Huyện Kim Sơn: Tạo thuận lợi cho phát triển và mở rộng các khu, cụm công nghiệp
Với sức hút của một vùng đất mở cùng các giải pháp cụ thể của chính quyền địa phương đã góp phần đưa huyện Kim Sơn trở thành huyện có dấu ấn tăng trưởng kinh tế ấn tượng của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là mở rộng phát triển hoạt động của khu, các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Kinh tế tăng trưởng khá, công nghiệp phát triển toàn diện
Huyện Kim Sơn là huyện ở phía Đông Nam của tỉnh Ninh Bình, nơi giao lộ các tuyến đường giao thông quan trọng, dễ dàng kết nối với các đô thị lớn. Nơi đây hội tụ các tài nguyên thiên nhiên đa dạng, với vùng đồng bằng đất đai màu mỡ, có bờ biển khai thác các nguồn lợi hải sản phong phú, có thuận lợi cho phát triển toàn diện về kinh tế -xã hội.
Trong không khí chào mừng kỷ niệm 195 năm ngày thành lập huyện (5/4/1829-5/4/2024) và 70 năm ngày giải phóng huyện Kim Sơn (30/6/1954-30/6/2024), các cấp chính quyền và nhân dân huyện Kim Sơn vui mừng với kết quả những năm gần đây của Huyện khi kinh tế liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; nhiều công trình với quy mô lớn, hiện đại đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp – xây dựng, tiểu thủ công nghiệp của Huyện đạt bình quân trên 15%/năm. Năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 254 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu toàn huyện đạt 48 triệu USD, tăng 155,3% so với năm 2020. giá trị trên 1ha canh tác đạt gần 200 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 61 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,71%, cận nghèo 3,24%. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 theo Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Để có được kết quả trên, thời gian qua, Các cấp lãnh đạo huyện Kim Sơn đã chủ động phối hợp với các ban, ngành của Tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp và đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp trên địa phương. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phát triển hiệu quả và ổn định đã góp phần tạo ra tỷ trọng công nghiệp ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Những năm gần đây, Kim Sơn được tỉnh Ninh Bình được quan tâm đầu tư tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông, đô thi, mạng lưới điện, thuỷ lợi…nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp toàn diện và tạo động lực phát triển kinh tế biển, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập của địa phương.
xem thêm: Ninh Bình: Tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
Tiếp tục mở rộng phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn
Xác định công nghiệp sẽ là hướng đi của tương lai, các cấp chính quyền huyện Kim Sơn đang tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng, phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh Khu công nghiệp Kim Sơn, trên địa bàn huyện còn có Cụm công nghiệp Đồng Hướng diện tích 35,89 ha với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thu hút hàng chục dự án đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động cho địa phương. Huyện cũng xây dựng quy hoạch Cụm Công nghiệp Xuân Chính (quy mô 75ha), Cụm công nghiệp Chất Bình (quy mô 75ha), Khu Công nghiệp Kim Sơn (quy mô 200ha),…
Thời gian tới, chính quyền huyện Kim Sơn định hướng sẽ tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng song song với việc vận hành và phát huy hiệu quả các các cụm công nghiệp, đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Huyện tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng và xúc tiến đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại Cụm công nghiệp Đồng Hướng và khu, cụm công nghiệp ven biển. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh công nghiệp, thương mại và du lịch trên địa bàn.
Các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động với hạ tầng hiện đại, đầy đủ sẽ là lực bẩy quan trọng giúp Kim Sơn thu hút những dòng vốn đầu tư lớn, đặc biệt là vốn đầu tư FDI, dần đưa huyện Kim Sơn lên vị thế mới trong bản đồ công nghiệp của Tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện các mục tiêu tăng tỷ trọng công nghiệp của Huyện trong trước mắt và tương lai.