Hiệu quả thiết thực từ “Phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm” công nghiệp nông thôn
Nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, khai thác tiềm năng, tổ chức sản xuất và phát triển các sản các cơ sở (CNNT) đã đầu tư Phòng trưng bày để có thêm địa điểm giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Qua đó, cơ sở có cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, tạo thêm việc làm cho lao động, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Ghi nhận hiệu quả tại 03 địa phương sau 1 năm các cơ sở CNNT được chương trình khuyến công quốc gia cũng như là khuyến công địa phương hỗ trợ kinh phí xây dựng “Phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm”
Tại tỉnh Bắc Kạn
Với lợi thế về sản phẩm từ củ nghệ tại địa phương, các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị trong chế biến các sản phẩm từ củ nghệ. Sản phẩm từ nghệ như: Tinh bột nghệ, curcumin nghệ, nghệ sấy của các cơ sở được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, do vậy, sản xuất theo chuỗi giá trị từ nghệ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Kạn thực hiện hỗ trợ “Phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các cơ sở CNNT” tại Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn và Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành.
Đến nay, sau gần 1 năm phòng trưng bày của Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn đi vào hoạt động không chỉ trở thành điểm đến thăm quan, tìm hiểu hàng hóa, trải nghiệm trực tiếp quy trình sản xuất, mà còn tạo ra sự cam kết về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng thông qua việc trưng bày sản phẩm trực tiếp. Từ đó giúp khách hàng có sự lựa chọn và hiểu rõ về nguồn gốc, xuất xứ, tính ưu việt đối với sản phẩm và cũng giúp đơn vị có thể chia sẻ và nhận được phản hồi trực tiếp, nhanh nhất những đánh giá từ phía khách hàng để có sự điều chỉnh phù hợp đảm bảo tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng.
Giám đốc, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành chia sẻ, phòng trưng bày của Hợp tác xã được đầu tư các dụng cụ quản lý hiệu quả, các trang thiết bị trưng bày phù hợp tạo nên một không gian trang trọng, sự tiện ích để phục vụ khách hàng tại Phòng trưng bày. Qua đó, Hợp tác xã có cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, tạo thêm việc làm cho lao động, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch sinh thái trải nghiệm gắn với chuỗi giá trị sản phẩm của các cơ sở tại địa phương.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cho 03 cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực gồm: Công ty TNHH thực phẩm Long Phước, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa Vũng Tàu, Công ty TNHH sản xuất thương mại Khang Việt Tiến. Với mức hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 là 50 triệu đồng /phòng trưng bày.
Các cơ sở CNNT được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư trang thiết bị phòng trưng bày, như: Tủ mát trưng bày sản phẩm, bàn ghế giới thiệu sản phẩm, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, Logo của chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Tại tỉnh Bến Tre
Cùng với nỗ lực khuyến khích phát triển kinh tế địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tỉnh phát triển. Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiên thương mại Bến Tre đã triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ các phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn” cho 03 cơ sở công nghiệp nông thôn tỉnh, với tổng kinh phí là 100 triệu đồng, bao gồm Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quốc tế Beco; Hộ kinh doanh Trần Minh Tâm Manufacturing Business Facility; Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Nông sản Thương mại Thiên Tân Phát.
Bà Châu Thị Thùy Hương, Giám đốc Công ty TNHH Sản Xuất Thương mại Quốc tế Beco chia sẻ: “Nhận được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công tỉnh năm 2023 đã mang lại cho chúng tôi không chỉ là một không gian trưng bày chuyên nghiệp mà còn tạo cơ hội để công ty giới thiệu sản phẩm một cách toàn diện. Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm và hỗ trợ to lớn từ chính quyền địa phương.”
Với ghi nhận từ 03 địa phương trên, có thể khẳng định, tuy nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ không nhiều nhưng việc đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm giúp các cơ sở có thêm một kênh quảng bá, lan tỏa thương hiệu các sản phẩm CNNT tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu mong muốn có 01 địa điểm cố định để giới thiệu và bán sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Đồng thời, tạo cơ hội cho các cơ sở có cơ hội mở rộng thị trường nội địa, tạo được kênh phân phối tin cậy phục vụ người dân trong tỉnh, hướng tới việc gắn kết với du lịch, thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm, thúc đẩy liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sự tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.