Đề xuất quy định mới về quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT).
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2021/NĐ-CP nhằm phù hợp với chủ trương và nội dung cơ cấu lại NHPT giai đoạn 2023-2027 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng thời xử lý các hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với NHPT thời gian qua.
Đề xuất quy định mới về vốn điều lệ đối với NHPT
Dự thảo bổ sung Điều 6a về “Bổ sung vốn điều lệ đối với NHPT” theo hướng:
NHPT được NSNN cấp bổ sung vốn điều lệ hằng năm để đạt tỷ lệ tăng trưởng vốn điều lệ bằng với tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng đầu tư của Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao khi đáp ứng đủ các điều kiện: Không có chênh lệch thu chi âm lũy kế tại thời điểm cuối năm liền kề trước năm xây dựng dự toán bổ sung vốn điều lệ; Kết quả xếp loại của NHPT trong năm liền kề trước năm xây dựng dự toán bổ sung vốn điều lệ đạt từ loại B trở lên.
Việc quy định NSNN cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHPT hằng năm như trên sẽ tạo điều kiện cho NHPT bổ sung thêm nguồn lực triển khai các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, giảm chi phí huy động vốn, từ đó giảm cấp bù chênh lệch lãi suất từ NSNN cấp và giảm lãi suất cho vay, nâng cao hiệu quả của chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước;
Ngoài nguồn NSNN nêu trên, NHPT được bổ sung vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ như quy định hiện hành. Định kỳ 03 năm, NHPT lập phương án bổ sung vốn điều lệ từ các quỹ trích lập sau chênh lệch thu chi (quỹ đầu tư phát triển và quỹ bổ sung vốn điều lệ) báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về một số cơ chế đặc thù trong giai đoạn cơ cấu lại
Về cơ chế tiền lương trong giai đoạn cơ cấu lại: Đối với tiền lương của người quản lý và Ban kiểm soát NHPT: Theo quy định hiện hành tại điểm b, khoản 2 Điều 40 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP, tiền lương của người quản lý và Ban kiểm soát trong giai đoạn cơ cấu lại được xác định theo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, trường hợp hoàn thành nhiệm vụ tối đa không vượt quá mức tiền lương quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 52/2016/NĐ-CP.
Theo đó, trong trường hợp hoàn thành nhiệm vụ, người quản lý và ban kiểm soát NHPT được hưởng mức lương tối đa bằng phụ lục II, không có hệ số tăng thêm. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 40 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP theo hướng quy định người quản lý và Ban kiểm soát NHPT được hưởng mức lương bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 52/2016/NĐ-CP và trong trường hợp kết quả tài chính trong năm đạt thặng dư thì được xem xét tiền lương tăng thêm theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng suất lao động.
Trích lập quỹ khen thưởng người lao động và quỹ thưởng người quản lý và Ban kiểm soát
Để có thêm nguồn lực khuyến khích, tạo động lực cho người lao động cũng như người quản lý NHPT trong giai đoạn cơ cấu lại (2023-2027), Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 40 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP cho phép trong giai đoạn tái cơ cấu 2023-2027, trường hợp kết quả tài chính trong năm của NHPT đạt thặng dư (chênh lệch thu chi dương), NHPT được trích 01 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng người lao động và quỹ thưởng người quản lý và Ban kiểm soát trước khi bù đắp khoản thâm hụt từ những năm trước;
Tổng mức trích bổ sung các quỹ khen thưởng và tổng quỹ tiền lương tăng thêm nêu trên không vượt quá 30% chênh lệch thu chi có lương trước khi điều chỉnh, mức trích lập cụ thể từng quỹ do Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển quyết định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.