Tư vấn - xây dựng và lắp đặt nhà nuôi chim yến

Y tế thôn bản ‘cánh tay nối dài’ của ngành y tế với người dân

SKĐS – Đội ngũ nhân viên y tế thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế tại cơ sở; đóng góp lớn trong việc trực tiếp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại các xã miền núi của tỉnh Nghệ An. Tuy khó khăn vất vả nhưng họ luôn nhiệt huyết, yêu nghề, băng rừng vượt suối đem sức khoẻ đến với người dân.

Nhọc nhằn y tế thôn bản miền núi Nghệ An - Ảnh 1.

Trạm y tế xã Nậm Càn, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Băng rừng vận động người dân khám bệnh

Có mặt tại Trạm Y tế xã Nậm Càn, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) vào những ngày đầu tháng 10, trao đổi với bác sĩ Trần Thị Giang chúng tôi phần nào hiểu được những gian nan, vất vả của những nhân viên y tế thôn bản vùng cao.

Theo lời bác sĩ Giang, mỗi lần đi vào bản là một lần khó. Chị cho hay, người Mông họ thường sống nơi núi cao. Chính vì thế mỗi lần đi tuyên truyền chị em trong trạm phải đi mất nửa ngày.

Thế nhưng, theo chị Giang quãng đường đi đôi khi không thấm vào đâu so với việc bị bà con “bỏ bom”. “Không ít lần đã hẹn đến nói chuyện nhưng khi tới nơi, cửa đóng then cài, gọi điện thoại “tìm người” thì bà con nói đang ở trên rẫy xa lắm về không được… Hay mỗi lần mời bà con ra trạm, cũng chỉ “xúi” vợ đi còn người chồng chẳng thấy đâu”, BS Giang nói.

Nhọc nhằn y tế thôn bản miền núi Nghệ An - Ảnh 2.

Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao gặp nhiều khó khăn.

Mỗi khi lỡ hẹn, tôi thường phải đi lại nhiều lần và ngồi “tỉ tê” nửa ngày người dân mới đồng ý đưa con đi uống vitamin A tại Trạm Y tế, đi khám thai sản và sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại…

Chỉ tay về phía ngôi nhà sàn phía xa, BS Giang kể, có gia đình bên xã Liên Sơn người vợ sinh năm 1980 và đang làm mẹ của 9 đứa con, đứa bé nhất mới lên 3. Để nâng cao nhận thức cho người đân về chăm sóc sức khỏe sinh sản… nhiều lần nhân viên y tế đã mời người phụ nữ lên trạm xá để gặp gỡ, tâm sự, nhưng vẫn bị “bùng” vào phút cuối.

Theo BS Giang, bên cạnh việc di chuyển, đi lại không thuận tiện thì nhận thức hạn chế và gánh nặng mưu sinh của người dân nơi đây chính là rào cản lớn nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản ở xã vùng cao Nậm Càn.

Khó khăn là thế, nhưng nhận thức của bà con dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe mới là trở ngại lớn nhất đối với nhân viên y tế thôn bản.

Bác sĩ La Văn Thong – Trạm trưởng trạm y tế xã Nậm Càn cho biết, là người địa phương nên anh hiểu rõ văn hóa, phong tục, tập quán của bà con mình. Dù vậy, phải mất nhiều năm kiên trì tuyên truyền, nhận thức của bà con mới được thay đổi.

“Tục mời thầy cúng dần được xóa bỏ; thay vào đó, có vấn đề gì về sức khỏe bà con đã biết tìm đến trạm y tế xã khám bệnh và nếu bệnh tình vượt quá khả năng chuyên môn của trạm thì bệnh nhân sẽ được chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời”, bác sĩ La Văn Thong bộc bạch.

Nhọc nhằn y tế thôn bản miền núi Nghệ An - Ảnh 3.

Bác sĩ Lô Văn Toàn – Trạm trưởng trạm y tế xã Nga My, huyện Tương Dương thăm khám cho bệnh nhân.

Không chỉ riêng ở Nậm Càn, những nhân viên y tế thôn bản ở xã miền núi Nga My, huyện Tương Dương cũng đang gặp những khó khăn tương tự.

Chị Vi Thị Khế – nhân viên y tế kiêm cán bộ phụ trách công tác dân số, Trạm Y tế xã Nga My, tâm sự: “So với các anh chị trước đây, công việc của chị em sau này đã đỡ vất vả hơn nhờ giao thông đi lại thuận tiện, không còn chia cắt và nhất là nhận thức của bà con đã có nhiều thay đổi”.

Do địa hình phức tạp, người dân miền núi, vùng cao ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế nên nhân viên y tế thôn bản ở đây thường phải thực hiện rất nhiều phần việc. Ngoài những công việc phát sinh, các ngày giao ban, họp, tập huấn ở trạm, ở trung tâm, họ phải hướng dẫn người dân trong bản từ việc phòng dịch; tư vấn dinh dưỡng cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ; theo dõi sức khỏe; ăn uống vệ sinh; rà soát danh sách trẻ em đến kỳ tiêm chủng. Thậm chí, nhân viên y tế thôn bản còn phải gọi điện nhắc hoặc đến tận nhà đưa trẻ em ra trạm y tế xã tiêm phòng các loại vaccine đúng lịch.

Lực lượng y tế cơ sở ở vùng cao luôn miệt mài bám bản, chẳng tính thiệt hơn. Phần việc họ đang làm lại phải yêu cầu có trách nhiệm cao với người dân, trong khi phụ cấp 0,5 mức lương tối thiểu (900 nghìn đồng/tháng) nhiều khi không đủ chi phí tiền xăng xe, điện thoại…

Với thâm niên hơn 6 năm công tác trong ngành y tế địa phương, chị Lô Thị Nhàn – nhân viên y tế bản Na Ca, xã Nga My hiểu rất rõ bà con nơi đây. Theo chị Nhàn, ngoài kỹ năng chuyên môn được học, tập huấn, nhân viên y tế thôn bản còn hiểu về văn hóa, phong tục tập quán và ngôn ngữ nên việc vận động, tuyên truyền, khám, chữa bệnh cho người dân luôn đạt hiệu quả tại tuyến đầu cơ sở.

“Công việc nhiều nhưng mức trợ cấp cho họ lại rất thấp. Nhân viên y tế thôn bản ở vùng cao  gắn bó với công việc chủ yếu là vì tinh thần trách nhiệm với cộng đồng”- chị Nhàn tâm sự.

Cánh tay nối dài

Theo Sở Y tế tỉnh Nghệ An, hiện trên 90% số trạm y tế xã tại Nghệ An có bác sĩ công tác, 98% thôn, bản có nhân viên y tế. 59% số trạm y tế xã thực hiện được 60 – 80% danh mục kỹ thuật thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản.

Phần lớn cán bộ y tế được tuyển chọn ngay tại địa phương nên thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Nhọc nhằn y tế thôn bản miền núi Nghệ An - Ảnh 4.

Chị Lô Thị Nhàn – nhân viên y tế bản Na Ca, xã Nga My, huyện Kỳ Sơn (bên phải) phát tờ rơi, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Đội ngũ nhân viên y tế thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế tại cơ sở; đóng góp lớn trong việc trực tiếp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại các xã miền núi của tỉnh Nghệ An. Tuy khó khăn vất vả nhưng họ luôn nhiệt huyết, yêu nghề, băng rừng vượt suối đem sức khỏe đến với người dân.

Bác sĩ Trần Văn Công – Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tương Dương cho hay, cán bộ y tế thôn, bản được đào tạo từ 3 – 6 tháng (tương đương sơ cấp y tá), trang bị kiến thức chuyên môn như: tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách phòng tránh bệnh dịch, chăm sóc sản phụ tại gia đình, vận động người dân trồng thuốc nam, giữ gìn vệ sinh trong ăn uống… Các trạm y tế xã hay trung tâm y tế huyện muốn thực hiện tốt kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người dân phải có hệ thống cán bộ y tế thôn bản tận tình với công việc.

“Dù mức hỗ trợ hàng tháng chỉ hơn 900.000 đồng/người nhưng cán bộ y tế thôn vẫn rất nhiệt tình truyền tải tới người dân những thông tin về y tế. Trước mỗi đợt tuyên truyền phòng chống dịch bệnh hay khám chữa bệnh tại cộng đồng, các cán bộ y tế thôn sẽ tới từng nhà vận động người dân sắp xếp thời gian, công việc để tới địa điểm thăm khám. Từ những buổi khám bệnh này, nhiều trường hợp người dân mắc bệnh được phát hiện và chuyển lên tuyến trên chữa trị kịp thời…”, bác sĩ Công cho biết.

Nhọc nhằn y tế thôn bản miền núi Nghệ An - Ảnh 5.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhận thức của bà con dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe mới là trở ngại lớn nhất đối với nhân viên y tế thôn bản.

“Để đội ngũ y tế thôn bản làm tốt nhiệm vụ của mình, bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn, Trung tâm cũng chỉ đạo các đơn vị tạo mọi điều kiện cho lực lượng y tế thôn bản vùng cao hoạt động. Đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương khuyến khích nhân viên y tế thôn bản kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ để nâng cao thu nhập trước mắt.

Về lâu dài, chúng tôi mong các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tham mưu và đề nghị Trung ương có những chính sách ưu đãi phù hợp đối với đội ngũ y tế thôn bản vùng cao. Từ đó giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài, cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng…”, bác sĩ Trần Văn Công – Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tương Dương cho biết thêm.

Hoàng Trinh
Bạn cũng có thể thích