tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Múa đương đại đánh đố người xem?

GD&TĐ – Phải chăng vì là múa đương đại nên phải đặt tên tác phẩm theo kiểu nước ngoài nó mới hợp gu, hợp thời, mới đẳng cấp, sang trọng?

Hà Đăng Ninh và tác phẩm 'Eternity Formed by Fragment'. Ảnh: Thanh Hoa.

Hà Đăng Ninh và tác phẩm ‘Eternity Formed by Fragment’. Ảnh: Thanh Hoa.

Trong cuộc trò chuyện, biên đạo Lê Hoàng Phi Long phải thốt lên: ‘Xem múa bây giờ là phải ngẫm, phải dùng hết tinh thần và sức lực để ‘chợt hiểu’. Cố lên với niềm đam mê nghệ thuật múa”.

Không phải ngẫu nhiên biên đạo ấy đưa ra ý kiến tưởng… hài hước nhưng lại rất thực tế. Cùng khảo sát từ cuộc thi tài năng múa toàn quốc vừa qua, hạng mục múa đương đại có sức hút mạnh mẽ nhất với sự tham gia hơn 50 tiết mục mới của gần 30 biên đạo trẻ.

Có thể kể đến một số gương mặt nổi bật như: Nguyễn Thạch Sang, Tú Hoàng, Hải Anh, Minh Vũ, Vũ Minh Tân, Phạm Minh Tuấn, Quàng Văn Việt, Lê Gia Quang Huy, Giáp Văn Nghĩa, Tống Mai Len, Bùi Ngọc Quân, Trần Tiến Huy, Bùi Thanh Ngân, Trần Minh Quang, Đặng Minh Hiền, Trần Hoàng Yến, Nguyễn Phương Anh, Tạ Thùy Chi, Mạnh Giang…

Cần phải ghi nhận rằng, đã qua rồi cái thời của những ngôn ngữ chuyển động gẫy gập, uốn khúc, giật đùng đùng hay những trạng huống quằn quại, lờ đờ, đi đi lại lại như vô hồn của múa đương đại. Giờ đây, khán giả đã tìm thấy phần nào cảm xúc gần gũi, thân thiện.

Dẫu vậy, trước mỗi tác phẩm mới, nếu đòi hỏi “hiểu” cho tường tận nội dung dường như là tham vọng khó đạt được, chẳng những đối với công chúng khán giả, mà ngay cả đối với giới chuyên môn thì đó cũng là câu chuyện không có hồi kết.

Đó cũng là lý do mà dù có đến hơn 50 tác phẩm tranh tài, song dường như vẫn chưa thỏa niềm mong mỏi của giới chuyên môn cũng như công chúng yêu múa đương đại. Hầu hết được nhận định còn mang tính hình thức, mải mê phô diễn vẻ bề ngoài mà thiếu sự đầu tư về chiều sâu nên nhiều tác phẩm tạo cảm giác nhạt nhòa về phương cách biểu hiện và cảm thụ tiếp nhận.

Băn khoăn, lo lắng về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Quân – ủy viên Hội đồng giám khảo cuộc thi bày tỏ: “Phần dàn dựng, ý tưởng nghệ thuật cần phải phong phú hơn, rất nhiều tác phẩm có cách dàn dựng và phong cách biểu diễn giống nhau, thiếu sự gợi mở về phần biểu cảm.

Tác phẩm phải giúp khán giả có thể cảm nhận xa hơn, sâu hơn chính ý đồ tác phẩm được xem; có thêm không gian để tưởng tượng, liên tưởng với trải nghiệm sống cá nhân trong quá trình thưởng thức”.

Chuyện đặt tên cho tác phẩm múa đương đại trong cuộc thi này cũng gây nhiều phản ứng trái chiều trong giới chuyên môn.

Mấy chục tác phẩm với những cái tên toàn là tiếng Anh, kiểu như: “Whisp”, “Loop”, “Follow”, “Should life be busy”, “Self – Ham”, “Woman”, “Sit on that position”, “Get over it”, “Hero in mind”, “F-Sniwt”, “Can’t get out”, “Bird Wings Effect”, “Bipolar Skin”; “Pygmalion Effect”, “While I wait for you”, “Until we meet”, “What’s Next”, “The Journey”, “Numb”, “Reception”, “Caterpillar”, “Plus”, “You can’t kill me”, “Sarabande”… khiến khán giả không khỏi hoang mang bởi không sao nhớ nổi tên tác phẩm mình vừa xem.

Nguyễn Hà Anh và tác phẩm 'Bipolar'. Ảnh: Thanh Hoa.

Nguyễn Hà Anh và tác phẩm ‘Bipolar’. Ảnh: Thanh Hoa.

Đành rằng Ban tổ chức cuộc thi không quá khắt khe, không đặt ra quy chế cụ thể mà khá cởi mở, tự do trong vấn đề tên gọi của tác phẩm, miễn sao tác phẩm biểu lộ, phô diễn được tài năng của diễn viên một cách tốt nhất, song, đây là cuộc thi dành cho diễn viên múa Việt Nam, không mang tính quốc tế.

Với những cái tên hoàn toàn bằng tiếng Anh đó khiến không ít khán giả buộc phải đặt câu hỏi: Không biết tác giả có ý đồ gì với những cái tên “Tây” này? Phải chăng vì là múa đương đại nên phải đặt tên tác phẩm theo kiểu nước ngoài nó mới hợp gu, hợp thời, mới đẳng cấp, sang trọng hay sao? Hay tác giả cố tình “gây khó” cho người xem?!

Trước thực tế này, biên đạo Lê Hoàng Phi Long – Giảng viên Học viện Múa Việt Nam đã phải thốt lên: “Lại nói đến chuyện các biên đạo múa người Việt sáng tác tác phẩm múa Tây. Có lẽ ngôn ngữ Việt đã không còn đủ sắc thái để thổ lộ cho người Việt hiểu.

Chẳng lẽ biên đạo nhà ta với 32 chữ cái mà không ghép lại được cái tên cho ra hồn mà cứ phải tên… Tây, mà cứ phải bắt người xem căng mắt tra từ điển và căng tai lên để hóng MC nói cái gì.

Nhìn xuống khán giả thấy 100% người Việt mà thấy cái gì đó rất Tây vang lên, tưởng mình bước nhầm vào Opera Sydney. Vậy là cái tôi của tôi nó Tây nên tên của tôi nó phải Tây nó mới là tôi. Kiểu chơi chữ này phức tạp quá… Chẳng lẽ ngôn ngữ Việt Nam… cạn lời”.

Có thể nói, không chỉ với nghệ thuật múa mà với bất cứ sản phẩm sáng tạo nào thì “Tist” – tên gọi của tác phẩm đóng vai trò quan trọng. Nó bao quát tầng sâu ý nghĩa cho nội dung xuyên suốt của tác phẩm, góp phần “vạch lối”, “chỉ đường” để tác giả phát triển tư duy sáng tạo, phương cách dàn dựng, biểu hiện tác phẩm theo một định hướng đã xác định.

Cho nên, nếu tên gọi của tác phẩm còn chưa được xác định một cách nghiêm túc sẽ dẫn tới việc dàn dựng, sáng tác bị hạn chế, ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy sáng tạo. Đây cũng là lý do khiến nhiều tác phẩm múa đương đại xuất hiện trong cuộc thi thiếu đi chiều sâu cần có, chưa tạo được điểm nhấn và cảm xúc thẩm mỹ đáng nhớ cho người xem.

Múa đương đại là đa nghĩa, đa ngôn ngữ, thường thiên về tính trừu tượng, đi sâu vào khai thác ngôn ngữ chuyển động cơ thể nên về mặt nào đó nó tạo cơ chế “mở” cho biên đạo trong sáng tác, dàn dựng tác phẩm.

Cùng với đó, để sáng tạo một tác phẩm múa đương đại khơi gợi được cảm xúc, phát huy được ngôn ngữ chuyển động của múa và kích hoạt được tư duy sáng tạo, đọng lại trong tâm thức khán giả luôn là một bài toán khó đối với đội ngũ biên đạo múa.

Phải chăng đó là lý do các biên đạo múa hiện nay “chuộng” xu hướng sáng tác, dàn dựng theo phong cách trừu tượng, trong đó có cả việc đặt tên “Tây” tạo cảm giác mơ hồ? Song để tạo được tác phẩm múa đương đại Việt thật hấp dẫn, cuốn hút, chạm cảm xúc người xem; để tạo được tác phẩm giúp diễn viên phô diễn được kĩ thuật, bộc lộ được tài năng thì cùng với kĩ năng trình diễn, chuyện đặt tên cho tác phẩm vẫn là vấn đề mà biên đạo múa không thể coi nhẹ, bỏ qua.

“Ở một góc độ nào đó, đôi khi biên đạo chỉ quan tâm đến ý đồ muốn nói và thể hiện. Tuy nhiên, nếu khai thác được yếu tố văn hóa trong đời sống đương đại con người Việt Nam thì sẽ gần gũi hơn với khán giả công chúng đón nhận” – Biên đạo Tạ Xuân Chiến.

ThS Thanh Hoa (Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam)

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích