Những lưu ý về căn cước điện tử cho người dưới 14 tuổi
Người đại diện, người giám hộ phải đưa công dân dưới 14 tuổi đến cơ quan công an, sử dụng số điện thoại di động chính chủ để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho người dưới 14 tuổi.
Trong dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7, Bộ Công an đề xuất công dân Việt Nam được cấp tài khoản định danh mức độ 1, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (tức là căn cước điện tử).
Đáng chú ý, công dân Việt Nam nếu là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ, người được đại diện, thì đăng ký cấp căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử mức độ 1 theo người đại diện hoặc người giám hộ đó.
Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của công dân Việt Nam sẽ gồm thông tin về danh tính điện tử (số định danh, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, thông tin sinh trắc học) của người đó (trừ thông tin về vân tay).
Riêng đối với công dân dưới 6 tuổi, Bộ Công an đã ban hành mẫu thẻ căn cước dành cho nhóm này. Khác với thẻ căn cước thông thường cho người trên 6 tuổi, loại thẻ này không có ảnh chân dung.
Về quy trình cấp căn cước điện tử cho người dưới 14 tuổi, Bộ Công an đề xuất lứa tuổi này sẽ được người đại diện, người giám hộ làm thủ tục thông qua căn cước điện tử, số điện thoại di động của người đại diện, người giám hộ đó.
Cụ thể, khi cần làm thủ tục, người đại diện, người giám hộ (đã có căn cước điện tử) sẽ phải đưa công dân dưới 14 tuổi đến cơ quan công an và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho người chưa đủ 14 tuổi đó.
Điều kiện để công dân dưới 14 tuổi được cấp căn cước, theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước công dân và Điều 18 Nghị định 137/2015/NĐ-CP như sau: Người đó đã có đăng ký thường trú; Có thông tin về ngày, tháng, năm sinh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Đã đăng ký khai sinh.
Ngoài căn cước điện tử, công dân dưới 14 tuổi còn được đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1 thông qua người đại diện, người giám hộ.
Cũng theo đề xuất của Bộ Công an, người chưa đủ 14 tuổi khi sử dụng căn cước điện tử để giao dịch hành chính, thì phải được xác nhận của người đại diện, người giám hộ thông qua ứng dụng VNeID.
Trong khi đó, người đại diện, người giám hộ có thể sử dụng căn cước điện tử của người chưa đủ 14 tuổi để thực hiện các giao dịch và hoạt động khác phục vụ quyền và lợi ích của người dưới 14 này.