Ninh Bình: Các khu, cụm công nghiệp ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được phê duyệt đã nêu rõ phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 218/QĐ-TTg Ngày 4/03/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định đã nêu rõ phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.
Quan điểm phát triển công nghiệp tại Quyết định số 218/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển “xanh”, lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại và các ngành công nghiệp công nghệ cao làm động lực, Công nghiệp – xây dựng là ngành quan trọng trong phương hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, Quyết định đã nêu rõ phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp như sau:
Hình thành hệ thống các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự phát triển bền vững gắn với phát triển đô thị – dịch vụ; tạo mối liên kết phát triển giữa công nghiệp của tỉnh với vùng Bắc Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Theo định hướng quy hoạch, toàn tỉnh có 11 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.813 ha.
Hình thành hệ thống các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có quy mô hợp lý, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng và từng địa phương trên địa bàn Tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Theo định hướng quy hoạch, toàn tỉnh Ninh Bình có 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.254 ha.
Các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới…
Về phương hướng phát triển ngành công nghiệp, tỉnh Ninh Bình chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu. Có cơ chế, chính sách vượt trội thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; các ngành công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống gắn với bảo vệ môi trường; phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có sử dụng hợp lý lao động.
Hình thành cụm liên kết trong sản xuất một số ngành công nghiệp ưu tiên, tạo nền tảng và cơ sở kết nối chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát huy lợi thế cạnh tranh và thế mạnh của địa phương.