Tổng công ty Điện lực miền Bắc – Hành trình 54 năm thắp sáng niềm tin
Cách đây vừa tròn 54 năm, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), tiền thân là Công ty Điện lực trực thuộc Bộ Điện và Than được thành lập ngày 06/10/1969.
Kể từ ngày 06/10/2023 Công ty Điện lực (Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) ngày nay) đã chính thức ra đời, hoạt động với đầy đủ tư cách pháp nhân và là một trong những công ty quốc doanh lớn nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.
Việc chuyển từ một Cục quản lý nhà nước sang hình thái sản xuất kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế độc lập, đồng thời làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực điện năng (phía Bắc), là một bước chuyển hóa quan trọng về cơ chế, và có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Điện lực ở Việt Nam sau này.
Lịch sử hào hùng
Ngay từ những ngày đầu thành lập, trong bối cảnh nguồn điện và lưới điện cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc thế hệ cũ, lạc hậu, trình độ tự động hóa thấp, chủ yếu vận hành bằng phương pháp thủ công, hơn nữa lại bị ảnh hưởng do chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề.
Trước tình hình đó, Công ty đã tập trung huy động mọi nguồn lực, tận dụng khả năng, trí tuệ của tập thể cán bộ, công nhân viên, đồng thời tranh thủ thời gian đế quốc Mỹ “tạm ngừng ném bom miền Bắc”, Ban lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo khẩn trương khôi phục sản xuất, củng cố các mặt quản lý, sắp xếp lại tổ chức, chuẩn bị các điều kiện vật chất – kỹ thuật để vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa xây dựng và mở rộng công trình điện mới có công suất và sản lượng lớn hơn, hiện đại hơn, đáp ứng được nhu cầu trước mắt và chuẩn bị đón nhận những thời cơ, thách thức mới.
Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhiều nhà máy điện và các trạm biến áp đầu mối bị đánh phá ác liệt như nhà máy điện Vinh (Nghệ An), nhà máy điện Thượng Lý (Hải Phòng), nhà máy điện Uông Bí (Quảng Ninh), nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội), nhà máy điện Thác Bà (Yên Bái), nhà máy điện Hàm Rồng (Thanh Hóa)… qua hai đợt Mỹ đánh phá miền Bắc, các cơ sở của Công ty Điện lực phải đương đầu với 1.634 trận oanh kích của địch.
Nhà máy thủy điện Thác Bà bị ném bom năm 1972. (Ảnh tư liệu)
Tuy nhiên, bom đạn và những khó khăn không khuất phục được ý chí tinh thần cách mạng của những người thợ điện kiên cường bám trụ với tinh thần “vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu”, vừa tập trung mọi năng lực, công sức, trí tuệ để khôi phục các nhà máy điện bị tàn phá, củng cố hoàn thiện hệ thống lưới điện và tổ chức lại sản xuất, đảm bảo dòng điện vận hành liên tục.
Một thời kỳ hào hùng của Công ty Điện lực vừa đánh giặc vừa sản xuất đã góp phần ghi danh vào lịch sử đất nước và lịch sử ngành Điện cách mạng Việt Nam. Với tinh thần bất khuất “Trái tim người thợ điện còn đập thì dòng điện không bao giờ tắt” và lòng quả cảm “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, nhiều cán bộ, công nhân đã ngã xuống vì mục tiêu “Giữ vững dòng điện trong mọi tình huống”.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Công ty Điện lực vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, vừa san sẻ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công nhân lành nghề vào tiếp quản các cơ sở vật chất của ngành ở miền Nam.
CBCNV ngành điện khắc phục hậu quả chiến tranh. (Ảnh tư liệu)
Năm 1979, khi chiến tranh biên giới xảy ra, hệ thống điện tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt và hư hại nặng biên nề. Nhà máy điện Lạng Sơn và Lào Cai bị phá hoại hoàn toàn; lưới điện của các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng… hư hỏng nặng. Phát huy truyền thống anh dũng, bất khuất, tập thể CBCNV Công ty Điện lực đã kiên cường bám địa bàn duy trì dòng điện, với quyết tâm “Địch phá hỏng ta lập tức khôi phục”.
Chiến tranh qua đi, với nỗ lực của CBCNV EVNNPC, đến cuối năm 1980, tổng công suất nguồn đạt 590,4MW; các đường dây điện có cấp điện áp từ 3kV đến 110kV đạt hơn 9.286km; tổng dung lượng máy biến áp các loại đạt 2.560MVA đáp ứng công suất sử dụng cho công nghiệp Trung ương tăng hơn 1,6 lần và công nghiệp địa phương tăng hơn 1,4 lần, công suất sử dụng cho bơm thủy lợi tăng 1,2 lần so với năm 1976.
Lá cờ đầu đưa điện về nông thôn
Thực hiện chủ trương điện khí hóa nông thôn của Đảng và Nhà nước, Công ty Điện lực đã nỗ lực vượt khó để mở rộng địa bàn cấp điện và trong nhiều năm liền, EVNNPC luôn là đơn vị dẫn đầu toàn ngành về công tác điện nông thôn. Địa hình nông thôn miền núi phía Bắc trải rộng và phức tạp, phụ tải không tập trung, bán kính cấp điện lớn, đường dây trung, hạ áp rất dài nên suất đầu tư cho lưới điện ở vùng cao lên rất lớn…
Song EVNNPC xác định không lấy hiệu quả kinh tế làm đầu, mà lấy hiệu quả chính trị, xã hội làm trọng, nhờ đó đến nay 100% các xã (4.467 xã), 99,23% hộ dân nông thôn (7.995.041/8.057.061 hộ) trên địa bàn EVNNPC quản lý đã có điện lưới Quốc gia. EVNNPC cũng đã cấp điện cho 3/3 huyện đảo trên địa bàn gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và tiếp nhận để bán điện trực tiếp đến khách hàng trên địa bàn huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)…
Đưa điện về vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang
Các dự án cung cấp điện cho khu vực nông thôn đã làm thay đổi căn bản đời sống nông thôn của các tỉnh phía Bắc Việt Nam, các ngành y tế, giáo dục, phát thanh truyền hình có điều kiện mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ở nông thôn. Hệ thống cung cấp điện phục vụ cho thủy lợi đã góp phần chủ động về tưới, tiêu và giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp.
Trong hoạt động kinh tế khu vực nông thôn, nhờ có điện, khắp các địa phương đã phát triển thêm nhiều làng nghề thủ công, các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các ngành nghề dịch vụ tại chỗ,… góp phần tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, định canh định cư, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Tăng trưởng phục vụ phát triển
EVNNPC cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ khi luôn là đơn vị có tốc độ tăng điện thương phẩm và doanh thu cao nhất trong EVN, với mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân qua các năm trên 10%.
Giai đoạn 2018 – 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch Covid-19, song tổng sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC vẫn đạt 377.645 triệu kWh, tỷ lệ tăng bình quân là 8,61%, đáp ứng hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVNNPC giảm từ 5,1% xuống 4,1%, góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống điện, tiết kiệm tài nguyên nguồn lực xã hội.
Công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng tiếp tục chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu dịch vụ khách hàng đều đạt so với quy định; chỉ số tiếp cận điện năng của EVNNPC đã giảm từ 5,81 ngày năm 2018 xuống 3,76 ngày năm 2022, góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2021, năm 2022, EVNNPC liên tục được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings chứng nhận kết quả xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) ở mức “BB/Triển vọng Tích cực”, bằng với xếp hạng quốc gia của Việt Nam và công ty mẹ EVN, cao hơn mức xếp hạng tín nhiệm năm 2020 “BB/Triển vọng Ổn định”.
Mang đến giá trị tổng hòa cho xã hội
Trong những năm qua, EVNNPC đã đạt được rất nhiều thành tích thể hiện rõ mục tiêu của Tổng công ty. Đó là việc EVNNPC luôn đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực phía Bắc. Tổng mức sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty bán ra có đến 65% sản lượng điện là điện công nghiệp phục vụ cho phát triển công nghiệp. Những “đại bàng lớn” đều đã đổ bộ về miền Bắc như: Hòa Phát, Thành Công, các khu công nghiệp về xi măng, sắt thép, khai khoáng,… tạo nên sự phát triển mạnh cả về kinh tế và xã hội cho khu vực miền Bắc.
Ngoài ra, EVNNPC có lượng khách hàng ở nông thôn và miền núi rất đông đảo. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, số hộ dân nông thôn ở miền Bắc đã được hòa lưới điện quốc gia lên tới 7.995.041 hộ (hiện chỉ còn chưa đến 0.8% hộ dân ở 27 tỉnh miền Bắc ở những địa bàn cực kỳ khó khăn chưa thể kéo điện lưới quốc gia đến). Theo đánh giá của các tổ chức thế giới như World Bank (Ngân hàng Thế giới) hay ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) thì kết quả này nằm ở Top đầu của thế giới. Một loạt những quốc gia phát triển cũng không có được tỷ lệ này, do đó giá trị an sinh xã hội mà EVNNPC đem lại cho cộng đồng là rất lớn.
Hơn 2 năm toàn thế giới cũng như Việt Nam phải vật lộn với dịch Covid-19, EVNNPC cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong phòng chống dịch. EVNNPC đã san san sẻ gánh nặng với cộng đồng thông qua những chương trình an sinh xã hội, thiết thực nhất đó là thực hiện giảm giá điện cho toàn thể người dân trên toàn quốc, miễn toàn bộ chi phí cung cấp điện cho những cơ sở khám chữa trị bệnh Covid- 19.
EVNNPC cũng có nhiều đóng góp cho quỹ vaccine, quỹ phòng – chống Covid- 19, cho chương trình nuôi dạy những em nhỏ bị mất bố/mẹ trong đại dịch,… Tổng số tiền được EVNNPC ủng hộ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, trước xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ đang diễn ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới, CBCNV EVNNPC phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới và áp dụng nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Tổng công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực, để sớm đưa EVNNPC trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025…
Có thể nói, vượt lên tất cả, điều mà EVNNPC đã làm được trong 54 năm qua đó là chuyển đổi thành công từ một hệ thống công ty kinh doanh theo kiểu bao cấp thành những đơn vị tự chủ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời xây dựng hệ thống hạ tầng lưới điện đồng bộ với nhiều trang thiết bị tiên tiến, hiện đại từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo; đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các ngành, doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của nhân dân.
EVNNPC đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.