Môi giới dùng chiêu lạ nhưng không độc: Bẫy tri ân, lừa khách đi mua đất
Thời gian gần đây, nhiều người liên tục nhận được những cuộc gọi từ số lạ mời tham gia sự kiện tri ân và được nhận voucher du lịch hoặc mua hàng Điện máy xanh miễn phí trị giá 30 triệu đồng. Tất cả đều mạo danh là ngân hàng, công ty du lịch hoặc là công ty địa ốc lớn… để dụ khách hàng tham gia sự kiện tri ân giả nhưng sự thật là lừa đi xem đất.
Mạo danh các đơn vị uy tín lừa khách hàng đi mua đất
Mới đây, anh T (Bình Dương) nhận được cuộc gọi từ số lạ. Sau khi trao đổi, anh được cho biết rằng công ty bất động sản có tổ chức tri ân khách hàng mời anh đến để nhận 1 cặp voucher du lịch trị giá 30 triệu đồng. Nhân viên đó còn nhiệt tình khi mà đã 21h vẫn gọi anh T cho bằng được để dặn: “Mai anh nhớ đến để nhận voucher trị giá 30 triệu nhé anh. Chỉ tới là nhận thôi ạ. Anh nhớ để ý điện thoại và đừng tắt chuông nhé!”.
6h sáng hôm sau, điện thoại của anh T đổ chuônng nhiều đợt. Cũng là người nhân viên đã liên hệ với anh hôm qua: “anh đi chưa ạ? Em sợ anh quên. Anh nhớ đi nhé để nhận cặp vé du lịch nhé anh.”
Anh T tới địa chỉ 12e đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM nhưng tại đây chỉ là quán cafe đồng thời không có sự kiện nào cả. Thay vào đó là anh được 2 nhân viên dẫn ra ngồi riêng 1 bàn và nói rằng đã liên lạc với giám đốc để thông báo cũng như kế toán đang trên đường qua quán cafe để trao cặp voucher. Đồng thời liên tục trò chuyện nhằm anh T buông lỏng cảnh giác.
Sau 1 giờ trò chuyện tại quán cafe, nhân viên này báo lại rằng xe của kế toán bị sự cố khi trên đường qua quán nên kế toán đã lên chỗ dự án rồi. Người này nói anh T lên dự án mới nhận được voucher. Sau đó mọi người lên xe taxi đi tới chỗ dự án ở Đồng Nai. Trên xe ngoài anh T còn có 1 người luống tuổi khác tự nhận mình là khách hàng cùng 4 nhân viên môi giới.
Gần 1 giờ trò chuyện trên xe, một người được giới thiệu là trưởng phòng bắt đầu nói rằng: có 2 người khách cũng của em nhưng ngoài tỉnh vào trễ và đang đi trên xe của đại lý. Xe của mình là xe chủ đầu tư. Họ vừa nói với em là sợ lên trễ bị người khác mua mất vị trí đẹp nên có nhờ em nói lại rằng nhờ khách trên xe mình giữ chỗ trước. Chỉ là giữ chỗ chứ không phải mua bán. Họ muốn mua 2 lô. Nếu anh giữ chỗ dùm mà không lấy thì về san nhượng lại cho họ họ sẽ trả thêm 30 triệu xem như là công mình đi. Nếu anh ưng và lấy luôn thì không cần phải san nhượng lại cho họ…
Càng tới gần chỗ “dự án” người trưởng phòng này ra sức thuyết phục khách hàng hãy xuống tiền giữ chỗ mặc dù chưa biết lô đất ấy ra làm sao.
Điểm đến của chuyến xe là một bãi đất trống. Tại đây có khá nhiều xe taxi khác đã đậu sẵn. Kế bên có căn nhà được kệ các bàn ghế để các khách hàng ký các giấy tờ gọi là giữ chỗ. Nhóm người trên xe liên tục theo sát anh T và thuyết phục đặt tiền giữ chỗ với số tiền 50 triệu đồng cùng lời cam kết rằng: ở đây đặt tiền giữ chỗ thôi chứ không phải là đặt cọc. Trong vòng 24h nếu không ưng thì sẽ hoàn trả lại 100%. Anh T hỏi lại: “…Vừa tới đây chưa biết thông tin gì thì làm sao mua và tên công ty là gì còn chưa biết…”” Thì được nhân viên trả lời: “…này không phải mua anh ạ. Này chỉ là giữ chỗ.”. Và vòng vo không nói rõ tên công ty là gì. Ngoài ra, vị khách luống tuổi đi cùng kia cũng nói: “..giữ chỗ đại đi có mất gì đâu. Về trả lại chứ mất đâu mà sợ…”. Sau khi anh T quyết không thực hiện bất kỳ giao dịch gì thì lập tức được đẩy lên xe về. Trước sau có mặt tại “dự án” chỉ chưa đầy 10 phút.
Trên đường về, anh T thử hỏi địa chỉ và tên công ty thì nhân viên trả lời lí nhí và ngắt quãng. Hỏi về 2 vé voucher thì được trả lời rằng sẽ gửi về địa chỉ nhà chứ không trao ở đây.
Tương tự, vợ chồng ông N.V.D (ngụ TP Thủ Đức) nhận được cuộc gọi mời đi nhận voucher du lịch Thái Lan miễn phí, nhưng khi lên xe lại bị chở thẳng về hướng Vũng Tàu để tham gia sự kiện mua đất. Giống như anh T, với lý do khách ở Hà Nội bị trễ chuyến bay, nhân viên công ty bất động sản đề nghị ông D đặt cọc thế chân lô đất, bán “lướt sóng” kiếm lời hàng trăm triệu khi khách Hà Nội vào. Tuy nhiên, nhận thấy “mùi” lừa khách đi mua đất, ông Duân đã từ chối và yêu cầu chở về lại TP.HCM.
Nhiều người sập bẫy, muốn chấm dứt hợp đồng phải đóng phạt!
Cụ thể, bà V (70 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết đã nhận được cuộc điện thoại xưng là nhân viên ngân hàng A (có trụ sở tại TP.HCM) mời đến dự buổi tri ân khách hàng. Vì có tài khoản tại ngân hàng này, bà V đồng ý tham gia. Khi đến điểm hẹn trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3), bà được các nhân viên niềm nở đón tiếp rồi được mời lên xe đến sự kiện cùng rất nhiều khách hàng luống tuổi khác.
Tại sự kiện, bà V được thông báo trúng thưởng 50 triệu đồng nhưng lại mời chào mua đất. Bà V đã chuyển khoản 10 triệu đồng, rồi chuyển tiếp thêm 190 triệu đồng vào tài khoản của Công ty CP Tập đoàn đầu tư P.T.C. (trụ sở trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận).
Gần một tháng sau, bà V mới được phía doanh nghiệp này gửi hợp đồng nguyên tắc về nhà với nội dung bà đã ký hợp đồng mua đất ở Đồng Nai với số tiền trên 2,5 tỉ đồng. Theo hợp đồng, bà V mua lô đất diện tích 80m² tại thửa đất số 985, tờ bản đồ số 85 (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) nhưng trên thực tế bà chỉ được đưa đến một bãi đất trống, không biết đó là thửa đất nào cũng như tình trạng pháp lý.
Vì không còn khả năng thanh toán và nghi ngờ mình bị lừa, bà V đã không đóng tiếp số tiền còn lại. Sau đó, doanh nghiệp này thông báo “có quyền thừa hưởng toàn bộ số tiền” mà bà V đã đóng, với lý do bà V “vi phạm tiến độ hợp đồng”.
Hay như chị N (TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhận được cuộc gọi từ số lạ. Vừa bắt máy, chị nghe đầu dây bên kia nói chị đã trúng voucher trị giá 30 triệu đồng của Điện Máy Xanh. Nhân viên xưng là nhân viên của Công ty Phú Mỹ Hưng mời chị tham dự buổi tri ân khách hàng.
Khi liên hệ công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (gọi tắt là Công ty Phú Mỹ Hưng) được công ty này khẳng định, những thông tin về việc tri ân khách hàng, tặng voucher Điện Máy Xanh hay Nguyễn Kim hoàn toàn không đúng, có dấu hiệu mạo danh thương hiệu Phú Mỹ Hưng để lừa dối, gây nhầm lẫn cho khách hàng, cư dân, cộng đồng.
Tương tự, đại diện Novaland, Phát Đạt… cũng cho rằng các thư mời khách hàng tham gia các sự kiện tri ân, bán hàng hay kêu gọi đầu tư… dưới danh nghĩa các doanh nghiệp này đều là giả mạo.
Theo các doanh nghiệp địa ốc, nhiều đơn vị đã sử dụng hình ảnh logo gần giống, trùng tên doanh nghiệp để bán đất nền khiến khách hàng liên tục hiểu nhầm, gọi vào hotline để hỏi. Thậm chí, có một số đơn vị không chỉ lấy trùng tên doanh nghiệp mà còn sử dụng cả hình ảnh cá nhân của HĐQT để đưa vào website quảng bá dự án, chỉ khác địa chỉ dự án.
“Kiểu mạo danh này thực sự quá tệ, phải có chế tài xử lý. Tùy theo mức độ vi phạm để xử phạt. Có thể bằng tiền hoặc rút giấy phép, cấm có thời hạn hoặc vĩnh viễn hành nghề môi giới nếu quảng cáo đăng thông tin sai sự thật”, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM nhấn mạnh.
Thực tế, chiêu trò “quảng cáo bất động sản một nơi, dắt khách một nẻo” hay giả mạo tên thương hiệu lớn đã từng rộ lên trên thị trường bất động sản. Đến nay, khi thị trường khó khăn, chiêu trò này lại có dấu hiệu bùng nổ và cách thức tinh vi hơn.
Trước đây, môi giới đa phần sử dụng chiêu bài là dùng “chim mồi” để câu khách. Sau khi dụ được đến điểm tập trung, môi giới sẽ thiệu một dự án mới và đưa khách đi tham quan. Trên chuyến xe và tại dự án, rất nhiều các chiêu trò chim mồi và hiệu ứng đám đông (có khách chốt cọc liên tục, khách mua gần hết lô đẹp), chiết khấu giảm giá chỉ trong ngày duy nhất, rút thăm trúng thưởng, áp lực tâm lý,… làm khách dễ rơi vào bẫy nhu cầu. Nghĩa là tự nhiên xuất hiện “nhu cầu muốn mua” mà chưa kịp tìm hiểu cặn kẽ, nhưng sau đó về nhà lại không hiểu tại sao mình lại quyết định như vậy.
Sau thời gian chiêu trò này bị phát hiện, tỉ lệ khách chịu lên xe đi tham dự án vơi dần, các môi giới tìm cách khác để dụ khách. Tình trạng sử dụng voucher của các thương hiệu bán lẻ lớn như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Chợ Lớn… xuất hiện thời gian gần đây cho thấy, chiêu trò “câu khách” của môi giới ngày càng tinh vi. Với giá trị lớn hàng chục triệu đồng, các voucher được thiết kế logo và thông tin y hệt các thương hiệu lớn đã đánh vào lòng tin của khách hàng.
Dẫu vậy, “rượu mới nhưng bình cũ”, chung quy mọi cách thức môi giới sử dụng đều nhằm đạt mục đích dụ được khách hàng lên xe tham quan dự án khác ở nơi xa, hẻo lánh. Đến ngày giờ hẹn, khi đến điểm tập trung sẽ có hơn một nửa khách bỏ về vì phát hiện ra quảng cáo sai sự thật (khi chiêu trò này mới xuất hiện, gần như trên 90% khách đều lên xe, càng ngày lượng khách lên xe càng giảm), nhưng vẫn còn số khách còn lại đã lỡ đến rồi thì thôi cũng lên xe đi cho biết. Số ít còn lại lên xe cũng được xem là “câu khách” thành công của môi giới.
Thông thường việc mạo danh này nhằm dụ khách hàng đến mua đất tại các dự án chưa đủ pháp lý, dự án “ma”, gây thiệt hại cho khách hàng. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu kỹ, liên hệ kiểm chứng thực tế tại các doanh nghiệp để tránh rơi vào bẫy của các doanh nghiệp bất lương.