Xuất hiện chiêu lừa bắt cóc ảo tống tiền
Bằng cách kết hợp công nghệ cao và kỹ thuật xã hội, kẻ lừa đảo dàn dựng vụ bắt cóc ảo và chiếm đoạt được số tiền 80.000 USD (khoảng hơn 1,9 tỷ đồng).
Kai Zhuang, du học sinh người Trung Quốc, được tìm thấy vẫn còn sống ở trong sa mạc Utah (Mỹ) sau khi được được báo cáo mất tích. bí ẩn. Trước đó, những kẻ lừa đảo ẩn danh dàn dựng vụ bắt cóc đã thuyết phục thiếu niên 17 tuổi này tự cô lập bản thân.
Thám tử liên lạc với nạn nhân bên trong lều thì thấy nạn nhân còn sống nhưng rất lạnh và sợ hãi sau vụ dàn dựng bắt cóc ảo. Ảnh: NDTV
Cảnh sát Mỹ gọi đây là một vụ án ‘bắt cóc trực tuyến’, trong đó những kẻ lừa đảo tống tiền gia đình nạn nhân bằng cách kết hợp giữa công nghệ và kỹ thuật xã hội để thuyết phục người thân của họ đã thực sự bị bắt cóc.
Theo BBC, trong trường hợp của Zhuang, kẻ bắt cóc đã gửi yêu cầu tiền chuộc và một bức ảnh (do chính Zhuang chụp) cho cha mẹ cậu ở Trung Quốc, đồng thời thông báo cậu đã bị bắt cóc, sau khi thiếu niên này tự cô lập mình trong rừng. Gia đình của Zhuang đã trả 80.000 USD (khoảng hơn 1,9 tỷ đồng) cho bọn tội phạm.
Vụ việc của Kai Zhuang không phải hiếm mà đây được xem là một xu hướng tội phạm mới.
“Với cách thức chúng thực hiện trong hầu hết trường hợp, điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Những tội ác này ngày càng nhắm mục tiêu cụ thể và đòi hỏi số tiền chuộc lớn hơn”, Joseph Steinberg, chuyên gia an ninh mạng từng tư vấn cho các doanh nghiệp và chính phủ, cho biết.
Ông Joseph Steinberg cho biết các vụ bắt cóc ảo thường diễn ra bằng cách tội phạm gọi điện hoặc nhắn tin lừa nạn nhân rằng người thân của họ đã bị bắt cóc, trong khi thực tế người đó vẫn an toàn.
Người bị lừa sẽ nghe thấy tiếng la hét giả qua điện thoại và tin rằng người thân của họ đang gặp nguy hiểm rồi sẵn sàng chi tiền chuộc.
Khi Kai Zhuang trở về, sự thực liên quan đến vụ việc được hé lộ. Những kẻ lừa đảo đã sử dụng các ‘kỹ thuật xã hội’ để đe dọa cậu sinh viên trẻ trong suốt khoảng 1 tháng, buộc cậu phải cắt đứt liên lạc với gia đình và tự nhốt mình ở địa điểm do chúng chỉ định.
Thông thường trước đây, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng giọng nói hoặc tạo ra các video, hình ảnh giả mạo (deepfake) để lừa nạn nhân. Nhưng trong vụ việc này, chúng đã tiến thêm một bước khi kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và ‘kỹ thuật xã hội’ để đe dọa, tống tiền.
“Công nghệ đã phát triển đến mức ngay cả những cha mẹ yêu thương con cái hết mực và hiểu rõ con mình cũng có thể bị lừa”, ông Joseph Steinberg nói.
Chuyên gia an ninh mạng Joseph Steinberg cũng lưu ý thêm mọi người cần duy trì cảnh giác cao, khi nhận được bất kỳ cuộc gọi hoặc tin nhắn khẩn cấp nào, hãy cố gắng liên lạc trực tiếp với người thân để xác nhận vị trí của họ. Các gia đình cũng nên xây dựng những từ khóa riêng chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp và đảm bảo kẻ xấu không thể biết được.