Mượn linh kiện, phụ tùng ô tô đi đăng kiểm bị phạt thế nào?
Mượn linh kiện, phụ tùng thay thế các chi tiết ‘độ’ để đi đăng kiểm ô tô là một trong những hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Đường dây nóng Báo Giao thông nhận được câu hỏi của bạn đọc về việc mượn linh kiện, phụ tùng ô tô đi đăng kiểm có bị phạt nặng không?
Về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, Nghị định 100/2019 quy định hành vi thuê, mượn linh kiện, phụ kiện của xe ô tô khi kiểm định sẽ bị phạt vi phạm hành chính từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe vi phạm.
Song việc xác định hành vi thuê phụ tùng tạm thời để đi đăng kiểm tại các trung tâm đăng kiểm rất khó thực hiện và thực tế, các trung tâm đăng kiểm không có thẩm quyền xử phạt hành vi này. Thẩm quyền xử lý thuộc thanh tra giao thông.
Được biết, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đang được Quốc hội thảo luận, dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 7 tới, đã đề xuất đưa hành vi thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm vào hành vi bị nghiêm cấm, nhằm phù hợp với tình hình thực tế và góp phần ngăn chặn tình trạng trên.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, việc luật hóa quy định trên sẽ là cơ sở có thêm chế tài xử phạt không chỉ với chủ phương tiện mà ngay cả với gara ô tô cung cấp dịch vụ trên.
“Có như vậy mới đảm bảo các phương tiện đạt điều kiện an toàn khi tham gia giao thông”, luật sư Bình nói.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc luật hóa quy định nghiêm cấm hành vi này là cần thiết giúp nâng cao nhận thức của người dân, các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô.
Hiện nay, nhiều gara mọc lên nhưng không được quản lý chặt chẽ, nhất là về loại hình kinh doanh dịch vụ, nguồn gốc, chất lượng phụ tùng, sản phẩm.
Các gara vì lợi nhuận, bất chấp quy định pháp luật, sử dụng linh kiện, phụ tùng kém chất lượng, không được chứng nhận, kiểm định chất lượng để lắp đặt cho các phương tiện có nhu cầu, dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn giao thông khi các phương tiện sau lắp đặt linh kiện không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Thậm chí, trong bối cảnh hiện nay, khi các trung tâm đăng kiểm kiểm định xe chặt chẽ hơn, tình trạng xe “độ” trượt đăng kiểm ngày càng nhiều, hàng loạt các gara ô tô lại công khai quảng cáo cho thuê phụ kiện ô tô, như: đèn pha, đèn hậu, mâm, lốp, cản, vô lăng; để đưa xe về “zin” phục vụ việc đăng kiểm.
Việc quy định hành vi cấm trong luật sẽ là tiền đề để nghiên cứu thêm các chế tài kiểm soát từ “ngọn” – tức kiểm soát các gara ô tô, nâng cao chất lượng linh kiện, phụ tùng, nâng cao trách nhiệm của các gara ô tô trong việc không tạo điều kiện cho các chủ xe thuê, mượn linh kiện đi đăng kiểm.
Khi không có “cung”, tự khắc người dân sẽ có ý thức trong việc hạn chế “độ, chế” xe không đúng quy định, giúp nâng cao chất lượng phương tiện.