Nhờ đó, góp phần thay đổi sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh.

Tiếp tục đồng hành cùng cơ sở công nghiệp nông thôn

Nhằm tiếp sức, tạo đòn bẩy để các cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước phát triển bền vững, trong năm 2024, UBND tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt Kế hoạch Khuyến công địa phương và Xúc tiến thương mại năm 2024 với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến công gần 2,1 tỷ đồng, kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại hơn 3,4 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của cơ sở và doanh nghiệp.

Cụ thể, về lĩnh vực khuyến công, sẽ tổ chức 02 lớp truyền nghề cho 50 học viên, trong đó tập trung hỗ trợ cho lao động tại các cơ sở sản xuất, gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đan đát; tổ chức 01 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp cho các doanh nghiệp các hộ kinh doanh, các hộ có ý tưởng thành lập doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý điều hành cho doanh nghiệp.

Đồng thời, hỗ trợ 13 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị chuyển giao công nghệ và sản xuất; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thuê tư vấn, trợ giúp thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói.

Khuyến công địa phương tạo sức bật cho công nghiệp nông thôn

Hộ kinh doanh Mai Hoàng Lý là một trong những cơ sở công nghiệp nông thôn duy trì nghề làm Bánh tét truyền thống tại làng nghề Bánh tét Trà Cuôn. Hiện nay, nhà xưởng rộng rãi và đường giao thông thuận lợi nên sản phẩm Bánh tét của Hộ kinh doanh Mai Hoàng Lý ngày càng phát triển. Cùng với sự phát triển thị trường, Hộ kinh doanh Mai Hoàng Lý cần phải sản xuất theo quy mô công nghiệp, đồng thời phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.

khuyến công
Nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc
thiết bị tiên tiến trong sản xuất Bánh tét” tại Hộ kinh doanh Mai Hoàng Lý

Từ thực tế đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh (Trung tâm) đã phối hợp triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất Bánh tét” tại Hộ kinh doanh Mai Hoàng Lý, ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Tổng vốn đầu tư thực hiện Đề án là 350.900.000 đồng, trong đó: kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ là 170.000.000 đồng; vốn đối ứng của Hộ kinh doanh là 180.900.000 đồng. Việc hỗ trợ ứng dụng Máy vo nếp, sục khí và Máy xào nhân đã giúp cho Hộ kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.  

Đại diện Hộ kinh doanh cho biết, đề án đi vào hoạt động đã góp phần duy trì, phát triển nghề truyền thống của địa phương và gia tăng giá trị sản xuất sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Trong thời gian tới, Hộ kinh doanh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và tăng cường quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đầu tư thêm máy móc thiết bị theo hướng tự động hóa, hoàn thiện các công đoạn sản xuất và liên kết, hợp tác để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.    

Nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc  thiết bị tiên tiến trong sản xuất cửa nhôm” tại Công ty TNHH Tân Kiến Dương
Nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cửa nhôm” tại Công ty TNHH Tân Kiến Dương
Khai giảng lớp truyền nghề “Đan chậu dây nhựa” tại Doanh nghiệp tư nhân Thủ công mỹ nghệ Thành Nhân
Khai giảng lớp truyền nghề “Đan chậu dây nhựa” tại Doanh nghiệp tư nhân Thủ công mỹ nghệ Thành Nhân

Song song với việc hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị chuyển giao công nghệ và sản xuất. Với mục tiêu giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho lao động nông thôn, chủ yếu là lao động nữ, dân tộc Khmer và lao động nhàn rỗi ở địa phương. Tạo nguồn lao động có tay nghề cho cơ sở công nghiệp nông thôn có được lực lượng lao động ổn định để yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô, từng bước hình thành doanh nghiệp đầu mối, hướng đến xuất khẩu.

Trung tâm đã giúp Doanh nghiệp tư nhân Thủ công mỹ nghệ Thành Nhân mở lớp truyền nghề “Đan chậu dây nhựa” tại ấp Phú Phong 1, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh với thời gian 07 ngày, từ ngày 17/4/2024 đến ngày 23/4/2024. Lớp truyền nghề được Kỹ thuật viên là thợ giỏi trực tiếp hướng dẫn theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Tham gia lớp truyền nghề có 25 học viên, đa số thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua lớp truyền nghề, góp phần khai thác, tận dụng hiệu quả tiềm năng nguyên liệu và lao động sẵn có tại địa phương; tạo nguồn cho Doanh nghiệp tư nhân Thủ công mỹ nghệ Thành Nhân có được lực lượng lao động ổn định.

Ông Huỳnh Ngọc Xuân, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh cho biết: Hoạt động khuyến công địa phương năm 2024 đã phát huy vai trò “bà đỡ” trong mục tiêu sản xuất công nghiệp và ngành nghề tại nông thôn, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất mang tính bền vững. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu này, nhiều doanh nghiệp cơ sở công nghiệp nông thôn đã xây dựng được thương hiệu và phát triển không ngừng.