Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Chung tay giải ‘bài toán’ khó
Sau hơn 4 năm Nghị định 100 đi vào cuộc sống, đặc biệt là các chiến dịch xử lý không có ‘vùng cấm’ đã kéo tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Sau hơn 4 năm Nghị định 100 đi vào cuộc sống, đặc biệt là các chiến dịch xử lý không có “vùng cấm” đã kéo tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí. Song, về lâu dài chính ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân mới là chìa khóa để giải “bài toán” khó “ma men” ra đường.
Quy định của luật cần tường minh
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang), hệ lụy của người tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn là rất lớn. Khoảng 50% các vụ tai nạn nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc người tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn.
Góp ý cho Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Thịnh nhấn mạnh quy định của luật cần tường minh để người dân dễ kiểm chứng, đánh giá việc mình có vi phạm hay không vi phạm. Việc lựa chọn quy định có ngưỡng hay không có ngưỡng giúp phương án cấm sẽ tường minh và dễ chấp hành.
Mặt khác, việc cho phép uống rượu ở mức nào đấy sẽ tạo ra không gian thúc đẩy hành vi vi phạm. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nước ta chưa cao nên quy định cấm sẽ phù hợp hơn.
Đại biểu Thịnh cũng cho biết, quy định trong dự thảo luật không phải là mới, mà đã được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Thời gian gần đây mới quyết liệt thực hiện, đã mang lại hiệu quả rất tốt.
Cũng trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cho rằng quy định cấm tuyệt đối lái xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn là rất cần thiết trong bối cảnh tình hình TNGT đang phức tạp. Tuy nhiên, các đại biểu đánh giá quy định tỉ lệ nồng độ cồn bằng 0 sẽ khó khả thi, nên đề ra ngưỡng hay tỷ lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe.
Về đề xuất nêu trên của các đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, Khoản 1 Điều 8 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.
Quy định này nhằm hạn chế TNGT, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
Cũng theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế.
Do đó, việc đề xuất nghiên cứu mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông cần phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi. Dự thảo luật đang đề xuất tỷ lệ nồng độ cồn bằng 0.
Về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, tại Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông có hành vi uống rượu, bia trước, trong khi lái xe.
Theo Trung tướng Nguyễn Minh Đức về nguyên tắc của pháp luật Việt Nam là thống nhất trong hệ thống pháp luật, luật ra sau phải trên cơ sở lấy nguồn của luật trước đó. Trên cơ sở của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đề xuất quy định này.
“Đây là đề xuất ban đầu, đang đưa ra Quốc hội thảo luận. Qua thảo luận, Quốc hội sẽ đánh giá, cho ý kiến đầy đủ, thấu đáo nhất…”, Trung tướng Nguyễn Minh Đức nêu và cho biết thêm nếu cần sẽ lấy ý kiến rộng rãi về nội dung này.
Xây dựng văn hóa uống rượu, bia… có trách nhiệm
Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định nghiêm cấm hoàn toàn đối với người điều khiển ô tô trong người có nồng độ cồn và chỉ cho phép một lượng rất nhỏ đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy.
Đặc biệt, Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nếu lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0. Mức phạt cao nhất đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 2 năm. Quy định là thế, song trên thực tế người vi phạm vẫn ở mức rất lớn.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), từ ngày 30/8/2023 đến 15/10/2023, các tổ công tác của Bộ Công an đã triển khai ở 58 địa phương. Qua đó phát hiện bàn giao cho công an địa phương 6.119 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Với sự quyết liệt trong xử lý vi phạm về nồng độ cồn, TNGT liên quan đến rượu, bia đã giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ và trước liền kề.
Riêng TPHCM, sau hơn 2 tuần triển khai (từ 24/11/2023 đến 12/12/2023), lực lượng CSGT đã tiến hành tổng kiểm soát 71.298 trường hợp, bao gồm 23.028 ô tô và 48.270 xe máy. Trong đó, lập biên bản 2.085 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gồm 60 ô tô và 2.024 xe máy.
Nhằm ngăn chặn và đẩy lùi TNGT, vi phạm trật tự giao thông dịp Tết Nguyên đán năm 2024, UBND TP Hà Nội giao Công an thành phố chỉ đạo lực lượng CSGT, công an quận, huyện, thị xã, công an xã, phường, thị trấn tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, dừng, đỗ trái phép…
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, việc xử lý chuyên đề về nồng độ cồn là liên tục, không có ngày nghỉ và không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Đặc biệt dịp nghỉ lễ, Tết, Đội CSGT số 6 huy động tối đa lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh xử lý, CSGT đẩy mạnh tuyên truyền đến người tham gia giao thông về Luật Giao thông đường bộ.
Sử dụng rượu, bia từ lâu đã trở thành thói quen để ngoại giao, giải trí. Nó còn là nét văn hóa của một số vùng miền nhất là dịp Tết đến Xuân về. Việc kinh doanh bia rượu cũng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tuy nhiên để uống bia rượu có “trách nhiệm”, an toàn cho bản thân và xã hội thì các phương án như: Người nhà đón, đi xe ôm, giao thông công cộng… để bảo đảm an toàn không chỉ cho mình, mà còn cho người tham gia giao thông khác.