Hết quý I/2024, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 1,43 tỷ USD
Tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I năm 2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường trọng điểm
Báo cáo tại Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/4/2024, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.
Về thị trường, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt 132,6 nghìn tấn.
Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại các thị trường truyền thống, cụ thể: tại Philippines – thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 38,7% tổng lượng xuất khẩu, tương đương xuất khẩu đạt 3,14 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2022; tại Indonesia – thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 14,5% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước, tương đương 1,18 triệu tấn, tăng gần 10 lần về lượng so với năm 2022; tại Trung Quốc – thị trường xuất khẩu gạo đứng thứ 3, chiếm trên 11,3% trong tổng lượng xuất khẩu, tương đương 918,3 nghìn tấn, tăng 10,1% so với năm 2022.
Chủng loại gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng gia tăng giá trị cho hạt gạo. Chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt gần 40% tổng lượng xuất khẩu; tiếp đến là chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 34,2% tổng lượng xuất khẩu; chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8% tổng lượng xuất khẩu.
Tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I năm 2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 641,7 USD/tấn, tăng 13,2% về lượng, tăng 44% về kim ngạch và tăng 27,3% về giá so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 445.326 tấn, tương đương 285,06 triệu USD, giá 640 USD/tấn, chiếm trên 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với quý I năm 2023, đạt 98.917 tấn, tương đương 61,55 triệu USD, giá trung bình 622,3 USD/tấn, chiếm trên 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Một số chủng loại gạo xuất khẩu trong quý I/2024 vẫn được ưa chuộng trên thị trường: gạo thơm các loại (ST24, ST 25, ĐT8, Hàm Châu, Nàng Hoa v.v.), gạo jasmine, gạo japonica, gạo trắng 5% v.v.
Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA
Công tác điều hành xuất khẩu gạo đã góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu; đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.
Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như: gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica.
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như: EVFTA, CPTPP), cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, hay châu Phi, cũng đã mở rộng sang các thị trường “khó tính” như châu Âu, … với giá trị cao tuy khối lượng chưa lớn. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy sự tận dụng tốt ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, thương nhân cũng tận dụng tốt cơ hội trong những thách thức từ thị trường thương mại lương thực toàn cầu (như: sản lượng sản xuất lương thực giảm tại nhiều quốc gia và khu vực (Trung Quốc, Indonesia,…) do biến đổi khí hậu, tác động của hiện tượng El Nino; một số quốc gia điều chỉnh chính sách xuất khẩu lương thực (Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng, Nga và UAE cấm xuất khẩu gạo) để trở thành nguồn cung thay thế ở nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, Canada, Chile.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, cụ thể, chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia.
Công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng. Năm 2023, Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới tổ chức được 02 Chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Hồng Kông, Trung Quốc (ít hơn rất nhiều so với tần suất các ngành hàng khác). Do vậy, tần suất và quy mô chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương, hiệu quả kỳ vọng từ các thương nhân, trong khi đây là công tác quan trọng, cần tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai đều đặn, đáp ứng tốt tín hiệu thị trường để kịp thời hỗ trợ thương nhân thâm nhập, mở rộng thị phần tại các khu vực tiềm năng.
Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Sự vận dụng những “cải cách” tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo về xuất khẩu gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này còn rất hạn chế. Từ khi ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP đến nay, xuất khẩu chủng loại gạo này vẫn đang do các thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong khi giá chào gạo xuất khẩu chưa tăng nhiều. Bên cạnh đó, gạo xuất khẩu Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh khác như Thái Lan, Myanmar, Pakistan. Giá cước vận tải quốc tế vẫn ở mức cao do hoạt động vận tải hàng hóa chịu tác động từ các diễn biến địa chính trị khu vực châu Âu và Trung Đông.
Nhiều giải pháp xúc tiến thương mại gạo
Vì vậy, để công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân; năm 2023, 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 02/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.
Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước và Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 25/3/2024 về đẩy mạnh hoạt động triển khai thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới, đồng thời, Bộ Công Thương đã triển khai các nội dung như sau:
Công tác điều hành xuất khẩu gạo
Về cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện trách nhiệm đã quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương có thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân tổ chức các buổi họp, hội nghị để cùng thống nhất triển khai quyết liệt nhóm giải pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước và tạo thuận lợi, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo từng giai đoạn trong năm.
Về cân đối cung cầu, bình ổn giá thóc gạo nội địa
Với vai trò là Thường trực Tổ Điều hành thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, kịp thời phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng để có các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường các mặt hàng, trong đó có mặt hàng gạo… Thông qua các cuộc họp thường kỳ, Bộ Công Thương đã báo cáo, kiến nghị lên Chính phủ những giải pháp nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và giải pháp điều hành thị trường thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong những thời điểm thị trường bị tác động bởi những yếu tố như dịch bệnh, cung – cầu…
Để phối hợp trong công tác điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu (trong đó có mặt hàng gạo), bảo đảm an sinh xã hội, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã thường xuyên triển khai các biện pháp như:
Thứ nhất, phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu.
Thứ hai, chỉ đạo và đôn đốc các địa phương triển khai Chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, tập trung vào những giai đoạn thị trường thường có biến động lớn như các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Thông qua các chính sách ưu đãi về tiếp cận vốn vay, nguồn hàng các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường đã dự trữ hàng hóa thiết yếu bảo đảm nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm với giá ổn định, hợp lý góp phần ổn định thị trường, bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác bảo đảm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu để tạo tâm lý yên tâm cho người dân, tránh hiện tượng đầu cơ, tích trữ gây bất ổn thị trường.
Công tác phát triển thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại
Tổ chức triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.
Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ theo dõi sát thông tin thị trường liên quan đến sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu nhóm hàng lương thực thực phẩm nói chung và gạo nói riêng, từ đó từng bước thiết lập kênh hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường đối với các địa phương và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Ngày 29/02/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024”.
Tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu (Philippines, Malaysia) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, mở rộng đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo với các thị trường mới.
Theo đó, ngày 01/11/2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ về Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ. Trong đó Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp 30.000 tấn gạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mông Cổ trong thời gian tới.
Ngày 30/01/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Theo đó, trong giai đoạn 2024-2028, trừ trường hợp thiên tai, mất mùa, Việt Nam sẵn sàng cung cấp cho Philippines số lượng hàng năm lên tới 1,5 – 2,0 triệu tấn gạo trắng, đồng thời thống nhất triển khai một số biện pháp trao đổi thông tin, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại gạo hai nước.
Chỉ đạo, hỗ trợ các thương nhân đầu mối xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) hoàn thiện hồ sơ đăng ký dữ liệu cơ sở chế biến xuất khẩu, tránh gián đoạn hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc.
Tổ chức các Hội thảo tại địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất thóc, gạo hàng hóa lớn như: Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang để tuyên truyền, phổ biến về các Hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia nhằm nâng cao năng lực của thương nhân trong tận dụng lợi thế và hạn chế rủi ro.
Chủ trì, phối hợp với VFA tổ chức các Đoàn giao dịch thương mại gạo trong năm 2023 tại thị trường Hồng Kông, Trung Quốc (thành phố Bắc Kinh và thành phố Quảng Châu) nhằm duy trì, củng cố và mở rộng thị phần sản phẩm gạo, quảng bá hình ảnh sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam đến người tiêu dùng.
Hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.
Phối hợp với VFA tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về những quy định của các cơ chế hợp tác đa phương và song phương mà nước ta đã ký kết để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam.
Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị…