Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với logistics xanh
Logistics xanh không chỉ là một xu hướng mới mà đang dần trở thành một yêu cầu phổ biến của nhiều thị trường và đối tác, đòi hỏi các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải thích ứng để phát triển. Đồng hành với quá trình đó là nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, ngành Logistics Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng từ 13 – 15%/năm. Logistics trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cùng với những diễn biến phức tạp trên thị trường toàn cầu, ngành Logistics đang đối mặt với những yêu cầu và thách thức mới, trong đó có xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành Logistics (logistic xanh).
Logistics xanh không chỉ còn là một xu hướng…
Trao đổi tại Tọa đàm với chủ đề “Thích ứng Logistics xanh – Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 9/9, bà Đặng Hồng Nhung – Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng: Chúng ta phải xác định logistics xanh giờ không còn là xu hướng, cũng không phải là sự lựa chọn của doanh nghiệp mà sẽ là yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp.
Lý giải về nhận định này, bà Nhung khẳng định: Logistics đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, logistics cũng lại là một ngành có lượng phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng rất cao. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts thì riêng hoạt động vận tải đã đóng góp đến 8% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Nếu cộng thêm kho bãi nữa thì con số này có thể lên đến 11%.
Do vậy, logistics là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi xanh.
Trong đó phải kể đến những áp lực mà doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định mới của các Chính phủ và các tổ chức quốc tế đối với chuyển đổi xanh trong việc hạn chế rác thải và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm.
Bên cạnh những áp lực về việc tuân thủ quy định của Chính phủ và các tổ chức quốc tế còn là áp lực từ khách hàng, đối tác. Bởi các nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… đều là những khách hàng ngày càng yêu cầu cao về các tiêu chí xanh áp dụng với toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm, bao gồm các chuỗi logistics. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2026 là một ví dụ điển hình.
Từ thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á cho biết: Yêu cầu bắt buộc của khách hàng về chuyển đổi xanh hay các dịch vụ xanh ngày càng gia tăng.
“Bây giờ khách hàng có những yêu cầu bắt buộc chúng tôi phải phục vụ họ trên nhu cầu chuyển đổi xanh hay các dịch vụ mang lại cũng phải xanh. Do vậy, ngoài câu chuyện tăng cường những dịch vụ lên, song song với chuyện cắt giảm chi phí, chúng tôi bắt buộc phải đầu tư để làm sao đáp ứng được những yêu cầu mới của khách hàng“, ông Mai Trần Thuật chia sẻ.
… Khó khăn lớn nhất là câu chuyện đầu tư
Song song với những yêu cầu của thị trường, khách hàng, ông Mai Trần Thuật cũng cho rằng, áp dụng logistics xanh, đáp ứng những nhu cầu xanh mang lại nhiều lợi ích, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Câu chuyện tính toán cắt giảm chi phí ở tất cả các khâu như: sử dụng vật liệu đóng gói tái sử dụng được; sử dụng năng lượng mặt trời từ hệ thống điện áp mái; chuyển đổi nhiên liệu xanh, sạch cho các loại phương tiện vận chuyển, số hóa quy trình hoạt động hay đơn giản nhất là tiết giảm chi phí in ấn, văn phòng phẩm… đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành…
Mặt khác, áp dụng logistics xanh sẽ giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Hơn nữa về lâu dài, việc áp dụng logistics xanh giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều loại chi phí đầu vào, qua đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông Thuật, khó khăn lớn nhất khi áp dụng logistics xanh là câu chuyện đầu tư. Để chuyển đổi từ quy trình hoạt động cũ sang mô hình logistics xanh đòi hỏi doanh nghiệp chủ động đầu tư những công nghệ mới như: hệ thống điện áp mái, các phương tiện vận chuyển hàng hóa hiện đại, sử dụng nhiên liệu sạch. Đi kèm đó là đầu tư về thời gian, chi phí, về đào tạo nhân sự để tiếp nhận và vận hành theo quy trình mới. Điều này đòi hỏi tất cả các khâu của doanh nghiệp, từ nhân viên kho, nhân viên xe tải, nhân viên điều phối… phải đáp ứng được những quy trình mới, những công nghệ mới…
Ông Thuật cho rằng, cần tăng cường trợ lực từ chính sách vĩ mô, đặc biệt khi đưa vào thực hiện, đặc biệt cần có chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào logistics xanh, đồng thời có sự đào tạo doanh nghiệp về logistics xanh…
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp khi áp dụng logistics xanh, TS. Trần Thị Thu Hương – Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại cho biết: Theo một khảo sát gần đây, có khoảng 66% doanh nghiệp logistics Việt Nam đã bắt đầu có mục tiêu xanh trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế thì thấy rằng mới chỉ là số ít.
“Ví dụ đối với áp dụng các tiêu chuẩn chẳng hạn, mới chỉ có khoảng hơn 33% doanh nghiệp có áp dụng tiêu chuẩn ISO 14.000. Điều này cho thấy từ chiến lược cho đến thực tế triển khai tại doanh nghiệp vẫn là một khoảng cách“, TS. Hương nhận định.
Trợ lực hiệu quả từ những chính sách, giải pháp
Theo bà Đặng Hồng Nhung, với nhiệm vụ được giao là cơ quan đầu mối trong phát triển logistics quốc gia, Bộ Công Thương đang tích cực đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương để ghi nhận và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ để có những chiến lược thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics gắn với logistics xanh và phát triển bền vững.
“Thực ra các chính sách về phát triển logistics xanh không phải bây giờ mới có mà đã được lồng ghép trong tất cả những định hướng chiến lược của Chính phủ Việt Nam từ rất lâu về trước nhưng từ Hội nghị COP26 đến nay chúng ta mới thấy nổi bật hơn và được quan tâm hơn“, bà Đặng Hồng Nhung chia sẻ.
Hiện tại Bộ Công Thương đang tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics quốc gia đến năm 2025, trong đó Bộ Công Thương thường xuyên đẩy mạnh các công tác xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong tận dụng các FTA và phát triển các mối quan hệ ngành hàng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với các Hiệp hội như Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA)… để tổ chức các lớp tập huấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Đối với chính sách ưu tiên cụ thể trong các lĩnh vực cụ thể của logistics hiện nay, bà Nhung cho biết, các dự án về xây dựng Trung tâm logistics đang thuộc danh mục ưu đãi đầu tư và được hưởng đầy đủ các ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn.
Ngoài ra, với đặc thù của doanh nghiệp logistics Việt Nam trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cũng được hưởng những ưu đãi theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Riêng đối với phát triển logistics xanh thì hiện nay các chính sách ưu đãi của Chính phủ đang tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi phương tiện như là anh Thuật vừa nói. Tức là chúng ta đang khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương tiện có lượng phát thải thấp và sử dụng chủ yếu hiện tại đang là phương tiện vận tải bằng điện. Cụ thể Chính phủ đã có chính sách rất nổi bật như: miễn lệ phí trước bạ trong ba năm đầu tiên cho xe tải điện vận hành bằng pin và giảm 50% lệ phí trước bạ trong hai năm tiếp theo.
Ngoài ra đối với các vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm tiết kiệm điện năng thì Bộ Công Thương cũng có những dự án hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi tiết kiệm điện năng. Hiện tại Bộ Công Thương đang thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao là xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035 và tầm nhìn đến 2045. Trong dự thảo chiến lược này, vấn đề phát triển logistics xanh cũng là một trong những quan điểm hàng đầu.
Theo kế hoạch, để thực hiện Chiến lược thì sau khi dự thảo Chiến lược được phê duyệt, ban hành dự kiến Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng Chiến lược phát triển xanh cho riêng dịch vụ logistics và trong đó sẽ tích hợp tất cả những vấn đề liên quan như sử dụng điện năng thân thiện môi trường cũng như kết hợp các vấn đề về chuyển đổi phương thức vận tải sao cho xanh hóa, tận dụng những phương thức vận tải tối ưu hơn…
Bên cạnh trợ lực từ những chính sách hỗ trợ, TS. Trần Thị Thu Hương cho rằng bản thân các doanh nghiệp logistics cần phải thay đổi từ nhận thức, tư duy cho đến hành động.
“Việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm đó là phải xây dựng chiến lược ứng phó với các rủi ro mang tính chất toàn cầu và trong đó phải có chiến lược liên quan đến phát triển xanh để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính“, TS. Hương nhấn mạnh.
Từ việc xác định các mục tiêu liên quan đến xanh trong chiến lược hoạt động kinh doanh mình, các doanh nghiệp logistics cần triển khai các biện pháp cụ thể để xanh hóa từng hoạt động như: dịch vụ kho, thay thế hệ thống nguồn điện năng từ nguyên liệu hóa thạch sang các nguồn điện năng thân thiện hơn với môi trường, chuyển đổi các trang thiết bị như xe nâng hạ trong kho hay xe tải vận chuyển hàng hóa thành các phương tiện sử dụng điện…
Đặc biệt, theo chuyên gia này, các doanh nghiệp cần quan tâm tranh thủ những chính sách hỗ trợ của nhà nước. Bộ Công Thương và các bộ, ban, ngành có liên quan đã đưa ra rất nhiều chính sách để khuyến khích phát triển xanh thì các doanh nghiệp cũng cần tranh thủ các chính sách này để khắc phục những hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất liên quan đến nguồn lực tài chính để có thể xanh hóa hoạt động của mình nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc bồi dưỡng và phát triển nhân lực, hình thành cho nhân lực những kỹ năng xanh để đáp ứng yêu cầu xanh hóa của doanh nghiệp. Một điểm nữa mà các doanh nghiệp logistics cũng cần phải lưu ý đó là kết hợp chuyển đổi xanh với chuyển đổi số (chuyển đổi kép) bởi chuyển đổi số là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.
Có thực hiện được những giải pháp như thế thì doanh nghiệp mới có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường và giảm chi phí cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời thực hiện mục tiêu xanh hóa, phát triển bền vững.