Doanh nghiệp “chuyển mình” để chinh phục thương mại điện tử xuyên biên giới
Thời gian qua, với sự kết nối hiệu quả từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương và Amazon Global Selling, các doanh nghiệp Việt Nam đã tự tin vươn ra biển lớn, chinh phục thị trường toàn cầu nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới.
Gần hai nghìn doanh nghiệp được đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới
Năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng Amazon Global Selling Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”.
Theo đó, sáng kiến này đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới cho khoảng 10.000 doanh nghiệp trong 5 năm (2022-2026), từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Triển khai chương trình, năm 2022, 9 khóa học đã được tổ chức tại 6 tỉnh thành, gồm: Hà Nội (3 khóa), TP. Hồ Chí Minh (2 khóa), Đà Nẵng, Ninh Bình, Hải Phòng và Đồng Nai, với 1.200 doanh nghiệp tham gia.
Năm 2023, 5 khóa học được tổ chức tại 4 tỉnh thành, gồm: TP. Hồ Chí Minh (2 khóa), Hà Nội, Đà Nẵng và Bến Tre, với sự tham gia của 628 doanh nghiệp.
Những kết quả thu được là hết sức khả quan. Theo ghi nhận, doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo năm 2023 đã có hiểu biết, sự sẵn sàng cao hơn và được trang bị các kiến thức nền tảng về thương mại điện tử xuyên biên giới và mô hình bán hàng toàn cầu của Amazon, phù hợp hơn với các tiêu chí của thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon.
“Thông qua những hoạt động đào tạo, kết nối, hàng trăm doanh nghiệp đã và đang chuyển mình, ứng dụng những kiến thức, kỹ năng có được để từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử”, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết.
Chương trình cũng nhận được sự chú ý của truyền thông, báo chí trong nước, ghi nhận nỗ lực của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số và Amazon Global Selling Việt Nam trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành thương mại điện tử xuyên biên giới.
Sẽ lựa chọn các doanh nghiệp trong top ngành hàng tiềm năng để hỗ trợ chuyên sâu
Theo thống kê của Amazon, 34% trong số gần hai nghìn doanh nghiệp đã được đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới đáp ứng các tiêu chí để tiếp tục được tư vấn và đồng hành. Trong số đó có 30% các doanh nghiệp đang trong quá trình chuẩn bị và tính đến tháng 4/2024 có 5 doanh nghiệp đã tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon, trong đó có 2 doanh nghiệp ngành hàng trà, 2 ngành hàng quà tặng và 1 ngành hàng gia dụng.
Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng doanh nghiệp tham gia đào tạo chưa có độ sẵn sàng cao, khiến hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới còn hạn chế. Khó khăn của doanh nghiệp nằm ở nguồn lực nội tại, nhân sự, kỹ năng xuất khẩu và kỹ năng thương mại điện tử, cần nhiều thời gian để chỉnh sửa sản phẩm cho phù hợp với thị trường thế giới, v.v…
Nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và hỗ trợ thành công các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon Global Selling cho biết đã xây dựng Chương trình hợp tác giai đoạn 2 từ năm 2024 – 2026, trong đó tăng cường sự tham gia của các hiệp hội ngành nghề, lựa chọn các doanh nghiệp trong top ngành hàng tiềm năng, hỗ trợ chuyên sâu giúp các doanh nghiệp này thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, đưa hàng Việt tới thị trường toàn cầu thông qua Amazon.
Cùng với đó, tiếp tục duy trì các hoạt động đào tạo của Sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với nội dung được cải tiến, phù hợp với đối tượng doanh nghiệp; Tổ chức các khóa Đào tạo trực tuyến, tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp đã tham gia các chương trình đào tạo cơ bản, giúp tăng tính sẵn sàng của doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới…
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.