[TIN ẢNH] Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thăm và làm việc tại tỉnh Lào Cai
Cùng tham dự đoàn công tác Bộ Công Thương còn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ; Tổng cục Quản lý thị trường; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Thị trường trong nước; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Xuất nhập khẩu; Cục Phòng vệ thương mại; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Công Thương địa phương; Cục Công nghiệp;…
Về phía tỉnh Lào Cai có ông Đặng Xuân Phong – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai; ông Hoàng Quốc Khánh – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lãnh đạo Sở: Công Thương, Giao thông Vận tải, BCH Bộ đội Biên phòng; Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và đại diện các cơ quan thành viên tại Cửa khẩu; Lãnh đạo và Chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.
Lào Cai tiếp tục hoàn thiện Phương án phân luồng tại cửa khẩu Kim Thành
Báo cáo của tỉnh Lào Cai cho thấy, năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh được tích cực triển khai, có nhiều giải pháp nhằm khôi phục và giữ ổn định. Hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu diễn ra khá thuận lợi, không xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa.
Lượng phương tiện thông quan tại các cửa khẩu của Lào Cai đạt trung bình khoảng 500-600 xe/ngày, trong đó: xe xuất khẩu 160-180 xe/ngày; nhập khẩu từ 400-420 xe/ngày. Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan diễn duy trì với 4-6 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày, hàng hóa thông quan tại cửa khẩu trong tháng chủ yếu hàng lưu huỳnh và quặng sắt quá cảnh và phân bón nhập khẩu. Giá trị xuất nhập khẩu trung bình hàng tháng đạt khoảng 280 triệu USD.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai lũy kế 8 tháng ước đạt 2.271,63 triệu USD, tăng 71,65% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 50,48% so kế hoạch. Đồng thời, đã triển khai cấp C/O cho 330 nghìn tấn hàng hóa, giá trị ước đạt 670 triệu USD.
Riêng đối với cửa khẩu Kim Thành, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đang tiếp tục hoàn thiện các công việc liên quan đến triển khai Phương án phân luồng tại cửa khẩu Kim Thành với mục tiêu thông quan được 500 phương tiện xuất và 500 phương tiện nhập/ngày.
Đồng thời, tiếp tục duy trì vận hành cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành; tổng hợp ý kiến tham gia của các cơ quan đơn vị liên quan và hoàn thiện Quy trình theo dõi, quản lý việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành trên nên tảng cửa khẩu số.
Lào Cai có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước
Tại buổi làm việc với đoàn công tác, ông Hoàng Quốc Khánh – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đã có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 8 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm; việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình, với tầm nhìn vượt thời gian và với những nỗ lực, quyết tâm rất lớn nên cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tại địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo và nỗ lực thực hiện giành được những kết quả rất nổi bật.
Tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại, dịch vụ chiếm gần 80% GRDP của tỉnh. 7 tháng đầu năm nay, chỉ số chính trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại tiếp tục đạt kết quả cao, tăng trưởng hơn cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng của cả nước. Nổi bật là: (i) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,7% (cả nước tăng 8,47%), đứng thứ 8 trong vùng và thứ 24 cả nước; (ii) Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 14,2% (tăng cao hơn gấp 2 lần mức bình quân cả nước); (iii) Kim ngạch xuất khẩu (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) tăng ngoạn mục, gấp hơn 2 lần (cả nước tăng 15,7%); Kim ngạch nhập khẩu tăng 50% (cả nước tăng 18,5%).
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực Công Thương của tỉnh còn có những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục.
Sản xuất công nghiệp mặc dù có mức tăng trưởng khá cao nhưng chưa bền vững; đặc biệt là công nghệ còn chậm đổi mới; cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp còn thiếu cân đối (tỷ trọng công nghiệp chế biến còn thấp; trong khi tỷ trọng của công nghiệp khai thác cao; khai thác cao nhưng giá trị gia tăng nhỏ và vấn đề môi trường cũng là vấn đề thách thức.
Kinh tế cửa khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chưa mở rộng sang nhiều thị trường khác; việc tận dụng cơ hội mở cửa thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới mà nước ta là thành viên của các doanh nghiệp còn hạn chế.
Thị trường nội địa sức mua thấp (phần nào do quy mô dân số nhỏ, trong đó khoảng 66% là người dân tộc thiểu số). Nếu có cách làm hiệu quả hơn thì đây không chỉ đáp ứng nhu cầu của tỉnh Lào Cai mà phải là nơi hội tụ, trở thành chợ của khu vực. Hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ, quy mô còn hạn chế.
Thời gian qua, tỉnh đã và đang phải tập trung khắc phục những hạn chế, sai phạm tích tụ từ những năm trước, đã được các cơ quan chức năng chỉ ra, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ công chức, viên chức.
Bộ trưởng cho hay, Bộ Công Thương đánh giá cao tầm nhìn và những hoạch định của địa phương trong định hướng phát triển trong thời gian tới, đồng thời Bộ Công Thương cơ bản nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp tổng kết của địa phương đã đề ra, phương châm “1 trục, 2 cực, 3 vùng, 4 trụ, 5 giải pháp” là rất đáng tham khảo.
Lào Cai là tỉnh biên giới được xem như “phên dậu của Tổ quốc”, với chiều dài đường biên giới trên đất liền hơn 182 km liền với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự, đối ngoại của đất nước. 5 phương châm “giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ dân, giữ biên giới”.
Nằm ở vị trí trung tâm khu vực trung du, miền núi phía Bắc; thuộc khu vực 2 hành lang kinh tế lớn (Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Lào Cai – Hà Nội – Lạng Sơn), Lào Cai được xác định là cửa ngõ kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc. Điều này cho thấy vị trí địa kinh tế, địa chính trị, địa quốc phòng rất quan trọng.
Bên cạnh đó, Lào Cai còn là nơi “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh” với các địa danh du lịch nổi tiếng, đã có thương hiệu (như Sa Pa, đỉnh Phan Xi Păng, Bắc Hà); trong tương lai có 3 cửa khẩu quốc tế lớn (hiện có 1 cửa khẩu quốc tế Kim Thành, có 2 cửa khẩu đang quy hoạch); hạ tầng giao thông kết nối phát triển đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không (trong tương lai gần có đường hàng không); giàu tài nguyên khoáng sản với nhiều loại khoáng sản quý, chất lượng cao và trữ lượng lớn (apatit, sắt, đồng,…); cùng với nền văn hóa đa dạng, có bản sắc riêng, rất độc đáo của 25 dân tộc…
“Lào Cai có điều kiện thuận lợi và hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước, nhất là về phát triển năng lượng sạch, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, kinh tế cửa khẩu, giao thương hàng hóa, dịch vụ logistics; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa… ” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.