Đề xuất hạn chế tốc độ tối đa với xe máy chở trẻ em
Một số chuyên gia đề xuất, cần phải quy định hạn chế tốc độ tối đa đối với xe máy chở trẻ em để bảo đảm an toàn.
Trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông chỉ đứng sau nguyên nhân đuối nước
Ngày 2/2, tại buổi tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông góp phần bảo vệ trẻ em” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, hiện nay, trẻ em khi tham gia giao thông phải đối diện với những nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe.
Một là nhóm tự đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, dung tích dưới 50cc. Nhóm này đối mặt rủi ro rất lớn. Bởi lẽ, vì là trẻ em nên kiến thức còn hạn chế, kỹ năng chưa thể thuần thục.
“Xe máy điện có tốc độ tối đa lên tới trên 40km/giờ, lưu thông độc lập trên dòng giao thông hỗn hợp. Trước đây, Đại học Việt Đức nghiên cứu cho thấy, trên 90% tai nạn ở trẻ em rơi vào nhóm tự đi”, ông Minh cho biết.
Nhóm thứ hai là được người lớn chở đi. Song, nếu không đủ trang thiết bị hoặc quy tắc giao thông thì nhóm này cũng có rủi ro. “Do đó, cơ quan quản lý cần quan tâm tới vấn đề này”, ông Minh đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì cho biết, tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích với trẻ em hàng đầu là đuối nước, thứ hai là tai nạn giao thông.
“Hiện nay, trong dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ đã có quy định chặt chẽ hơn. Song, nhiều nội dung cần tiếp tục cải thiện.
Trẻ em khi bị thương tích do tai nạn giao thông ảnh hưởng không chỉ về thể chất mà cả tinh thần, ảnh hưởng lớn đến trẻ em trong thời gian dài. Do đó, việc phòng ngừa tai nạn cho trẻ em là rất quan trọng”, bà Thoa nói.
PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải cho rằng, những năm qua, Ủy ban ATGT Quốc gia rất tích cực trong việc bảo đảm ATGT, đặc biệt là ATGT cho trẻ em.
“Tuy nhiên, bên cạnh trẻ em hạn chế kiến thức, kỹ năng, thì vẫn có một bộ phận người lớn khi chở trẻ em chưa thực sự tuân thủ quy định”, ông Khiêm nhận định.
Theo ông Khiêm, có nhiều yếu tố chính gây mất ATGT cho trẻ em. Một là, hiểu biết của trẻ em về ATGT chưa nhiều nên chưa tuân thủ đúng, còn vi phạm giao thông, như đi dàn hàng ngang, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ…
Hai là, có một bộ phận người lớn bất cẩn, như cho trẻ em đứng phía trước yên xe, không đội mũ bảo hiểm cho trẻ.
Ba là, hạ tầng bất cập khi chưa có đường dành riêng cho xe đạp.
“Vai trò của người lớn vẫn là chính. Vì thế, dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ có đề cập đến việc bảo đảm ATGT cho trẻ em là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa”, PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm nói.
Quy định trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước ô tô là cần thiết
Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ quy định trẻ em không ngồi ở ghế hàng đầu; trẻ em trên ô tô phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp là rất cần thiết.
“Vị trí ghế trước, ngoài tác động của túi khí khi có va chạm, thì rủi ro người ngồi gần ghế lái gấp 4-5 lần so với ghế sau, nên cần dành vị trí ghế sau cho trẻ em. Quy định trẻ em không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe khi đi xe dưới 10 chỗ là cần thiết”, ông Minh nói.
Về nội dung trẻ em ngồi trên xe máy, ông Minh cho biết, nhiều quốc gia cấm trẻ em dưới 12 tuổi ngồi trên xe máy.
“Song ở Việt Nam thì không thể, do đó cần có thiết kế về mũ bảo hiểm, phương tiện như đai trên xe máy cho an toàn. Hiện, quy chuẩn về mũ bảo hiểm cũng chưa có thiết kế riêng cho trẻ em. Quy tắc tốc độ ở Indonesia quy định xe máy chạy không quá 20km/giờ khi chở trẻ em. Nếu chúng ta có quy tắc cụ thể thì sẽ tốt hơn”, ông Minh đề xuất.
PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế Công cộng cũng cho rằng, dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ nội dung rất tiên tiến, tiệm cận nhiều điểm mới được các nước phát triển đang áp dụng.
“Trong đó, có quy định về thiết bị an toàn trên ô tô là rất cần thiết. Nhiều năm qua, tỷ lệ ô tô ở Việt Nam tăng 10-15%/năm, số người tham gia giao thông hay gia đình trẻ đi xa chở con trên ô tô nhiều, và việc phát triển hạ tầng cao tốc cũng sẽ thúc đẩy ô tô ngày càng phát triển. Khi đó, nguy cơ tai nạn giao thông sẽ tăng. Song, chưa có quy định bảo vệ trẻ em trên ô tô”, ông Cường nêu thực trạng.
Ông Cường nhìn nhận, dự thảo luật quy định phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em 12 tuổi cao 1m50 là rất tốt, đón đầu xu hướng phát triển.
Ông Cường cũng cho biết, ở nhiều nước cấm cho trẻ dưới 3 tuổi ngồi trên xe máy. Để bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhiều cha mẹ dùng đai hoặc ghế, nhưng đây chỉ là hành vi tự phát chứ chưa có quy định. Ấn Độ quy định trẻ dưới 4 tuổi buộc phải sử dụng đai an toàn hoặc người chở xe máy không được đi quá bao nhiêu km/h.
“Hiện số lượng xe máy hơn 60 triệu chiếc, 10-20 năm nữa có thể vẫn còn tỷ lệ lớn. Do đó, cần phải bổ sung quy định bảo đảm an toàn cho trẻ em khi đi xe máy”, ông Cường nói.
Đề xuất đã lái xe cơ giới là phải có giấy phép lái xe
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa cho hay, cần tích hợp hơn nữa kiến thức về bảo đảm ATGT đưa vào chương trình chính khóa của từng cấp học.
Nhất trí với các chuyên gia đã phát biểu, bà Thoa cho rằng, dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ cần tiếp tục bổ sung một số nội dung để bảo đảm tốt hơn nữa sự an toàn cho trẻ em.
Thời gian tới, xe đạp, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu ở nông thôn, miền núi và các đô thị ở tỉnh. Vì thế, cần bổ sung các quy tắc bảo đảm an toàn như tốc độ tối đa với xe máy chở trẻ em, đai chuyên dụng hoặc ghế ngồi cho trẻ em phải có hướng dẫn, quy chuẩn kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước, có căn cứ khoa học xác thực để nhà sản xuất thực hiện và nhà quản lý có cơ sở để quản lý chất lượng.
Ngoài ra, bà Thoa đề nghị, nên bổ sung quy định bắt buộc là trẻ em đi xe đạp phải đội mũ bảo hiểm.
Theo đó, trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 vừa qua, nhiều đại biểu đề cập việc cấp giấy phép lái xe cho các đối tượng sử dụng xe máy dưới 50 phân khối.
Quy định hiện hành điều khiển xe máy dưới 50 phân khối không cần có bằng lái xe, trong khi trẻ em 16-18 tuổi chưa được giáo dục đầy đủ về pháp luật trật tự ATGT, chưa rèn luyện kỹ năng lái xe an toàn. Đây chính là nguy cơ gây tai nạn.
“Do đó, tôi mong muốn dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ cần có quy định, tất cả người sử dụng xe cơ giới phải có giấy phép lái xe”, bà Thoa nói.