Xuất khẩu tôm chân trắng Việt Nam đạt mức cao nhất vào tháng 7/2024 kể từ đầu năm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi đạt mức cao nhất trong 2 năm vào tháng 6/2024, xuất khẩu tôm chân trắng Việt Nam tiếp tục tăng lên tới 32.831 tấn vào tháng 7/2024.
Xuất khẩu tôm chân trắng đạt mức cao nhất vào tháng 7/2024 kể từ đầu năm
Từ 30.452 tấn trong tháng 6/2024, xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam đã tăng lên 32.831 tấn vào tháng 7 – mức cao nhất kể từ đầu năm nay. Việc giá cước vận tải biển tăng cao được cho là đang làm giảm nhu cầu, mặc dù vậy một số người mua vẫn tăng cường nhận hàng do lo ngại giá cước tăng thêm.
Quý II/2024, lượng tôm thẻ chân trắng xuất khẩu được cải thiện trong khi giá bán ít cải thiện. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình của tất cả các sản phẩm tôm chân trắng bán cho mọi thị trường vẫn giữ nguyên ở mức 8,10 USD/kg.
Tiêu thụ tôm chân trắng tại các thị trường khác dự kiến sẽ cải thiện khi bước vào mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Lạm phát hạ nhiệt cũng sẽ giúp cải thiện mức tiêu thụ.
Ngoại trừ mức giảm nhẹ trong xuất khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông (-4%) và EU (-6%), tháng 7/2024 ghi nhận mức tăng ở các thị trường chính như Hoa Kỳ (+23%), Hàn Quốc (+15%), Anh (+15%) và Nhật Bản (+1%).
Tại thị trường Nhật Bản, dự kiến giá xuất khẩu tôm thẻ chân trắng sang thị trường này cũng tăng do các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sẵn của Việt Nam vẫn được ưa chuộng, chi phí vận chuyển thấp hơn và đồng yên có khả năng tăng giá.
Khối lượng xuất khẩu tôm chân trắng Việt Nam sang thị trường Nhật Bản vẫn ổn định trong tháng 7/2024, đạt 3.655 tấn. Giá giảm 3,4%, trở lại mức từ tháng 3 đến tháng 5, đạt mức 8,50 USD/kg.
Tại thị trường Trung Quốc, doanh số bán tôm thẻ chân trắng trong tháng 7/2024, vào thị trường này vẫn mạnh, chỉ giảm nhẹ xuống 5.700 tấn. Tuy nhiên, giá đã giảm 4,6% xuống còn 6,20 USD/kg, mức thấp nhất kể từ một số tháng biến động trong năm 2022.
Thị trường EU, trong tháng 7/2024, EU nhập khẩu 4.417 tấn tôm chân trắng của Việt Nam, đánh dấu 3 tháng liên tiếp đạt mức cao so với những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Giá xuất khẩu tăng 1,4% lên 7,10 USD/kg nhưng vẫn ở mức thấp so với những tháng trước dịch Covid-19.
Còn tại Hàn Quốc, giá ổn định ở mức 7,10 USD/kg, trong khi khối lượng tăng lên 3.336 tấn – đạt mức chưa từng thấy kể từ tháng 8/2023.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam
Đáng chú ý, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận tăng liên tục trong 4 tháng liên tiếp. Giá xuất khẩu cũng ghi nhận tăng liên tục kể từ tháng 2/2024.
Tại thị trường Hoa Kỳ, tôm chân trắng Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội so với các đối thủ cạnh tranh vì tôm Ecuador và Ấn Độ đang phải đối mặt với cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động.
Ngoài ra, theo báo cáo, mức tăng trưởng 2,8% của GDP Hoa Kỳ trong quý II/2024 vượt qua dự báo của các nhà kinh tế và cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau khi chỉ tăng 1,4% trong quý đầu năm nay. Chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu và lương đều tăng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp. Cùng với đó, lạm phát tại Hoa Kỳ đã có dấu hiệu hạ nhiệt và Fed dự kiến có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Những thông tin tích cực về nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ có tác động tích cực tới xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này,
VASEP dự báo, nhu cầu tôm của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng nhẹ trong quý III/2024 và giá dự kiến sẽ tăng từ tháng 7 trở đi do sức mua tăng từ các nhà nhập khẩu trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Tuy nhiên, để không bị phụ thuộc vào một vài thị trường chủ lực, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đồng thời, cần tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng khác. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu chủ lực mà còn tạo ra cơ hội để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững trong dài hạn.
Về mục tiêu dài hạn, ngành tôm Việt Nam cần phải xây dựng một chiến lượng phát triển toàn diện, bao gồm nâng cao chất lượng con giống, cải tiến quy trình nuôi trồng và chế biến, cũng như xây dựng các thương hiệu mạnh để tăng cường giá trị gia tăng cho sản phẩm tôm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam trên thị trường toàn cầu.