Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: 3 nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Công Thương trong thời gian tới
Biểu dương những kết quả, đóng góp quan trọng của ngành Công Thương vào thành tựu chung của đất nước từ đầu nhiệm kỳ, nhất là trong 8 tháng qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đề nghị ngành cần tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Chiều ngày 17/9, tại trụ sở Bộ Công Thương, đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương.
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài; đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Về phía các Bộ, ban, ngành có đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, cùng đại diện Lãnh đạo một số Tập đoàn, Tổng công ty.
“Kỳ tích” trong bối cảnh khó khăn
Thay mặt Lãnh đạo Bộ báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, 8 tháng đầu năm 2024 toàn ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước với một số kết quả nổi bật.
Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét, đạt mức tăng trưởng cao. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, là mức lũy kế cao nhất kể từ tháng 2/2024 đến nay. Ngành điện cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất. Thị trường trong nước tiếp tục xu hướng tăng dần từ đầu năm, đạt mức tăng trưởng khá cao (8,5%); mặt bằng giá cả cơ bản ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật trong 8 tháng đầu năm 2024 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 511 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu cao.
Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu được tập trung triển khai, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với việc mở rộng các thị trường mới; xuất khẩu sang hầu hết các thị trường tăng, nhất là xuất khẩu sang các đối tác thương mại lớn. Công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, chiến lược, chính sách được chú trọng triển khai trên nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành…
Có thể nói, đến hết tháng 8/2024, ngành Công Thương đang đi đúng hướng để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2024 (IIP cả năm 2024 tăng trưởng từ 7 – 8%; xuất khẩu tăng trưởng 6%; tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng trưởng 9%). Riêng các chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu và chỉ số IIP có thể vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua sẽ đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cao hơn nữa để đạt kết quả cả năm 2024.
Bên cạnh đó, dự báo trong thời gian tới công tác phát triển ngành Công Thương tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Nhiệm vụ đảm bảo đủ điện là thách thức lớn; sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện; hoạt động thương mại trong nước tăng trưởng khá nhưng hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều; hoạt động xuất khẩu đạt kết quả tích cực nhưng chịu tác động mạnh từ bất ổn trong chuỗi cung ứng…
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực và sự phối hợp nhịp nhàng của Bộ Công Thương với các Bộ, ngành trong thời gian qua. Là một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của nền kinh tế, chức năng, nhiệm vụ cũng rất lớn nhưng qua công tác phối hợp cho thấy Bộ Công Thương triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được Chính phủ giao, bao gồm cả về công tác xây dựng thể chế, công tác chuyển đổi số, ứng dụng kỹ thuật số trong hoạt động quản lý Nhà nước; công tác hội nhập kinh tế quốc tế…
Trong khi đó, bên cạnh việc thống nhất với báo cáo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện Lãnh đạo các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đề xuất, kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, quy định liên quan tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành Công Thương nói chung và Bộ Công Thương phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn, thách thức, trước hết là dịch Covid-19, sau dịch Covid-19 là sự đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng kinh tế thế giới, chiến tranh, cạnh tranh thương mại và những khó khăn khác của ngành…
Trong bối cảnh như thế nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ các bộ, ngành, địa phương, cùng với nỗ lực của ngành đã đạt được kết quả nổi bật.
“Có thể nói, đặt trong bối cảnh khó khăn như vậy và đạt kết quả như thế này là một kỳ tích“, Tư lệnh ngành Công Thương nhấn mạnh.
Nhận định phía trước còn rất nhiều khó khăn phức tạp, tình hình thế giới khó đoán định, công tác hội nhập ngày càng sâu rộng, với thách thức từ việc nội luật hóa luật pháp quốc tế hay hàng loạt những cam kết pháp lý phải thực hiện…, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ để ngành Công Thương hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp xứng đáng với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
3 nhiệm vụ trọng tâm ngành Công Thương cần tập trung thời gian tới
Phát biểu chỉ đạo và kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đánh giá rất cao Lãnh đạo Bộ Công Thương trong một thời gian ngắn đã tích cực chuẩn bị được một báo cáo cho thấy bức tranh khái quát nhưng rất toàn diện về công tác của ngành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương liên quan sâu sát, trực tiếp, toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh của đất nước, góp phần định hình chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như triển khai các chính sách về thương mại quốc tế và hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, trong 8 tháng đầu năm bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có rất nhiều khó khăn, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, kể cả về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh cho đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Đóng góp vào thành tích chung đó có vai trò quan trọng của ngành Công Thương.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhiệt liệt biểu dương những đóng góp của Bộ Công Thương và ngành Công Thương từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đặc biệt là trong 8 tháng qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tập trung thực hiện 3 vấn đề trọng tâm cần tập trung xử lý.
Thứ nhất, tiếp tục phải hoàn thiện thể chế để vừa tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; đồng thời kiến tạo cho phát triển, phải tiến hành cả hai mới mở đường cho phát triển; suy nghĩ thí điểm triển khai cái mới để mở rộng, tạo ra khung pháp lý cho phát triển trong tương lai.
Phó Thủ tướng đề nghị đồng chí Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo xây dựng thể chế, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý.
Thứ hai, tiếp tục cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
“Dù có khó khăn đến mấy thì ngành Công Thương vẫn luôn là chủ lực; những lĩnh vực như: điện lực, dầu khí, thương mại trong nước, thương mại ngoài nước,… rất thiết thực đến sự phục hồi và phát triển sản xuất“, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời lưu ý cần tập trung vào các nội dung: (i) Xây dựng các quy chế, quy định, nghị định để thúc đẩy phát triển, khuyến khích phát triển ngành điện, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, điện ngoài khơi…; (ii) Tiếp tục tập trung triển khai các quy hoạch ngành và quy hoạch quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho những dự án còn đang tồn đọng, vướng mắc như các dự án điện, dầu khí… để giải phóng được nguồn lực phục vụ cho phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; (iii) Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và tận dụng, khai thác thật tốt các FTA đã ký, song song đó tiếp tục đàm phán với các khu vực đối tác để mở những FTA mới…
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đánh giá rất cao và đề nghị ngành cần tiếp tục phát huy những kết quả tích cực trong thời gian qua của lĩnh vực thương mại hàng hóa trong nước, thương mại điện tử, nhất là Chương trình vận động, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác để mở rộng mạng lưới hàng hóa Việt Nam ra các siêu thị ở nước ngoài….
Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác chuyển đổi số, kinh tế số. Nhấn mạnh đây là một xu hướng lớn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để triển khai tốt Đề án 06. Đi kèm với chuyển đổi số, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát, cắt giảm các thủ tục theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, tinh thần là phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước; các cơ quan, đơn vị đề cao tinh thần phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo trong cải cách thủ tục hành chính.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo các Bộ, ngành và Lãnh đạo các Tập đoàn tham dự buổi làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị tiếp tục phát huy các cơ chế phối hợp đang được triển khai tốt giữa các cơ quan Bộ, ngành.
Bên cạnh đó, đối với những kiến nghị khác, Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ ghi nhận tất cả các ý kiến, tổng hợp cùng báo cáo của Bộ Công Thương để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trước hết trọng tâm tập trung giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông những dự án tồn đọng để phát triển và xây dựng những chính sách mới để mở đường cho phát triển không phải chỉ một, hai năm tới mà trong nhiều năm tới…