Thanh Hoá triển khai đề án khuyến công quốc gia điểm trong phát triển chế biến lâm sản
Đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2018 – 2020 và giai đoạn 2023 – 2025” đã là cách làm rất hiệu quả, và đang đi đúng, trúng, kịp thời giúp đỡ các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là chất lượng sản phẩm được nâng cao rõ rệt trong lĩnh vực chế biến lâm sản.
Những năm qua, Chương trình khuyến công tỉnh Thanh Hóa được triển khai hỗ trợ các cơ sở CNNT trên diện rộng, tuy nhiên vẫn chưa tập trung hỗ trợ phát triển cho một số nhóm sản phẩm có thế mạnh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực chế biến lâm sản. Nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có và phát huy hiệu quả cao vai trò khuyến công trong lĩnh vực chế biến lâm sản tại tỉnh, Cục Công Thương địa phương đã cho phép tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện đề án khuyến công quốc gia (KCQG) điểm “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2018 – 2020 và giai đoạn 2023 – 2025”.
Cụ thể, giai đoạn 2028 – 2020, kinh phí KCQG đã triển khai thực hiện hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển chế biến lâm sản với tổng kinh phí hỗ trợ 6.500 triệu đồng, bao gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến lâm sản cho 11 đơn vị; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong chế biến lấm ản cho 04 đơn vị; tổ chức 01 hội thảo nâng cao năng suất chất lượng, phát triển chế biến lâm sản cho 150 đại biểu.
Việc triển khai đề án KCQG điểm “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2018 – 2020” đã có hiệu quả, tác động tích cực tới các cơ sở CNNT. Một số sản phẩm của các doanh nghiệp đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường các nước Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc như: Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, Công ty TNHH Triệu Thái Sơn, Công ty TNHH Xuyên Bình…
Ngoài ra, việc tổ chức “Hội thảo nâng cao năng suất chất lượng, phát triển chế biến lâm sản” cũng góp phần giúp các doanh nghiệp trên địa bàn trao đổi kinh nghiệm, tổ chức và vận hành sản xuất khoa học, những công nghệ tiên tiến trên thế giới được ứng dụng trong sản xuất… Điều nhận thấy lớn nhất là hội thảo đã kết nối các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản với nhau, có sự quan tâm và hỗ trợ của doanh nghiệp lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ, chưa có thị trường xuất khẩu, năng lực sản xuất còn non trẻ. Các doanh nghiệp trong tỉnh bước đầu đã liên kết tạo thành chuỗi giá trị, từ khâu quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu đến khâu chế biến và tiêu thụ, từ đó phát triển bền vững.
Giai đoạn 2023- 2025, tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển chế biến lâm sản. Theo đó, năm 2023 kinh phí KCQG đã thực hiện hỗ trợ 3.700 triệu đồng gồm: Hỗ trợ ứng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến lâm sản cho 09 đơn vị; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong chế biến lâm sản cho 01 đơn vị. Dự kiến năm 2024 kinh phí KCQG sẽ hỗ trợ 2.950 triệu đồng gồm: Hỗ trợ phát triển ngành chế biến lâm sản cho 01 đơn vị.
Là doanh nghiệp được thụ hưởng từ nguồn kinh phí từ đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2023 – 2025”. Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát đã đầu tư một nhà máy trị giá gần 16,5 tỷ đồng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để sản xuất gỗ ván ép, trong đó kinh phí đầu tư máy móc lên tới 13,8 tỷ đồng. Chương trình KCQG năm 2023 đã hỗ trợ Công ty đầu tư máy may ván, hệ thống lò hơi, máy lật ván, máy mài lưỡi cưa tự động… giúp doanh nghiệp hoàn thành đồng bộ quy trình sản xuất. Với hệ thống máy móc này, Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát là đơn vị đầu tiên sản xuất thành công gỗ ván ép xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu gỗ bạch đàn, keo và gỗ tạp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm của các doanh nghiệp như Công ty CP công nghiệp gỗ Trường Sơn, Công ty TNHH Triệu Thái Sơn, Công ty TNHH Xuyên Bình, Công ty TNHH Quang Thành Thắng, Công ty TNHH SX thương mại XNK lâm sản Hải Oanh, Công ty CP lâm sản Lang Chánh, Công ty TNHH lâm sản Đại Phát,… đã nâng cao chất lượng, giảm giá thành, cải thiện mẫu mẫu sản phẩm và nâng cao thương hiệu sản phẩm… đáp ứng đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường các nước như Mỹ, một số nước Châu Âu, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loạn, Hàn Quốc.
Ông Hoàng Xuân Phong – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đề án khuyến công quốc gia điểm “ Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2018 – 2020 và giai đoạn 2023 – 2025” đã đạt được những kết quả rất tích cực, các cơ sở chế biến lâm sản đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới, nâng cao công nghệ để sản xuất các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, năng suất được cải thiện, sử dụng hợp lý nguyên vật liệu, giảm lượng tiêu thụ điện năng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường và đặc biệt là chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, tạo ra nhiều sản phẩm mới. Nhờ vậy tăng khả năng cạch tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.