Gameshow bùng nổ vì kiếm bộn tiền từ quảng cáo, giờ vàng
Gameshow là mảnh đất màu mỡ thu hút quảng cáo của các nhãn hàng.
Gameshow hút nguồn tiền quảng cáo
Trong những chương trình truyền hình, gameshow mang lại tính giải trí cao nhất, phù hợp với nhiều lứa tuổi khán giả. Vì thế, nó trở thành mảnh đất màu mỡ cho TVC quảng cáo của các nhãn hàng.
TVC (Television Video Commercials) là quảng cáo trên truyền hình bằng những video cực ngắn, chỉ tính bằng giây.
TVC được các nhãn hàng sản xuất và phát xen kẽ trước, trong và sau một chương trình có thể là gameshow, phim truyện, talkshow…
Dựa vào khung giờ phát sóng và rating (lượt xem cùng một lúc) mà giá tiền TVC có những mức khác nhau.
Theo chia sẻ của Công ty TNHH truyền thông Biển Đông với phóng viên Báo Lao Động, quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV, cụ thể trên sóng VTV3, giá tiền quảng cáo trong gameshow và phim truyền hình ngang bằng nhau.
Trong gameshow phân loại giá quảng cáo trước và trong khi chương trình phát sóng.
Những gameshow phát sóng năm 2023: “Đối đầu đỉnh cao”, “Thần tượng đối thần tượng”, “Hành trình rực rỡ” có giá quảng cáo trước chương trình là TVC 10 giây hơn 63 triệu đồng, 15 giây giá hơn 76 triệu đồng, 20 giây hơn 95 triệu đồng, 30 giây hơn 127 triệu đồng.
Trong chương trình, TVC 10 giây giá hơn 68 triệu đồng, 15 giây gần 82 triệu đồng, 20 giây hơn 102 triệu đồng, 30 giây hơn 136 triệu đồng.
Đây cũng là mức giá được áp dụng cho quảng cáo năm 2022 ở các gameshow như “Hành lý tình yêu”, “Vua tiếng Việt”, “Bài hát hay nhất”, “Gương mặt thân quen”…
Năm 2018, giá quảng cáo trong thời gian phát sóng với thời lượng 30 giây của “The Debut” là 210 triệu đồng, “Gương mặt thân quen” là 200 triệu đồng, “The Voice” là 220 triệu đồng.
Trong gameshow “Ơn giời, cậu đây rồi” là 220 triệu đồng/30 giây ở nhiều tập đầu. Những tập cuối, giá quảng cáo có nhỉnh lên ở mức 280 triệu đồng/30 giây.
Sự bão hòa về gameshow bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là “sự nhàng nhàng”, giống nhau của các cuộc thi.
Ngoài ra, việc sản xuất quá nhiều, không kỹ lưỡng, không tìm kiếm được thí sinh chất lượng cũng là một bế tắc của truyền hình thực tế hiện nay.
Vì thế nhiều gameshow mới ra đời chỉ “giữ chân” khán giả mùa đầu tiên, lượt xem suy giảm mạnh ở các mùa tiếp theo hoặc “khai tử” sau ngay mùa một.
Bên cạnh những gameshow đáng xem vẫn tồn tại vô số những gameshow cẩu thả, nhảm nhí từ khâu chọn kịch bản tới dàn dựng. Dàn cố vấn hay khách mời tham gia có những phát ngôn, hành động thiếu chuyên nghiệp…
Hiện nay, gameshow thu hút khán giả như “Hai ngày một đêm” sẽ có 3 mức giá. TVC 5 giây là 17 triệu đồng, 15 giây là 33 triệu đồng, 30 giây là 55 triệu đồng.
Các vị trí xuất hiện quảng cáo là sau khi chiếu hình hiệu, giữa 1/2, giữa 3/4 và trước khi kết thúc chương trình.
Chương trình “Ca sĩ mặt nạ” đang chiếu trên hai kênh là HTV2 và VTVcab1. Vì thế, chương trình sẽ nhận được tiền quảng cáo trên hai nguồn tài nguyên.
Tuỳ thời lượng phát sóng, đơn giá quảng cáo trên HTV2 sẽ từ 18 triệu đồng tới 59 triệu đồng. Trên VTVcab1 giá từ 10 triệu đồng đến 24 triệu đồng tuỳ theo thời lượng từ 5 giây đến 30 giây.
Chương trình “Bảy nụ cười xuân” phát sóng HTV, có giá quảng cáo từ 14 triệu đồng tới 58 triệu đồng tuỳ theo thời lượng từ 5 giây đến 30 giây.
Doanh thu trên YouTube của gameshow
Ngoài phát sóng truyền hình, các gameshow còn phát trên kênh YouTube. Đây là phương thức kiếm tiền từ lượt xem, lượt hiển thị quảng cáo, gói Premium và các hình thức ủng hộ từ người xem nội dung trên nền tảng.
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, anh Hà V.C (quản lý Network YouTube tại thị trường Việt Nam) cho biết: “Tại Việt Nam, mức chi phí mà nhà quảng cáo phải trả cho nhà sáng tạo nội dung, trung bình 1 triệu lượt xem sẽ rơi vào khoảng trên dưới 1.000 đô la Mỹ (hơn 23 triệu đồng).
1 CPM = 1.000 lần hiển thị quảng cáo/lượt xem ở Việt Nam chỉ tầm 1$/CPM. Giá trị CPM của mỗi kênh sẽ khác nhau và ở mỗi quốc gia nó cũng sẽ khác nhau”.
Với chương trình “Ca sĩ mặt nạ” – một gameshow có sức hút lớn trong thời gian qua: Tập 1 có 5,4 triệu lượt xem (khoảng hơn 115 triệu đồng) nhưng càng về sau lượt xem càng giảm. Tập gần nhất, chương trình thu về 1,5 triệu lượt xem (khoảng hơn 34 triệu đồng).
CPM là viết tắt của Cost Per Mille, cũng còn được gọi là cost‰ và cost per thousand (CPT) là một trong những nền tảng của các chương trình quảng cáo.