Bắc Giang: Phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công và khắc phục khó khăn hạn chế, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã đề ra một số giải pháp nhằm hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công năm 2024.
Kinh phí khuyến công tập chung hỗ trợ địa bàn đặc biệt khó khăn
Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang, năm 2024, từ nguồn ngân sách tỉnh dành cho hoạt động khuyến công đã giao cho Sở Công Thương là 3.500 triệu đồng.
Kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh, tập trung khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất tại những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh như các huyện: Hiệp Hòa, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế và Sơn Động; hỗ trợ phát triển các ngành, nghề sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm tạo giá trị gia tăng cao, sử dụng nguyên liệu tại chỗ (chiếm trên 50% tổng giá trị nguyên liệu), trong đó ưu tiên hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất thuộc các nhóm ngành: Sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, đồ nội thất từ gỗ công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, gia công cơ khí, phân bón sinh học.
Cùng với đó là, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết kế, in ấn mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh; thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp…
6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương Bắc Giang đã tổ chức triển khai thực hiện 16/18 đề án được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ.
Cụ thể, tổ chức thực hiện 10 đề án thuộc nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; trong đó, dự kiến hoàn thành 7/10 đề án được phê duyệt.
Hoàn thành 01 đề án thuộc nội dung hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp “Tổ chức tham gia các Hội nghị, Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024”.
Thực hiện 01 đề án thuộc nội dung tư vấn, trợ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn.
Triển khai 02 đề án thuộc nội dung cung cấp thông tin, tuyên truyền.
Tổ chức thực hiện 02 đề án thuộc nội dung nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.
Giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2024
Dù vậy, đại diện Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, công tác khuyến công còn gặp một số khó khăn, do thời gian xây dựng Kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2024, phải được hoàn thành, trình duyệt trong năm 2023.
Theo đó, căn cứ để xây dựng các đề án khuyến công quốc gia, dựa trên báo cáo, phương án phát triển sản xuất, báo giá máy móc thiết bị… của các cơ sở công nghiệp nông thôn cung cấp. Vì vậy, sau khi được phê duyệt và giao nhiệm vụ, một số đề án dạng nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất vẫn còn phải đề nghị điều chỉnh giảm mức tổng kinh phí đầu tư, tên máy móc thiết bị đề nghị hỗ trợ, thông số kỹ thuật máy móc thiết bị….
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn tại các huyện miền núi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn còn ít nên số đề án khuyến công triển khai tại đây chưa nhiều, mặc dù đây là những địa bàn ưu tiên của chương trình khuyến công.
Để tiếp tục khắc phục khó khăn, hạn chế và phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, Sở Công Thương Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến các văn bản quy định mới liên quan đến công tác khuyến công nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác khuyến công. Tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan có thẩm quyền tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện các đề án và nghiệm thu kết quả sau khi thực hiện xong.
Đồng thời, đề xuất cấp có thẩm quyền ngừng thực hiện, điều chỉnh bổ sung sang thực hiện đề án khác đối với các đề án không đáp ứng được yêu cầu theo hợp đồng hỗ trợ đã ký hoặc có sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện. Phối hợp các đơn vị thụ hưởng đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, kịp thời nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng, sớm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, địa phương và xã hội.