tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Xã hội hóa chi phí sử dụng máy điều hòa phòng học phải dựa trên căn cứ rõ ràng

GD&TĐ – Sở GD&ĐT Đà Nẵng đề nghị các trường lấy ý kiến phụ huynh về việc hỗ trợ chi phí lắp đặt và sử dụng máy lạnh trong phòng học.

Từ nguồn xã hội hóa, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã phủ máy điều hòa ở tất cả phòng học. Ảnh: TG

Từ nguồn xã hội hóa, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã phủ máy điều hòa ở tất cả phòng học. Ảnh: TG

Chi phí mua máy điều hòa lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, dự kiến sẽ trang bị gần 5 nghìn máy với hơn 98 tỷ đồng.

Cải thiện điều kiện dạy – học

Sau 3 năm thực hiện xã hội hóa, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có khoảng 2/3 số phòng học được trang bị máy điều hòa không khí. Cũng từ nguồn tài trợ giáo dục, quận Hải Châu có 2 Trường THCS Tây Sơn và Trưng Vương phủ 100% máy điều hòa phòng học. Ngoài ra, nhiều trường tiểu học và mầm non có điều hòa không khí từ các nguồn tài trợ giáo dục hoặc ngân sách Nhà nước…

Thầy Nguyễn Hữu Phước – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết: Chủ trương trang bị máy điều hòa tại lớp học cho trường học toàn thành phố rất nhân văn và thiết thực, đặc biệt với trường vùng khó.

“Tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, toàn bộ dãy phòng học hướng Tây Nam buổi chiều nắng nóng như nung. Dù lắp đặt rèm chống nắng nhưng không cải thiện được tình hình. Trường nằm ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội tương đối khó khăn. Người dân chủ yếu sống bằng nghề biển và lao động phổ thông. Vì vậy, lâu nay, một số lớp, phụ huynh ủng hộ máy quạt hơi nước thì chúng tôi tiếp nhận chứ không thể xã hội hóa lắp đặt máy điều hòa”, thầy Phước thông tin.

Chị Thanh Thủy có con học tại Trường Tiểu học Hồng Quang (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Lúc đầu tôi đăng ký cho con học bán trú. Sau một tuần ngủ trưa ở trường cháu có biểu hiện mệt mỏi. Hỏi thì con bảo chỉ có quạt nên nóng quá, không ngủ được. Gia đình đành thu xếp công việc đưa đón cháu thêm 2 lượt/ngày. Thế nên khi nghe chủ trương thành phố trang bị máy điều hòa cho tất cả trường học, chúng tôi rất vui”.

Theo chị Thủy, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, một số phụ huynh đề xuất xã hội hóa để lắp đặt máy điều hòa nhưng không được ủng hộ. Một vài phụ huynh không thể hỗ trợ chi phí lắp 2 máy điều hòa nên lớp chỉ sử dụng quạt sẵn có để làm mát.

Chia sẻ về chủ trương thành phố trang bị máy điều hòa cho các lớp, chị Lê Thị Bích Luyến (trú tại phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) hy vọng trẻ không phải mướt mồ hôi ngồi học vào mùa Hè. Không khí lớp học mát mẻ thì tâm lý, khả năng tiếp thu bài tốt hơn. Phụ huynh sẽ chung tay cùng nhà trường đóng góp chi phí để vận hành, bảo dưỡng hệ thống máy điều hòa. Tuy nhiên, đóng góp thế nào cần được quy định cụ thể, rõ ràng và có căn cứ.

Dãy phòng học phía Tây của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) luôn trong tình trạng nóng bức về mùa Hè. Một số phụ huynh tặng quạt hơi nước cho lớp học để giảm bớt oi bức.

Sẻ chia nguồn lực

Trên cơ sở đề nghị của Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính xử lý kiến nghị về việc bổ sung máy điều hòa tại cơ sở giáo dục trên địa bàn. Sở GD&ĐT tổng hợp số lượng hơn 5 nghìn máy điều hòa, dự kiến kinh phí trên 98 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đề xuất từ ngân sách thành phố. Mỗi phòng học dự kiến lắp 2 máy điều hòa.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn gửi Sở GD&ĐT, trong đó nêu ý kiến việc đề xuất đầu tư bổ sung máy điều hòa sẽ dẫn đến phát sinh chi phí vận hành, tiền điện và bảo trì. Theo đó, đối với trường đề xuất kinh phí từ xã hội hóa phải tổ chức lấy ý kiến phụ huynh. Từ đó, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng triển khai các quận, huyện để ghi nhận thông tin.

Từ đề xuất của các trường học trên địa bàn sau khi tổng hợp ý kiến của phụ huynh, UBND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã đồng ý đề xuất nguồn kinh phí vận hành và trả tiền điện được trích kinh phí từ nguồn chi thường xuyên cho các trường công lập trên địa bàn.

Phòng GD&ĐT quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) yêu cầu các trường lấy ý kiến phụ huynh về việc xã hội hóa chi phí vận hành, bảo trì và tiền điện trong quá trình sử dụng. Đồng thời đề nghị nhà trường thực hiện đúng các bước, không vận động sai hay cào bằng.

Từ thực tế vận hành máy điều hòa tại Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), thầy Trần Ngọc Út – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường đang sử dụng kinh phí được cấp hằng năm để thanh toán tiền điện sử dụng điều hòa.

Nếu sử dụng kinh phí xã hội hóa đòi hỏi phải đi một hệ thống đường dây điện, công tơ riêng cho máy điều hòa ở các lớp học. Hóa đơn tiền điện phải chia làm 2, rồi phải xây dựng đề án… trong khi nhà trường không có căn cứ nào về định mức kinh tế – kỹ thuật để tính giá dịch vụ”. Vì vậy, với những tháng sử dụng điều hòa, tiền điện của Trường THCS Tây Sơn thường tăng gấp đôi, khoảng 30 triệu/tháng.

Với trường tiểu học và mầm non tại Đà Nẵng đã lắp đặt điều hòa, hiện tiền sử dụng điện được chi trả từ nguồn tiền phục vụ bán trú.

Ông Nguyễn Đức Tú Anh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho rằng, chủ trương dùng kinh phí ngân sách trang bị điều hòa cho các lớp học hợp lý và cần thực hiện sớm.

Theo ông Tú Anh, trung bình mỗi năm học sử dụng điều hòa khoảng 6 tháng. Riêng khoản chi phí tiền sử dụng điện, bảo trì, bảo dưỡng… phụ huynh có thể hỗ trợ, đóng góp, tùy thuộc vào số lượng học sinh từng trường, có thể xê dịch từ 50.000 – 100.000 đồng/năm học. Tuy nhiên, chủ trương là không cào bằng và trên tinh thần chia sẻ giữa các phụ huynh…

Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang sử dụng kinh phí từ ngân sách để chi trả tiền điện sử dụng điều hòa. Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng cho biết: “Nhà trường có quy định thời gian sử dụng điều hòa cho các lớp kèm theo chế tài xử phạt để học sinh có ý thức tiết kiệm điện. Như thời điểm tháng 5/2023 cao điểm nắng nóng, thời gian sử dụng điều hòa nhiều, tiền điện của nhà trường hết 40 triệu đồng. Vì vậy, nhà trường đang kiến nghị được cấp kinh phí sử dụng điện”.

Hà Nguyên

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích