Áp cách tính giá mới, tiền điện thay đổi thế nào?
Ngành điện lại sắp thay đổi cách tính giá điện. Cơ quan quản lý, chuyên gia nói gì về cách tính giá điện ‘hai thành phần’?
Khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả
Bộ Công thương vừa giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu giá điện hai thành phần (gồm giá công suất và giá điện năng) để tiến tới thay thế cơ chế hiện nay (giá điện một thành phần là điện năng: Tiền điện trả theo lượng điện năng tiêu thụ).
Áp dụng giá điện “hai thành phần” sẽ giúp giảm bớt nhu cầu đầu tư lưới điện (Trong ảnh: Nhân viên ngành điện ghi số lượng tiêu thụ điện của người dân).
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho hay, việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ giúp cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý.
Tuy nhiên hiện tại, việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm. Do đang ở bước tính toán thí điểm thông qua dữ liệu đo đếm từ công tơ điện nên cũng chưa có tác động điều chỉnh được hành vi sử dụng điện trực tiếp tới khách hàng để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
“Việc tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện hai thành phần nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện mới để áp dụng khi phù hợp”, ông Hòa nói và cho rằng, việc áp dụng thêm thành phần giá công suất sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm tiền điện.
Đồng thời, khi áp dụng giá điện hai thành phần sẽ giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện. Việc này cũng giúp dễ dàng thu hồi chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức đã đăng ký.
Giảm bớt nhu cầu đầu tư lưới điện
TS Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia năng lượng nhìn nhận, áp dụng giá điện hai thành phần sẽ là bước đột phá về chính sách giá điện. Hiện, hầu hết các nước trên thế giới đều đang thực hiện cơ chế này.
Trước mắt mức mới nếu được áp dụng có thể cao hơn một chút, tuy nhiên lâu dài, hệ thống điện ổn định, minh bạch sẽ tạo ra cơ chế cạnh tranh giữa các nguồn điện, thúc đẩy tăng trưởng các nguồn năng lượng mới nên sẽ có tác động tích cực đến chi phí điện của người dùng cuối. Còn với khách hàng dùng sinh hoạt và nông nghiệp vẫn được tính theo cách và giá hiện hành.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình
Ông phân tích, cơ chế hiện hành có ưu điểm là đơn giản nhưng không phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống.
Còn khi áp dụng thêm giá công suất, đối với những khách hàng đăng ký công suất lớn hơn so với nhu cầu sử dụng thực tế, ngành điện sẽ thu hồi được cả chi phí đầu tư.
Đưa ra bài toán so sánh giữa một hộ tiêu thụ công suất 1kW trong 1 giờ/ngày (dùng hết 24kWh trong 1 ngày) với 1 hộ dùng 24kW chỉ trong 1 giờ/ngày và 1 ngày cũng tiêu thụ 24kWh, chuyên gia năng lượng, PGS.TS Bùi Xuân Hồi đánh giá: Nếu áp dụng giá một thành phần hiện nay thì hai hộ này cùng trả một hóa đơn giống nhau, nhưng thực tế chi phí mà ngành điện phải trả cho 2 hộ này là hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể, với trường hợp đầu, ngành điện chỉ đầu tư quy mô 1kW (chi phí cố định) và trả phí vận hành cho 24 giờ (chi phí biến đổi); Với hộ 2, ngành điện phải đầu tư quy mô lên tới 24kW và trả phí vận hành trong 1 giờ.
Còn theo TS Hoạch, lâu nay giá điện được tính bằng công suất sử dụng, nên nhiều nhà sản xuất đăng ký công suất rất cao, khiến ngành điện phải đầu tư lưới, trụ để đáp ứng.
Điều này dẫn đến khi công suất sử dụng thấp, ngành điện vẫn phải mất chi phí duy trì vận hành, chạy công suất nền… dù khách hàng không sử dụng.
Vì thế, khi cơ chế giá hai thành phần được áp dụng sẽ giúp ngành điện giảm bớt nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện.
Khi đó, nhà cung cấp điện có thể đưa ra một gói sản phẩm tương ứng biểu giá điện bán cho khách, như cách chúng ta mua gói cước điện thoại trong mỗi tháng, tùy thuộc nhu cầu sử dụng.
“Chẳng hạn, với khách hàng sản xuất, đăng ký mua gói công suất là 1.000 kW, sử dụng 4.000 kWh trong 1 tháng sẽ có mức giá khác khách hàng đăng ký công suất 2.000 kW, nhưng cũng chỉ sử dụng 4.000 kWh”, ông Hoạch dẫn chứng.
Cú hích cho năng lượng tái tạo
Dẫn kinh nghiệm từ Trung Quốc bắt đầu thực hiện giá điện hai thành phần từ ngày 1/1 năm nay, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, Hiệp hội Năng lượng VN cho biết, điện than là nguồn năng lượng hỗ trợ và điều tiết quan trọng nhất của Trung Quốc.
Trong khi đó, chi phí vận hành điện than bao gồm các chi phí cố định (như khấu hao, chi phí nhân công, chi phí sửa chữa, chi phí tài chính) và các chi phí biến đổi (như chi phí mua than và vật tư).
Trong quá trình chuyển dịch năng lượng, điện than phải nhường cho điện tái tạo phát triển và luôn phải trực sẵn để bù đắp cho sự không ổn định của điện tái tạo. Tức là nhiệt điện than cung cấp dịch vụ hỗ trợ ngay cả khi không phát điện, hoặc phát điện dưới công suất tối ưu.
Vì thế, việc áp dụng thêm giá điện công suất, các nhà máy nhiệt điện than được trả tiền công suất đầu tư khi không phát điện. Điều này giúp đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Vấn đề này được bàn luận hàng chục năm trước, vì vậy, theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, cần sớm ban hành để bảo đảm tính ổn định của thị trường năng lượng.
“Trong bối cảnh ngày càng nhiều nguồn năng lượng tái tạo được phát triển, các nguồn điện truyền thống phải đóng thêm vai trò dự phòng để bù đắp cho sự không ổn định của điện năng lượng tái tạo. Áp dụng giá điện hai thành phần sẽ là cú hích cho năng lượng tái tạo”, ông Thỏa nói.
Dự kiến khi nào áp dụng?
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, để đưa ra lộ trình chính thức áp dụng cơ chế giá điện thành phần trước hết cần có kết quả thí điểm từ EVN. Từ đó, mới có thể tính toán kỹ những tác động và đưa ra dự thảo các nội dung để lấy ý kiến.