tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Thanh Hóa: Bỏ chợ tiền tỷ, tiểu thương tràn ra đường buôn bán

GD&TĐ – Được đầu tư hơn 20 tỷ đồng, quy mô 1.000 chỗ ngồi, thế nhưng chợ Hà (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) chỉ ‘lèo tèo’ vài chục hàng quán.

Nhiều ki-ốt trong chợ bỏ không.

Được đầu tư hơn 20 tỷ đồng, quy mô 1.000 chỗ ngồi, thế nhưng chợ Hà (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) chỉ “lèo tèo” vài chục hàng quán. Trong khi đó, khắp các ngã ba, ngã tư của xã, tiểu thương tràn ra đường buôn bán.

Tiểu thương bỏ chợ, tràn ra đường buôn bán

Chợ Hà được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020 với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Chợ có quy mô khoảng 1.000 chỗ ngồi, nhiều dãy nhà được xây dựng kiên cố bằng bê tông, với những cột chịu lực cỡ lớn, được chia ô hàng theo nhóm ngành hàng như: Rau củ quả, hàng thịt, cá, quần áo, hàng ăn… Ngoài ra, còn có khu để xe cùng các công trình phụ trợ kèm theo. Tổng diện tích chợ lên tới hơn 10 nghìn mét vuông.

Trong năm đầu tiên, chợ Hà có hơn 500 tiểu thương đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, số tiểu thương bám trụ lại chợ ngày càng giảm dần. Đến nay, cả chợ chỉ còn lại chưa đến 20 tiểu thương kinh doanh. Điều đáng buồn là việc kinh doanh của số ít các tiểu thương trong chợ cũng rơi vào tình trạng ế ẩm.

Ghi nhận tại đây vào một buổi sáng cho thấy, hàng quán ở chợ chủ yếu là quần áo, một số ít hàng thực phẩm. Nhiều chủ hàng thẫn thờ ngồi chờ khách hoặc túm tụm buôn chuyện, tán gẫu cho qua ngày.

Hàng chục hộ thuê ki-ốt nhưng cũng bỏ chợ và nợ luôn tiền thuê vì buôn bán ế, số tiểu thương đang bán ở đây cũng cho biết chỉ cố “cầm cự” đến Tết Nguyên đán.

Bà Lường Thị Năm, một tiểu thương ở chợ Hà nói: “Lúc đầu, chỉ có một số người ra ngoài đường để bán nhưng dần dần họ cứ đua nhau bỏ chợ hết. Những người còn bám lại ở đây như chúng tôi rất thiệt thòi, chỉ bán được buổi sáng, còn buổi chiều hàng hóa ế ẩm vì chợ không còn người mua do nhiều tiểu thương tràn ra ngoài bán khách không việc gì phải vòng vào chợ cho xa nữa. Do chính quyền địa phương không quyết liệt dẹp chợ cóc nên mới xảy ra tình trạng tiểu thương kéo nhau ra ngoài bán”.

Trái ngược với sự vắng vẻ, đìu hiu của chợ Hà, tại các ngã ba, ngã tư, đặc biệt là tại thôn: Đông Tây Hải, Trung Hải, Đại Long, Quang Trung của xã Hoằng Thanh lại buôn bán tấp nập, thậm chí tiểu thương còn lập luôn ki-ốt bán ngay trên vỉa hè, lòng đường.

Đủ các loại hàng hóa từ rau xanh, thực phẩm tươi sống (thịt, cá, hải sản), thực phẩm chín, cho tới hoa quả được bày bán la liệt trên vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường khiến nhiều thời điểm gây ách tắc giao thông. Dù chính quyền địa phương cắm biển báo cấm họp chợ, cấm tụ tập buôn bán nhưng không có tác dụng.

Không chỉ lấn chiếm lòng lề đường, vấn đề môi trường ở đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là mùi hôi tanh từ chất thải, nước thải của những quầy hàng thực phẩm.

Tiểu thương tràn ra đường buôn bán khắp các ngã ba, ngã tư của xã Hoằng Thanh.

Dẹp chợ tạm như “bắt cóc bỏ đĩa”

Bà Thiều Thị Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty TNHH Thương mại Chợ Hà cho biết: “Ban đầu rất đông tiểu thương họp chợ, thế nhưng được một thời gian thì họ kéo nhau ra các ngã ba, ngã tư bán vì vừa không mất phí lại tiện người mua. Người này bán được thì người kia cũng theo ra ngoài. Công ty đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND xã Hoằng Thanh giải quyết nhưng không triệt để, dẹp ngày trước thì hôm sau dân lại tiếp tục tràn ra đường bán”.

Theo bà Ánh, hiện nay chợ chỉ thu phí vào buổi sáng, tiền thuê tháng 11 cũng miễn phí cho tiểu thương. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì có thể sẽ không thu tiền thuê nữa.

Ông Lê Hữu Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa) cho biết, địa phương nhiều lần ra quân xử lý, chấn chỉnh, dẹp bỏ các điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn xã, nhưng chỉ được một thời gian, mọi thứ “đâu lại vào đấy” vì khi không có lực lượng chức năng thì bà con lại kéo nhau ra buôn bán.

“Công nhân đi làm về đông, người ta tiện đâu mua đó thế nên càng bán được thì tiểu thương lại càng kéo nhau ra. Lúc đầu là hàng thịt, sau là hàng rau rồi hàng quần áo. Đây là vấn đề nan giải trong khi lực lượng chức năng mỏng, không đủ người.

Chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án ra quân xử lý, đặc biệt là các tháng cao điểm, cho lắp camera giám sát để xử lý hay phương án cấm cán bộ, đảng viên, giáo viên, nếu mua hàng mà bị phát hiện thì bị xử lý. Thế nhưng được một thời gian, lại đâu vào đấy”, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh, địa phương đã thành lập 7 tổ công tác ngay tại các thôn, sau khi ra quân sẽ giao cho các tổ giám sát để xử lý. Lần này, xã sẽ quyết tâm từ nay đến cuối tháng 11 sẽ xử lý dứt điểm.

Ngày 7/11, Sở Công Thương Thanh Hóa cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Hoằng Hóa đề nghị huyện này chỉ đạo phòng, ban, địa phương và đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và không để tái diễn trên địa bàn xã Hoằng Thanh. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, xử lý, xóa bỏ chợ và các tụ điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thùy

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích