Tập trung khai thác Khu kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy giao thương vùng Tây Nguyên
Ngày 26/4/2024, tại Đắk Lắk, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên.
Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, là “nóc nhà của Đông Dương” thuộc khu vực Tam giác phát triển Lào – Việt Nam – Campuchia. Tây Nguyên được đánh giá có khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm, với trên 1 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, hơn 1/3 diện tích rừng cả nước, và khoảng 90% trữ lượng bôxit cả nước.
Tây Nguyên cũng là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản. Hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đang được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng, và giữa Vùng với cả nước.
Hiện nay, Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được xếp top nhất nhì khu vực cũng như thế giới thì Tây Nguyên đã góp mặt nhiều sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, chanh dây, điều và mắc ca, cao su… Diện tích trồng các loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… ở Tây Nguyên cũng đang phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung.
Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của vùng Tây Nguyên còn rất khiêm tốn so với cả nước. Trong 02 năm 2022 và 2023, trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng mới đạt khoảng 4,6 tỷ USD, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt gần 3,8 tỷ USD năm 2022 và trên 3,7 tỷ USD năm 2023, khoảng hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng chủ yếu tập trung vào một số nhóm hàng cây ăn quả, một số loại cây công nghiệp, cà phê, gia vị, cây dược liệu, khai thác tài nguyên.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, Tây Nguyên dù hội đủ những điều kiện để phát triển nhưng hiện tại lại gặp nhiều “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, quy mô sản xuất, chế biến nông sản của vùng còn nhỏ lẻ, manh mún, các trung tâm chế biến sâu còn thiếu và yếu dẫn đến sản phẩm xuất khẩu hoặc nguyên liệu phục vụ xuất khẩu còn thô, có giá trị gia tăng thấp. Các sản phẩm nông sản chủ lực chất lượng không đồng đều, do đó còn gặp phải nhiều hàng rào thương mại kỹ thuật trong xuất khẩu.
Mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị xuất khẩu hàng nông sản chưa được xác lập bền vững trên cơ sở gắn kết, cân bằng các lợi ích. Thực trạng phát triển của sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực trong những năm qua tại khu vực Tây Nguyên cho thấy sự phụ thuộc lớn vào điều kiện tự nhiên.
Một số sản phẩm như cà phê, cao su, tiêu, điều, khoai lang… tuy đang đứng đầu hoặc trong nhóm hàng đứng đầu thế giới nhưng vẫn bị phụ thuộc vào sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới hoặc phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như: mặt hàng cao su phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, mặt hàng cà phê phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Mỗi khi những thị trường này có biến động, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng lớn và tiêu cực đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng của Tây Nguyên.
Lĩnh vực công nghiệp Vùng Tây nguyên còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức khi thiếu nhân lực chất lượng cao, hạ tầng logictics, cơ sở vật chất còn yếu. Đặc biệt, liên kết nội vùng đang thể hiện nhiều điểm yếu, lỏng lẻo, thiếu đầu tư đồng bộ, dẫn tới thiếu các chuỗi cung ứng nội vùng. Những hạn chế này đã tạo nên nhiều rào cản cho các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của vùng ra thế giới.
Khai thác có trọng tâm các Khu kinh tế cửa khẩu vùng Tây Nguyên
Ngày 15 tháng 11 năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP (Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị) về việc phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, vùng cần phấn đấu phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững thông qua việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực;
Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
Ông Vũ Bá Phú cho rằng, để đạt được các mục tiêu nêu trên trong dài hạn và với bối cảnh mới trong nước và quốc tế đặt ra các thách thức mới đối với sự phát triển của vùng, đòi hỏi phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế phát triển mới.
Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Tây Nguyên, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Đặc biệt là đầu tư, khai thác có trọng tâm trọng điểm các Khu kinh tế cửa khẩu thì mới thúc đẩy được giao thương hàng hoá của khu vực Tây Nguyên ngày một mạnh lên.
Để làm được những điều này, Tây Nguyên cần được khơi thông, phát huy các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.
Tại Hội nghị này, với nội dung trọng tâm thúc đẩy xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu cho vùng, ông Vũ Bá Phú bày tỏ mong muốn đại diện các địa phương trong vùng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan cùng tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng cũng như bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia.
Đặc biệt, phát huy các sáng kiến đóng góp khả thi, có thể ứng dụng nhanh và hiệu quả cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ của vùng tìm được hướng đi thị trường phù hợp trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bấp bênh, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực, nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam phải đương đầu với lạm phát, lãi suất cao khiến suy giảm tổng cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại với Việt Nam…
Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài vùng Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với một số Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổ chức kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp sản xuất, thương mại rau, củ, quả, cà phê, thực phẩm chế biến… trong và ngoài vùng Tây Nguyên với gần 30 nhà nhập khẩu từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc)…