Tư vấn - xây dựng và lắp đặt nhà nuôi chim yến

Giao thông vận tải Tiền Giang: “Đi tắt đón đầu” phát triển logistics

Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cách TP. Hồ Chí Minh 70 km về hướng Nam và cách TP. Cần Thơ 90 km về hướng Đông Bắc. Tiền Giang nằm trên các trục giao thông – kinh tế quan trọng như Quốc lộ 1 (QL.1), QL.50, QL.60, QL.30, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, nối TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh ĐBSCL. Nói cách khác, Tiền Giang là cửa ngõ của các tỉnh miền Tây Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN).

Giao thông “đi trước mở đường”

Trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 01 tuyến cao tốc đi qua là tuyến TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận, 04 Quốc lộ đang khai thác (gồm QL.1, tuyến tránh QL.1 thị xã Cai Lậy, QL.50, QL.60, QL.30) và 33 tuyến đường tỉnh.

Tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận đoạn qua địa bàn tỉnh dài 62,506 km, đoạn tuyến TPHCM – Trung Lương đã đưa vào khai thác từ năm 2010, đoạn tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào khai thác ngày 30/4/2022.

dji0100-01-1508718593562.jpeg

Tổng chiều dài 04 quốc lộ qua địa bàn tỉnh là 137,07 km và tuyến tránh QL.1 qua thị xã Cai Lậy dài 12,02 km. Trong các tuyến quốc lộ thì QL.1 đoạn qua địa bàn tỉnh thường xuyên quá tải, QL.60 kết nối với tỉnh Bến Tre xảy ra ùn tắc giao thông tại cầu Rạch Miễu vào những ngày lễ, tết và giờ cao điểm các ngày cuối tuần do nhu cầu đi lại của người dân từ TP.HCM về các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và ngược lại. QL.30 kết nối với tỉnh Đồng Tháp hiện nay đang được nâng cấp mở rộng. QL.50 kết nối với TP. Hồ Chí Minh qua Long An đã được nâng cấp toàn tuyến đạt cấp III đồng bằng và đang khai thác hiệu quả. Các tuyến quốc lộ đều có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội đối với tỉnh Tiền Giang, vùng KTTĐPN và cả vùng ĐBSCL.

Tổng chiều dài 33 tuyến đường tỉnh là 518,021 km, hệ thống mạng lưới đường tỉnh đang được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp kết nối với hệ thống quốc lộ, cao tốc dần hình thành mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

images1775632_dsc_0013.jpg
Ông Trần Văn Bon, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang

“Xác định hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư xây dựng nhanh và đồng bộ hệ thống giao thông mang tính chất liên kết vùng trong và ngoài tỉnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, ông Trần Văn Bon, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang cho biết.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 371 tuyến đường đô thị, nội thị với tổng chiều dài 236,601 km; 184 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 1.125,433 km và khoảng 6.158 tuyến đường xã, đường thôn xóm, đường chuyên dùng với tổng chiều dài khoảng 7.076,103 km.

Về đường thủy nội địa (ĐTNĐ), bao gồm hệ thống ĐTNĐ quốc gia và ĐTNĐ địa phương, với 114 tuyến, tổng chiều dài 1.046,11 km. Trong đó, hệ thống ĐTNĐ quốc gia gồm 08 tuyến với tổng chiều dài 213,5 km, chủ yếu đạt từ cấp đặc biệt; hệ thống ĐTNĐ địa phương gồm 106 tuyến với tổng chiều dài 832,61 km chủ yếu đạt cấp IV. Hệ thống cảng, bến được phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh với 10 cảng (01 cảng tổng hợp, 08 cảng chuyên dùng và 01 cảng hành khách) và 705 bến thủy nội địa gồm các bến hàng hóa, hành khách và bến khách ngang sông.

Về đường biển, Tiền Giang có 02 luồng hàng hải (luồng Soài Rạp và luồng Cửa Tiểu) với tổng chiều dài 86,25 km, đi qua địa bàn các huyện, thành phố: TP. Mỹ Tho, Chợ Gạo, Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây. Trên các luồng hàng hải có 02 cảng biển gồm cảng tổng hợp Mỹ Tho và cảng xăng dầu Soài Rạp – Hiệp Phước.
Theo ông Trần Văn Bon, phát huy truyền thống “đi trước mở đường” của ngành Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam, những năm qua GTVT Tiền Giang đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội địa phương, cũng như kết nối chuỗi giá trị với vùng KTTĐPN.

Tầm nhìn 2050

Quan điểm phát triển của Tiền Giang là phát triển kết cấu hạ tầng GTVT phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng phát triển của vùng ĐBSCL và vùng KTTĐPN, phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội và các ngành liên quan của tỉnh. Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng GTVT trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của Tỉnh là vị trí cửa ngõ kết nối các tỉnh miền Tây với TP. Hồ Chí Minh. Tăng cường liên kết chặt chẽ với hai trung tâm chính là TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ, ngoài ra kết nối với tuyến vận tải thủy xuyên biên giới Việt Nam – Campuchia trên tuyến sông Tiền.
Trong điều kiện nguồn ngân sách đầu tư công hạn chế, Tiền Giang chủ trương phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế, từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; dành quỹ đất hợp lý để phát triển, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển GTVT gắn kết với củng cố quốc phòng, an ninh.

Tiền Giang phấn đấu đến năm 2030, khối lượng vận tải hàng hóa vận chuyển đạt 33 triệu tấn tăng bình quân giai đoạn 2021-2030 là 11,16%; khối lượng vận tải hành khách đạt 71,39 triệu lượt hành khách tăng bình quân giai đoạn 2021-2030 là 7,58%; đến năm 2050, khối lượng vận tải hàng hóa vận chuyển đạt 102,1 triệu tấn, tăng bình quân giai đoạn 2031-2050 là 5,81%; khối lượng vận tải hành khách đạt 184,14 triệu hành khách, tăng bình quân giai đoạn 2031-2050 là 4,85%.

Đồng bộ, hợp lý giữa các phương thức vận tải, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt liên kết các tỉnh trong vùng phù phợp với nhu cầu vận tải. Phát triển vận tải chất lượng cao với chi phí hợp lý, giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics.

Về đường sắt, Quy hoạch đến năm 2030, có 01 tuyến đường sắt quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tuyến thuộc tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ là tuyến xây dựng mới đi từ Ga An Bình đến Ga Cái Răng, kết cấu đường đôi, khổ 1,435m, với tổng chiều dài 174 km. Tuyến dự kiến đi qua địa bàn 4 huyện: Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy và Cái Bè và thị xã Cai Lậy với chiều dài 65,58 km.

cai-be-floating-market-tien-giang-province-vietnam.jpg

Về ĐTNĐ, mở rộng, nạo vét, cải tạo, chỉnh trị luồng, nâng cấp các tuyến có lưu lượng phương tiện lớn như kênh 28, kênh Tháp Mười số 2, kênh Xáng Long Định. Hoàn thành nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.

Đối với các tuyến ĐTNĐ do tỉnh quản lý, quy hoạch giữ ổn định danh mục đường thủy do cấp tỉnh quản lý, rà soát điều chỉnh giảm cấp hạng các tuyến sông kênh không có nhu cầu giao thông thủy nhằm giảm độ tĩnh không quy định theo phân cấp sông kênh để giảm kinh phí đầu tư xây dựng công trình liên quan như cầu, cống, đường điện… và công bố danh mục theo Quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Để đạt được mục tiêu phát triển, phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; về đường bộ: Mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Tiền Giang bao gồm các trục đường chính theo hướng Bắc – Nam (đường cao tốc: TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Hồng Ngự – Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng; QL.1, đường bộ ven biển Việt Nam, QL.30, QL.30C, QL.62, QL.50, QL.50B và các trục ngang chính theo hướng Đông – Tây (QL.1, QL.30B, QL.60…) tạo nên hệ thống giao thông khung của tỉnh, đồng thời kết hợp với hệ thống giao thông đường tỉnh, đường huyện, đường xã và thôn xóm tạo sự đi lại thuận lợi cho các địa phương.

Về hàng hải, quy hoạch đến năm 2030, bảo trì 02 luồng hàng hải, chiều dài 86,25 km: Soài Rạp và Cửa Tiểu đảm bảo phương tiện hoạt động lưu thông, an toàn trên tuyến. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh hình thành 02 khu bến cảng, gồm: Khu bến Gò Công trên sông Soài Rạp, có chức năng: phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Tiền Giang và vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, bến cảng hàng rời, hàng lỏng/khí và bến khách. Cỡ tàu trọng tải đến 70.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng hàng hải.

Về Khu bến Mỹ Tho trên sông Tiền, có chức năng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Tiền Giang; có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Bảo đảm cho tàu trọng tải đến 5.000 tấn vào làm hàng.

Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các đột phá chiến lược là ưu tiên đầu tư các trục giao thông chính theo phương ngang và phương dọc (các Đường tỉnh 864, 872, 877C, 879… với quy mô theo quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương) định hướng liên kết vùng; Đồng thời, tỉnh tập trung nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Bạn cũng có thể thích
Dark mode