tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Nghĩ từ chuyện bác thợ xây uống rượu lái xe

Xử lý vi phạm không có ngoại lệ là điều đương nhiên phải làm, song để thay đổi được nhận thức, chắc chắn không chỉ có biện pháp xử phạt.

Công an xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vừa mời ông Nguyễn Văn Sử (50 tuổi, người địa phương) lên trụ sở viết bản kiểm điểm về việc điều khiển xe máy tham gia giao thông sau khi uống rượu bia, cam kết không tái phạm.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an Hà Tĩnh nhắc nhở người đàn ông điều khiển xe máy sau khi uống rượu.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an Hà Tĩnh nhắc nhở người đàn ông điều khiển xe máy sau khi uống rượu.

Công an xã cũng yêu cầu ông Sử ký cam kết không tái phạm và nhắc nhở, tuyên truyền cho người này nắm rõ hành vi vi phạm nồng độ cồn của mình.

Ông Sử chính là người vi phạm giao thông trong clip lan truyền trên mạng trước đó gây xôn xao cộng đồng.

Câu chuyện có thể tóm tắt thế này: Ông Sử làm nghề thợ xây hơn 10 năm nay, có vợ và 2 con, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hôm đó, ông đang xây dựng nhà ở cho một hộ dân cùng xã, sau khi hết ca làm việc, được chủ nhà mời ở lại ăn tối và uống rượu.

Sau đó, ông một mình điều khiển xe máy về nhà, tuy nhiên bị mất phương hướng nên lạc xuống thành phố Hà Tĩnh. Khi đi qua đường Hàm Nghi, ông bị tổ CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Lúc này, tại chốt có đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đang trực tiếp kiểm tra. Ông Sử trần tình rằng bản thân làm nghề thợ xây, nếu nộp số tiền phạt lớn quá thì không có. Đại tá Phong nhắc nhở ông Sử đã uống rượu thì không nên lái xe, đồng thời cho ông Sử gọi vợ đến đón về.

Chia sẻ với báo chí sau đó, đại tá Phong cho hay, xử lý vi phạm giao thông không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Tuy nhiên, trong bối cảnh mưa lạnh, người này đã lớn tuổi và sử dụng rượu bia nên dễ ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì thế, tổ công tác để họ về và giao lực lượng chức năng giải quyết vào hôm sau.

Nhiều người đánh giá cách xử lý của Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh thân thiện, gần gũi và nhân văn.

Có thể nói, ông Sử là người may mắn. Bởi nếu hôm đó không gặp tổ công tác, mọi chuyện chưa biết sẽ thế nào. Vì say rượu nên ông đã 3 lần đi lạc, trước khi bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra. Ai dám chắc sẽ không xảy ra tai nạn khi người thợ xây điều khiển xe trong tình trạng như thế?

Và với cách xử lý nhân văn của cảnh sát, ông Sử đã tránh được một khoản tiền phạt rất lớn so với tiền công thợ xây của mình.

Ông Sử may mắn là một chuyện, song như lời Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh nói, khi tham gia giao thông, ý thức của người dân là quan trọng nhất để tự bảo vệ bản thân. Còn cách xử lý vi phạm của lực lượng chức năng cũng chỉ là một phần.

Xử lý vi phạm không có ngoại lệ là điều đương nhiên phải làm, song để thay đổi được nhận thức, chắc chắn không chỉ có biện pháp xử phạt.

Vừa qua, lực lượng CSGT đã tổ chức ra quân cao điểm Tết 2024 và chỉ trong ngày đầu tiên đã xử lý 2.393 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Sau 4 ngày, con số này là hơn 9.000.

Rõ ràng, đến nay ai cũng đã biết mức phạt lỗi nồng độ cồn là rất nặng. Nhưng vì sao vẫn có nhiều người vi phạm đến vậy? Bên cạnh đa số người dân đã nhận thức được sự nguy hiểm của việc uống rượu bia lái xe, thì vẫn còn không ít người vì lý do này lý do khác mà bất chấp.

Vì vậy, bên cạnh việc lực lượng chức năng duy trì xử lý quyết liệt, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức là vô cùng quan trọng. Văn hóa, phong tục, thói quen rõ ràng không dễ từ bỏ được ngay, mà cần có quá trình.

Việc xử phạt tạo tính răn đe là rất cần thiết, song việc kiên trì tuyên truyền để thói quen “đã uống không lái” trở thành văn hóa của mỗi người cũng quan trọng không kém. Nếu ai cũng ý thức được điều đó, chắc chắn nhiều vụ tai nạn giao thông sẽ được ngăn ngừa ngay từ đầu.

Hà Anh Huy

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích