Các quốc gia được gì khi gia nhập BRICS?
Nhiều quốc gia đang bày tỏ mong muốn gia nhập khối BRICS nhằm mở rộng hợp tác kinh tế, đa dạng hóa thị trường và giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc phương Tây.
BRICS hiện có bao nhiêu thành viên?
BRICS là một khối kinh tế và chính trị bao gồm năm quốc gia: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Tên gọi BRICS được ghép từ chữ cái đầu của tên các nước thành viên.
Khái niệm ban đầu về BRICS được đề xuất vào năm 2001 bởi nhà kinh tế học Jim O’Neill của ngân hàng Goldman Sachs, người đã nhận ra tiềm năng phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi này. Ban đầu, khối BRICS chỉ bao gồm bốn quốc gia (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), và đến năm 2010, Nam Phi chính thức gia nhập, trở thành quốc gia thứ năm.
Vào tháng 1/2024, năm quốc gia bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chính thức gia nhập BRICS, mở rộng khối này lên 10 thành viên. Quyết định này được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ở Johannesburg, Nam Phi vào tháng 8/2023.
Sự mở rộng này là một bước tiến quan trọng nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế và địa chính trị. Các quốc gia mới gia nhập đều có vai trò quan trọng về kinh tế và chiến lược, đặc biệt là Saudi Arabia và Iran với vị thế lớn trong thị trường năng lượng toàn cầu. Điều này sẽ làm tăng khả năng hợp tác thương mại và tài chính trong khối, đồng thời tạo ra sự đối trọng mạnh mẽ hơn với các cường quốc phương Tây.
Trưa 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Liên bang Nga, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng.
Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị BRICS, cũng là chuyến công tác đầu tiên tới Liên bang Nga của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị mới.
Về quy mô kinh tế, BRICS quy tụ được nhiều nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển năng động.
Đến nay, BRICS đóng góp khoảng 37% GDP toàn cầu (tính theo sức mua tương đương), chiếm gần 50% dân số toàn cầu, 49% sản lượng lúa mỳ, 43% sản lượng dầu mỏ toàn cầu và 25% xuất khẩu hàng hóa của thế giới.
Trước khi diễn ra Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), vài tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai nói về khả năng một đồng tiền BRICS có thể cạnh tranh trên toàn cầu với đồng đô la Mỹ.
Một số báo cáo đã gợi ý rằng đồng tiền này sẽ được hỗ trợ một phần bởi vàng và các đồng tiền của các quốc gia thành viên BRICS.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước trong BRICS và có quan hệ với các nước BRICS, đã đẩy mạnh mua vàng qua các ngân hàng trung ương trong ba năm qua, The Jerusalem Post đưa tin ngày 21/10. Dữ liệu gần đây cho thấy các quốc gia BRICS hiện nắm giữ 20% dự trữ vàng toàn cầu.
Các quốc gia được gì nếu gia nhập BRICS?
Trong khu vực, nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đang xem xét hợp tác và gia nhập BRICS để tận dụng lợi thế mà khối này mang lại. Malaysia và Thái Lan đã bày tỏ mong muốn gia nhập, trong khi Myanmar thông báo muốn tham gia với tư cách quan sát viên.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi cho biết, nước này đang nghiên cứu các lợi ích khi gia nhập BRICS. Lào cũng từng thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập khối.
Hiện BRICS đang thu hút sự quan tâm từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Việc BRICS mở rộng sẽ gia tăng tầm ảnh hưởng toàn cầu của khối này, đồng thời tạo ra một sân chơi mới cho các nước đang tìm kiếm sự phát triển bền vững và quan hệ đối tác chiến lược.
Không chỉ vậy, bản thân các nước sau khi gia nhập BRICS cũng được hưởng rất nhiều quyền lợi và giá trị to lớn.
BRICS là một khối các nền kinh tế lớn đang phát triển với tiềm năng hợp tác kinh tế rộng lớn. Khi gia nhập BRICS, các quốc gia có cơ hội thúc đẩy thương mại giữa các nước thành viên mà không phụ thuộc quá nhiều vào các nền kinh tế phát triển như Mỹ và EU.
Đặc biệt, thành viên còn được tiếp cận nguồn tài chính từ Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS, vốn được thành lập để hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện điều kiện kinh tế xã hội của các thành viên.
Ngoài ra, các nước này còn được giảm rủi ro kinh tế khi không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào đồng đô la Mỹ trong các giao dịch thương mại, một mục tiêu mà BRICS đang theo đuổi thông qua các sáng kiến thanh toán bằng đồng nội tệ của các thành viên.
Tham gia BRICS còn giúp các quốc gia gia tăng tiếng nói trong các vấn đề toàn cầu và khu vực, tăng cường hợp tác chính trị và lợi thế khi đối thoại với các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và Ngân hàng Thế giới.
Không chỉ vậy, đối với nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, đây còn là cơ hội để khơi thông, gia tăng dòng vốn FDI từ các thành viên trong khối cũng như nhiều quốc gia bên ngoài nhờ vào tiềm năng kinh tế và sự ổn định chính trị mà BRICS tạo ra.