảo tự sản xuất đã được đưa vào các bữa ăn hàng ngày.

Việc chăm sóc các vườn rau và nuôi gia súc, gia cầm trên đảo khó khăn hơn đất liền rất nhiều. Nhưng những cây cỏ, hoa lá, rau màu hay vật nuôi nào đã tồn tại được trên đảo thường rất khỏe và có tính chịu đựng cao. Cây rau trồng ở đảo phải chịu được mặn và gió táp nên thường có lá dày và thân có kích thước lớn hơn trên đất liền. Để phát triển các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, hằng năm bộ đội Trường Sa có các phong trào thi đua, trong đó không thể thiếu phần đánh giá kết quả trồng rau xanh và nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả cao của các cụm chiến đấu và các đơn vị trên toàn đảo.

Một tiết học của Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa.

Các đảo trên quần đảo Trường Sa đang bước vào mùa xuân. Những bông hoa muống biển đã bắt đầu nở tràn trên các bãi cát vàng, nhuộm đầy ánh nắng. Chia tay Trường Sa trong bịn rịn. Lên tàu rồi mà những tiếng hát trong trẻo của thầy trò Trường tiểu học thị trấn Trường Sa vẫn còn vang xa, như muốn níu giữ chúng tôi:

“Nơi mênh mông trùng khơi, nơi bốn bề sóng vỗ

Bên những người lính trẻ, ngồi hát bản tình ca

Gần lắm ơi Trường Sa, không xa… Ơi Trường Sa”!

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích