Hoa phượng vàng điểm tô phố núi
Hoa phượng có lẽ là cái tên quen thuộc, nhưng hoa phượng màu vàng thì lại khá lạ lẫm với người dân ta. Những ngày này, khắp nẻo đường, con phố cao nguyên được điểm tô trong màu áo vàng rực rỡ của hoa phượng.
Phố thị hoa vàng chính là cái tên mà người ta dành riêng ưu ái để gọi phố núi. Hình ảnh phố núi mơ màng trong thơ và nhạc ấy đã khiến bao người yêu mến. Những trảng hoa osaka (hay còn gọi là bọ cạp vàng) nở rực rỡ khắp các con phố. Hay mùa hoa dã quỳ trải thảm trên những con đường đất đỏ. Và đặc biệt hơn, tự nhiên đã ban cho vùng đất này cả những màu vàng rực rỡ của hoa phượng. Nơi nào có đủ sắc hoa phượng nào là đỏ, tím và vàng thì chính nơi đây.
Dù là thành phố Gia Nghĩa, thành phố Đà Lạt, thành phố Pleiku,… đều được tạo hoá ưu ái ban tặng màu hoa này.
Những người dân nơi đây, họ yêu mến cái sắc hoa vàng, bởi cái sắc mênh mông đó như biểu hiện của sự tự do, no ấm và yên bình.
Loài hoa phượng vàng còn có tên khác là phật y, có nguồn gốc từ Brazil. Loài cây cao lớn, lá thưa, đơm hoa vào mùa hè và rụng vào tháng 11 để kết trái.
Mỗi khi hè về, những đoá hoa phượng vàng từng chùm từng chùm với màu vàng tươi sum suê, rạng rỡ. Hoa nở nhiều, những cánh hoa theo gió mà bay trong không gian, nhuộm vàng mặt đất. Như sự luân hồi của đời hoa, những cánh hoa dù âm thầm không báo, không hẹn trước nhưng khi đến thì đầy bất ngờ với con người.
Cây phượng vốn thuộc dòng cây lâu năm nên mỗi cây phải trồng cả chục năm mới chịu đơm hoa. Cây càng lớn tuổi những đoá hoa càng thắm sắc.
Ở Lâm Đồng muốn ngắm hoa phượng vàng, du khách có thể đến với tu viện Bát Nhã, con đường rêu phong cổ kính, những bậc thềm đầy những dấu tích thời gian được trải vàng bằng những cánh hoa phượng. Chùa Phổ Độ ( Di Linh), trường THCS Lê Lợi ( Di Linh) cũng đầy những cánh phượng vàng in ngần trên nền trời xanh thẳm.
Thành phố Gia Nghĩa đón chào du khách bởi thung lũng vàng trong tiết thu se lạnh, sương mù lã chã rơi. Những con phố vàng hoa đón đợi và cả những đêm mưa róc rách lượn quanh chân đồi.
Lên Gia Lai mùa này, tại huyện Kông Chro cũng ngập sắp hoa phượng vàng. Phố núi cứ đẹp huyền hoặc như vậy. Để mỗi lần nhớ về phố núi, thường vang trong đầu câu hát trong bài “Còn chút gì để nhớ”- Phạm Duy:
“Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương…”