tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Vì sao kính nhiều toà cao ốc bị bong, bay lả tả như lá cây trong bão số 3 Yagi?

Trong cơn bão số 3 Yagi, nhiều cao ốc, khách sạn 5 sao bị bóc bay kính. Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chỉ ra nguyên nhân.

Đang có tình trạng nhà thầu tự chọn thiết kế kết cấu

Theo ông Lê Văn Thịnh, các hiện tượng trên (vỡ kính, bong khung kính…) cho thấy liên kết khung vào kết cấu bao che hoặc liên kết vào hệ thống chịu lực quá kém.

Ông Thịnh cho rằng, cần đánh giá trên nguyên tắc 5 chữ M trong công tác quản lý chất lượng. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là con người (Man) rồi xét đến các yếu tố tiếp theo là tiền (Money), vật tư vật liệu (Materials), máy móc (Machines) đến phương pháp (Method).

Vì sao kính nhiều toà cao ốc bị bong, bay lả tả như lá cây trong bão số 3 Yagi?- Ảnh 1.

Khách sạn 5 sao A La Carte Hạ Long bị bay nhiều tấm kính sau bão số 3 quét qua. Ảnh:NDCC.

Theo vị này, đánh giá về con người cần phải thấy rõ trách nhiệm của các chủ thể từ chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công xây dựng đến nhà thầu giám sát. “Cửa/vách kính trong xây dựng được gọi là kết cấu bao che, có vai trò rất quan trọng. Khi thực hiện công trình xây dựng, các chủ đầu tư đều muốn đẹp, chất lượng đảm bảo. Nhưng khi nhắc đến câu chuyện chi phí, chữ M thứ hai là (Money) lại phát sinh, muốn cắt giảm chi phí dẫn đến vấn đề về thiết kế.

Ở đây, cần phân ra đơn vị thiết kế kiến trúc, đơn vị thiết kế kết cấu. Đối với việc lắp đặt cửa/vách kính, đơn vị thiết kế kiến trúc có nhiệm vụ chia các ô/mảng kính sao cho đẹp, mang tính thẩm mỹ. Còn đơn vị thiết kế kết cấu chịu trách nhiệm về toàn bộ thiết kế kết cấu của hệ thống cửa/vách. Nhưng hiện nay, hầu hết bản vẽ thiết kế kết cấu người ta lờ đi thiết kế kết cấu của hệ thống cửa/vách này”, ông Thịnh nêu vấn đề.

Cũng theo ông Thịnh, một toà nhà hay một công trình đều có kết cấu chịu lực, kết cấu bao che. Kết cấu bao che rất quan trọng, nhưng nếu quên hoặc tính toán không cẩn thận thì rất nguy hiểm.

Đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán với các áp lực gió thì kính phải dày bao nhiêu, kính mấy lớp, cấu tạo kính như thế nào; đặc biệt, khung vách hay khung cửa phải được liên kết với kết cấu chịu lực, kết cấu bao che xung quanh ra sao… Đây là vấn đề mà đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán, lựa chọn để nhà thầu thi công thực hiện.

Tuy nhiên, trong thiết kế kết cấu đang có tình trạng để nhà thầu thi công tự chọn, dẫn đến việc chất lượng không đảm bảo. Nhà thầu thi công sau khi chế tạo và lắp dựng xong cửa/vách kính, có thể lập bảng vẽ hoàn công và việc này được hợp pháp hóa bằng cách đưa bản vẽ này cho nhà thầu thiết kế ký.

Cần xem xét trách nhiệm đơn vị giám sát, nghiệm thu công trình

Qua trường hợp một số tòa nhà có mảng kính bị đổ ập xuống, ông Thịnh cho biết, trong ngành gọi đây là mặt dựng công trình. Theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) mặt dựng này về nguyên lý đều phải được thí nghiệm tỷ lệ 1:1 trong phòng thí nghiệm. Nhưng trong quy chuẩn lại không có điều khoản bắt buộc phải làm thí nghiệm. Đây là kẽ hở pháp luật xây dựng. Bởi việc làm thí nghiệm mặt dựng trước khi đưa vào đại trà, xây dựng công trình là cần thiết.

Cũng theo ông Thịnh, sau khi công trình được nghiệm thu, bàn giao, các đơn vị phải bàn giao cho chủ đầu tư quy trình vận hành/sử dụng để hướng dẫn chủ hộ (cư dân) biết sử dụng cửa/vách kính trong trường hợp bình thường cũng như khi gió bão. Như việc nên mở hay đóng cửa, cửa sổ khi có bão người dân cũng chưa được hướng dẫn.

Theo ông Thịnh, ở đây cũng cần xem xét đến trách nhiệm của đơn vị giám sát, nghiệm thu công trình khi để xảy ra những hiện tượng trên. “Tất cả quy định, quy trình đều đã có, chỉ là con người thực thi như thế nào. Nếu làm đúng các quy trình trên thì chất lượng công trình được đảm bảo”, ông Thịnh nói.

  • Bão số 3 Yagi đổ bộ, nhiều cao ốc kính bay lả tả như lá cây

    Bão số 3 Yagi đổ bộ, nhiều cao ốc kính bay lả tả như lá câyĐỌC NGAY

Không nên mở cửa kính khi bão lớn

Trên mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến cho rằng, nên mở hé cửa/cửa sổ hoặc một ô cửa nào đó của nhà để có lối thông gió, giảm áp suất không khí trong nhà. Ông Lê Văn Thịnh khẳng định, khi có gió bão lớn, các căn hộ chung cư không được mở cửa, cửa sổ hay cửa ban công. Tải trọng gió sẽ truyền theo đúng với sơ đồ tính toán của kết cấu bao che. Nếu mở cửa sẽ có hiện tượng gió thổi vào và cuốn đồ đạc ra ngoài. 

Riêng đối với cửa kính khu vực sảnh các chung cư, toà nhà… thì cần được mở và cố định cánh cửa theo hướng vuông góc. Chuyên gia lý giải, do cửa ở các sảnh thường có diện tích lớn thuộc mặt dựng, thường không có các cột để đỡ. Nếu đóng vào thì dưới áp lực của gió kính sẽ bị vỡ.

ThS. KTS Cao Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & đầu tư ACA cho rằng, khi đóng kín vẫn có độ hở giữa cánh, khung giữa cửa và sàn. Gió mạnh của các cơn bão, bất kỳ thứ gì từ một viên đá nhỏ đến cửa kính, mái tôn, viên ngói… đều có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm. Do đó, đóng chặt các cửa, cửa sổ có thể giúp ngăn các mảnh vỡ bay vào nhà.

Trước đó Báo Giao thông đã đưa tin, bão số 3 Yagi quét qua các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội. Trong cơn quần thảo của bão, nhiều tòa nhà chung cư đã bị cuốn bay lớp kính bên ngoài tòa nhà, rơi lả tả. Đáng chú ý là tòa khách sạn 5 sao A La Carte Hạ Long (Lô h30-h33 Peninsula/2, Hùng Thắng, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) của Taseco (CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco). Khách sạn cao cấp này mới được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2023. Trong cơn bão số 3, kính bao quanh tòa nhà 41 tầng này bị bóc từng tấm, bay lả tả trên không trung như lá cây.

Nguyễn Hùng -
Bạn cũng có thể thích