Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ, sáng ngày 9/7/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng”.

tăng trưởng kinh tế
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng”

Việt Nam – điểm sáng của cải cách và hội nhập kinh tế

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy những diễn biến thuận lợi và các vấn đề khó khăn, thách thức, song các khó khăn, thách thức là chủ yếu. 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Cách tiếp cận toàn diện này đã cho thấy những kết quả phát triển kinh tế – xã hội khá ấn tượng từ đầu năm đến nay. Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt tới 6,42%. Lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng ở cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tổng vốn đăng ký, và vốn thực hiện.

Quan trọng hơn, Việt Nam đang được coi là điểm sáng của cải cách và hội nhập kinh tế. Các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển vùng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động song hành với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang trở thành những ưu tiên chính sách quan trọng. Bên cạnh 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực hiện hoặc đã hoàn tất ký kết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo thúc đẩy FTA với một số đối tác mới.

Chúng tôi cũng đã và đang tích cực nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện khung chính sách, pháp lý để tận dụng cơ hội từ các mô hình kinh tế mới như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo….“, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ.

Viện CIEM
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam đang được coi là điểm sáng của cải cách và hội nhập kinh tế.

Trình bày Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và tạo dựng nền tảng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các bộ, ngành, cơ quan thường xuyên theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để đánh giá, phân tích, dự báo và kiến nghị các giải pháp điều hành phù hợp.

Trong đó, tư duy điều hành đã nhấn mạnh hơn yêu cầu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, giữ tỷ giá và lãi suất. Ưu tiên cho tăng trưởng tiếp tục dựa trên các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu. Lãnh đạo Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, trong đó có việc phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế ban đêm,…“, ông Nguyễn Anh Dương nhận định.

Anh Dương
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng”

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm. Năng suất lao động cũng đạt được một số kết quả tích cực, theo giá hiện hành, GDP bình quân lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm (theo giá hiện hành) ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 27,7% GDP, tăng 6,8% (nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, mức tăng đạt 2,6%). Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 chủ yếu là nhờ đóng góp của vốn đầu tư ở khu vực tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài.

Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm là một điểm sáng, với tăng trưởng dương về cả số dự án và vốn đăng ký mới, tổng vốn đăng ký (bao gồm vốn tăng thêm, vốn góp, mua cổ phần), và vốn thực hiện.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng là một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7%. Trong đó, xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%, còn nhập khẩu đạt 178,5 tỷ USD, tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư khoảng 11,63 tỷ USD.

kinh tế

Cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế

Cập nhật triển vọng kinh tế những tháng cuối năm, Báo cáo của CIEM đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.

Trong Kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.

Trong Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.

Nhóm nghiên cứu cũng tập trung phân tích thực trạng phát triển tài chính xanh và phát triển kinh tế ban đêm ở một số đô thị lớn ở Việt Nam. Trên cơ sở các phân tích, Báo cáo chỉ ra một số vấn đề cần xử lý, và đưa ra một số kiến nghị chính sách đối với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. 

Trong đó nhấn mạnh để cải thiện chất lượng tăng trưởng, cần chú trọng công tác hướng dẫn thực thi các Luật; cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng lớn (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh); tăng năng suất lao động ở khu vực công trở thành động lực kích thích năng suất lao động ở các khu vực kinh tế khác; hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo)….

Điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp theo hướng theo dõi sát diễn biến lạm phát, tác động có thể xảy ra của tăng lương và tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các cú sốc trong tương lai. Nâng cao hiệu quả thực hiện các FTA, tập trung hơn vào tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì yêu cầu tuân thủ…

kịch bản tăng trưởng

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã trao đổi, phân tích, kiến nghị về các nội dung, ưu tiên chính sách nhằm duy trì đà phục hồi tăng trưởng gắn với cải thiện chất lượng tăng trưởng, trên cơ sở củng cố nền tảng kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA nói riêng.

Bình luận thêm về Báo cáo cũng như tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, PGS.TS. Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, làm rõ hơn, nhấn mạnh hơn những khó khăn, thách thức của bối cảnh thế giới và trong nước 6 tháng đầu năm để thấy những kết quả đạt được về tăng trưởng kinh tế thời gian qua của Việt Nam là một nỗ lực rất lớn.

Lê Xuân Bá
PGS.TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Xung quanh vấn đề phát triển kinh tế ban đêm, PGS.TS. Lê Xuân Bá khuyến nghị cần chỉ ra những nguyên nhân cụ thể của hạn chế hiện nay, từ đó mới có những định hướng, giải pháp thích hợp, hiệu quả.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chất lượng tăng trưởng kinh tế là một nội dung quan trọng của phát triển kinh tế hiện nay, không chỉ bao gồm các vấn đề năng suất lao động, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… mà còn phải đo lường, đánh giá được mức độ thực hiện, kết quả đạt được, điểm hạn chế theo từng giai đoạn… của các vấn đề, lĩnh vực đó.

Bùi Quang Tuấn
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tương tự, các vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính…, cần phải được điều tra, “mổ xẻ” ở những góc độ tầm nhìn dài hạn, thực thi chính sách, áp dụng của doanh nghiệp, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương…

Đây chính là cơ sở để chúng ta chỉ ra được những hạn chế, nguyên nhân và đề ra được những giải pháp cải thiện chất lượng tăng trưởng“, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.