Đón khách quý dịp tết bằng chuột “quý tộc”
Nhân dịp tết đến xuân về, đồng bào Xơ Đăng lên núi bắt chuột “quý tộc” về chiêu đãi khách. Đây là những dòng chuột chuyên ăn sâm Ngọc Linh nên rất quý hiếm. Chủ nhà mang mời khách với hàm ý mong khách thật nhiều sức khoẻ.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã đến. Đồng bào Xơ Đăng ở thủ phủ Sâm Ngọc Linh (thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đón tết sung túc, sum vầy với bánh chưng, gà, thịt heo, rượu cần, rượu sâm, ngũ vị tử.
Bên cạnh đó, bà con Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông còn chuẩn bị đặc sản độc, lạ, ít nơi có, là chuột “quý tộc” để tiếp đón khách quý.
Theo người dân lý giải, chuột núi sống trên núi Ngọc Linh cực kỳ tinh khôn. Chúng ăn đủ loại thảo dược, hoa quả, trong đó, sâm Ngọc Linh là món ăn khoái khẩu.
Người dân vùng núi Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông đã trồng được hơn 67ha sâm. Thời gian qua, loài chuột này kéo nhau đến các vườn để ngấu nghiến củ, lá, thân, quả sâm Ngọc Linh. Vì chuyên ăn sâm quý nên người dân gọi loài chuột núi Ngọc Linh là chuột “quý tộc”.
Thịt chuột “quý tộc” rất thơm, bổ dưỡng. Vì thế, trong các dịp quan trọng như lễ tết, người dân lên núi đặt bẫy chuột về chiêu đãi khách.
Tết năm nay, nhà anh A Thôi (25 tuổi, xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông) đã để sẵn 3 con chuột quý tộc trên gian bếp. Tuy nhiên, thấy vẫn chưa đủ, anh vẫn lọ mọ lên núi ở lại qua đêm hòng bắt thêm chục chú chuột để tết đãi người thân, các già làng, người có uy tín.
“Đây là khách quý, thường xuyên giúp đỡ, chăm lo gia đình trong năm. Mình sẽ mời họ dùng thịt chuột “quý tộc” với hàm ý chúc thật nhiều sức khỏe”, anh A Thôi nói.
Nhà ông A Dũng (xã Đắk Na) cũng đã chuẩn bị 10 chú chuột “quý tộc” để đãi khách. Ông Dũng cho biết, để bắt được số chuột trên, trước tết mấy ngày, ông lặn lội lên núi bắt chuột. Ngặt nỗi, chuột quý tộc rất khôn. Ông phải chơi chiêu dùng mồi thơm để dẫn dụ vào bẫy. Trước mùi thơm của mồi, đàn chuột lần lượt “sa lưới”. Ông đưa về hun khói bảo quản, chờ khách quý đến là mang ra chế biến.
“Nhiều năm qua gia đình đều săn chuột núi Ngọc Linh đón tết. Việc bắt được chuột quý này rất khó, phải lặn lội ở lại rừng. Biết sẽ vất vả nhưng vì lòng trân quý với khách nên chấp nhận đầu tư công sức. Gia đình đã sẵn sàng chào đón những vị khách đến xông đất”, A Dũng nói.
Bà Hoàng Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông cho biết, dịp tết, khi đồng bào Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông mang chuột “quý tộc” ra chiêu đãi, chứng tỏ vị khách đó được chủ nhà vô cùng quý mến.
Cũng theo bà Dung, tình trạng chuột ăn, phá sâm diễn ra nhiều năm qua. Sâm là tài sản giá trị cao. Khi sâm bị chuột ăn sâm, bà con thiệt hại rất lớn. Để hạn chế tình trạng chuột phá sâm của dân, trung tâm đã hướng dẫn dân làm rào, màn bảo vệ. Việc này sẽ cản ngăn đàn chuột xâm nhập vào các vườn sâm.