tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Đừng trả giá đắt vì trốn đo nồng độ cồn

Đã có quá nhiều vụ tấn công CSGT, cố tình chống đối người thi hành công vụ, trốn đo nồng độ cồn xảy ra, nhiều người đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, vì sao các vụ việc vẫn ngày càng gia tăng?

Sáng 22/1, Đội CSGT-TT Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã chuyển vụ việc tài xế ô tô con tông vào lực lượng CSGT-TT để thông chốt kiểm tra nồng độ cồn sang cho cơ quan điều tra thụ lý, điều tra vụ việc.

Tài xế xe Mazda không chấp hành hiệu lệnh khi CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, lùi ô tô rồi quay đầu tông xe vào tổ công tác (ảnh cắt từ clip).

Tối 21/1, khi làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn trên đường Trần Phú, tổ công tác thuộc đơn vị yêu cầu tài xế xe Mazda đi vào lề đường kiểm tra.

Tuy nhiên, tài xế không chấp hành hiệu lệnh, lùi ô tô rồi quay đầu. 6 CSGT đứng xung quanh xe ngăn cản, gõ vào kính yêu cầu tài xế dừng xe. Dù vậy, anh này vẫn đạp ga, tông ô tô vào thành viên tổ công tác khiến họ phải nhảy sang hai bên.

Sau khoảng một phút, tài xế đã lái ô tô thoát khỏi chốt đo nồng độ cồn, chạy ngược chiều. Thời điểm trên, làn đường bên phải có nhiều phương tiện qua lại, rất may mắn là đã không xảy ra tai nạn. Clip vụ việc sau đó lan truyền trên mạng, gây phẫn nộ dư luận về cách hành xử bất chấp pháp luật của tài xế.

Từ ngày 10/1 đến 9/3, cảnh sát giao thông cả nước tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm giao thông trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Tại Nghệ An, công an đã lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn ở nhiều huyện, thị xã, thành phố.

Ba ngày trước đó, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố Đặng Đình Vượng, nam sinh lớp 12, về hành vi chống người thi hành công vụ. Vượng bị cáo buộc lái xe máy vượt chốt tuần tra, tông một thiếu tá CSGT dập phổi.

Cũng mới tháng 12/2023, Công an huyện Hưng Nguyên, Nghệ An đã khởi tố Tô Bá Hoài Nam, 18 tuổi về tội cố ý gây thương tích. Nam đã lái xe máy vượt chốt đo nồng độ cồn, tông một thiếu tá CSGT gãy chân.

Theo thống kê, trong năm 2023, xảy ra 79 vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT, khiến 1 CSGT hy sinh, 44 cán bộ chiến sĩ bị thương.

So với năm 2022, số vụ chống người thi hành công vụ năm 2023 tăng 53 vụ (203%), là một con số thực sự đáng báo động.

Thực tế này thể hiện sự coi thường pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm ATGT, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của cán bộ, chiến sĩ khi thi hành công vụ.

Đáng nói, tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung, nhất là với CSGT ngày càng manh động hơn. Trước đây, người vi phạm thường xin xỏ để được bỏ qua, nếu không được sẽ quay ra khiêu khích, sau đó mới đến chống đối. Nhưng hiện nay, người vi phạm thường liều lĩnh tấn công thẳng lực lượng CSGT.

Đã có quá nhiều vụ tấn công CSGT, cố tình chống đối người thi hành công vụ, trốn đo nồng độ cồn xảy ra, nhiều người đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, vì sao các vụ việc vẫn ngày càng gia tăng?

Có thể hiểu, tâm lý người vi phạm thường nghĩ việc bị xử phạt là điều gì đó ghê gớm nên họ tìm đủ cách để đối phó. Tuy nhiên, chắc chắn với nhiều người, khi đã ngồi sau song sắt nhà tù, họ sẽ cảm thấy ân hận vì những phút giây bột phát đến thế nào.

Nếu chấp hành đo nồng độ cồn, chấp nhận việc bị xử phạt hành chính, họ đâu phải vướng vòng lao lý như bây giờ? Cái giá mà họ phải trả là quá đắt, nếu nhìn nhận nguyên nhân dẫn tới sự việc.

Hiện nay, các chế tài xử lý vi phạm giao thông đã tương đối nghiêm khắc, tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm để làm sao tạo được sự răn đe.

Theo quy định hiện tại, hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng – 3 năm. Việc xử lý như vậy có lẽ chưa khiến nhiều người biết sợ.

Bởi vậy mà ngoài việc xử lý nghiêm vi phạm, nghiên cứu tăng nặng chế tài, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho mọi người, để ai cũng hiểu không nên trả một cái giá quá đắt khi chỉ vi phạm giao thông thông thường.

ThS Đặng Anh Tuấn

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích