Nghệ sĩ đóng quảng cáo: Lương tâm và trách nhiệm
Câu chuyện người nổi tiếng và các hợp đồng quảng cáo không còn xa lạ gì với công chúng. Nhưng sự việc về hai diễn viên xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp xôn xao dư luận mấy ngày qua, khiến nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm hay lương tâm người làm nghề trong tình huống này để có thể thấu tình đạt lý.
Mập mờ trách nhiệm
Ngày 23-10, nguồn tin của PV Báo SGGP cho hay, Công an TPHCM phối hợp Công an TP Thủ Đức đã làm việc với nghệ sĩ Quốc Cơ – một trong hai nghệ sĩ “vừa chạy xe vừa làm xiếc chồng đầu”.
Bước đầu, Quốc Cơ cho biết, anh cùng em trai thực hiện quảng cáo cho một hãng xe điện với hợp đồng quảng cáo và giấy tờ đầy đủ. Quá trình quay quảng cáo được thực hiện ở khu vực có rào chắn cẩn thận, không phải đường giao thông đang sử dụng, có bảo hộ, xe cấp cứu và được đồng ý của đơn vị quản lý khu vực.
Ngoài ra, về mặt chuyên môn xiếc, Quốc Cơ cho biết, trên thực tế cảnh “chồng đầu” chạy xe máy trong clip không phải là tiết mục xiếc như hai anh em thường biểu diễn, mà được dàn dựng với hệ thống cần cẩu hỗ trợ cố định người phía trên. Sau đó, video được xử lý hậu kỳ xóa dây bảo hộ, xe cẩu và nhân viên hỗ trợ. Đồng thời, trên video phát hành có để dòng chữ khuyến cáo: “Được thực hiện bởi nghệ sĩ chuyên nghiệp, trong khu vực được kiểm soát. Vui lòng không thử theo bất kỳ hình thức nào”.
Hình ảnh 2 nghệ sĩ Quốc Cơ – Quốc Nghiệp biểu diễn chồng đầu chạy xe máy phổ biến trên mạng xã hội |
Theo nguồn tin của PV Báo SGGP, đơn vị hợp đồng quay quảng cáo clip trên với nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp chưa báo cho chính quyền địa phương. “Hoạt động quay quảng cáo này chỉ có hợp đồng giữa các đối tác với nhau, không thông báo, xin phép chính quyền địa phương”, nguồn tin của PV chia sẻ.
Trong khi đó, thông tin từ phía Sở VH-TT TPHCM thì khẳng định, hiện hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp là diễn viên tự do, không thuộc các đơn vị sự nghiệp do sở chủ quản nên sở không nắm được hoạt động của họ.
Về cấp phép quảng cáo, đại diện phía Sở VH-TT TPHCM cũng cho biết, sở không có chức năng cấp phép quảng cáo trên nền tảng Internet nên không cấp phép quảng cáo cho doanh nghiệp cũng như nghệ sĩ trong clip đang lan truyền trên mạng xã hội. Trong khi đó, theo đại diện Sở TT-TT TPHCM, sở cũng không có thẩm quyền cấp phép quảng cáo mà việc cấp phép thuộc cơ quan chuyên môn của Bộ TT-TT.
Bài học cho nghệ sĩ
Không phải ngẫu nhiên vụ việc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp lại gây dư luận lớn những ngày qua. Một trong những lý do là chỉ vài ngày trước đó, người mẫu Ngọc Trinh (tên thật là Trần Thị Ngọc Trinh, 34 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) vừa bị khởi tố về hành vi “gây rối trật tự công cộng” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Video clip dẫn đến việc khởi tố người mẫu Ngọc Trinh là cảnh cô thực hiện các hành vi nguy hiểm trên xe gắn máy phân khối lớn. Tuy nhiên, phía cơ quan công an cho biết, đây là hai sự việc có bối cảnh, bản chất khác nhau. Phía hai nghệ sĩ quay video clip nằm trong sự kiểm soát chuyên nghiệp với các trang thiết bị hỗ trợ an toàn, khu vực được cách ly giám sát về giao thông, có cảnh báo với người xem…
Còn với người mẫu Ngọc Trinh thì là hành vi tự phát ngay trên đường giao thông, không có các biện pháp an toàn, ngăn cách với người đi đường, vi phạm các quy định về an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Một lý do khác khiến sự việc trở nên nổi bật chính là tên tuổi của hai nghệ sĩ Quốc Cơ – Quốc Nghiệp, họ được xem là hai nghệ sĩ xiếc Việt Nam nổi tiếng nhất hiện nay. Cả hai đã lập hàng loạt kỷ lục từ Việt Nam cho đến thế giới, góp phần không nhỏ mang lại danh tiếng cho nghệ thuật xiếc Việt Nam. Chính vì thế, sự việc có liên quan đến hai nghệ sĩ nhận được sự quan tâm của dư luận.
Theo thông tin từ phía cơ quan công an, trong những ngày tới, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục mời làm việc đối với những cá nhân, đại diện liên quan để làm rõ, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, riêng với hai nghệ sĩ Quốc Cơ – Quốc Nghiệp và với mọi nghệ sĩ khác, đây sẽ là một bài học lớn trong việc tiếp nhận quảng cáo.
Có ý kiến cho rằng, lẽ ra mọi chuyện đã không ầm ĩ nếu cảnh chồng đầu chạy xe được dàn xếp như một tiết mục biểu diễn trên sân khấu xiếc, hay trước khán giả ngoài trời như các tiết mục thực tế mà các nghệ sĩ đã từng thực hiện. Điều này vừa đáp ứng yêu cầu của đơn vị quảng cáo, vừa tránh các rắc rối pháp lý như hiện nay.
Câu chuyện của Quốc Cơ – Quốc Nghiệp và trước đây có hàng loạt nghệ sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm trên mạng cũng chính là câu chuyện trách nhiệm của nghệ sĩ với khán giả. Nghệ sĩ luôn là lựa chọn hàng đầu của các công ty, doanh nghiệp, bởi họ là người nổi tiếng, có một lượng khán giả mến mộ nhất định. Và điều gì sẽ xảy ra nếu sản phẩm họ quảng cáo không đảm bảo chất lượng, hay hình ảnh quảng cáo khiến người xem hiểu nhầm mà bắt chước gây nguy hiểm…
Sự nổi tiếng của nghệ sĩ vốn có được là từ lòng tin yêu, mến mộ của khán giả, vì vậy nghệ sĩ càng cần cẩn trọng và ý thức trước những hợp đồng quảng cáo, để không làm mất uy tín bản thân và thậm chí nếu sơ suất trong thủ tục giấy phép theo quy định của pháp luật có thể đẩy chính mình vào con đường sai phạm.
Luật Quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 nêu rõ 16 hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 8 là cấm hành vi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:
Bản chất của hành vi chạy xe chồng đầu như trong clip của hai nghệ sĩ Quốc Cơ – Quốc Nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, hành vi không đội mũ bảo hiểm và có các động tác biểu diễn trên xe của Quốc Cơ – Quốc Nghiệp vi phạm quy tắc giao thông đường bộ đối với người điều khiển xe gắn máy, vi phạm điều cấm tại khoản 23 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008.
Do đây là video quảng cáo, nên cũng cần xét theo quy định của Luật Quảng cáo 2012. Khoản 4 Điều 8 Luật này quy định cấm quảng cáo có dấu hiệu ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. Ngoài ra, việc đăng tải đoạn video này lên mạng còn vi phạm Luật An ninh mạng 2018.
Vậy hành vi này sẽ phải xem xét trách nhiệm của ai?
Trước hết cần làm rõ nội dung quảng cáo trên có được cấp phép hay không. Nếu có giấy phép quảng cáo thì còn phải xem xét trách nhiệm của cơ quan cấp phép. Ngoài ra, còn phải xem xét trách nhiệm của nhãn hàng, đơn vị tổ chức thực hiện quảng cáo và cả nghệ sĩ tham gia. Ở đây cần khẳng định, nghệ sĩ tham gia quảng cáo không thể “vô can” bởi họ là người có đủ năng lực hành vi dân sự, khi nhận quảng cáo phải biết nội dung quảng cáo có vi phạm pháp luật hay không. Hơn nữa, họ là nghệ sĩ, có tầm ảnh hưởng, đặc biệt là với giới trẻ.
Cần xem xét thêm, trong video được đăng tải trên mạng, người xem chỉ thấy hình ảnh hai nghệ sĩ chồng đầu chạy xe trên đường như người tham gia giao thông bình thường. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì ê-kíp mới đăng clip hậu trường cho thấy các biện pháp bảo hộ, hỗ trợ hai nghệ sĩ. Đây thực chất chỉ là biện pháp “chữa cháy”, nhằm chứng minh mục đích quảng cáo. Tuy nhiên cũng không thể thay đổi bản chất đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Tóm lại, trong vụ việc này cơ quan chức năng trước tiên cần làm rõ về giấy phép quảng cáo của đơn vị thực hiện quay hình đoạn video trên, từ đó xác định trách nhiệm đối với từng cá nhân, tổ chức có liên quan và nếu việc cấp phép được xác định là đúng theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo phải chịu trách nhiệm đối với quyết định cấp phép này.
MAI HOA ghi