tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Cao tốc 2 làn xe đi qua, địa phương được gì?

Dù chưa thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe nhưng những tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư sau khi đưa vào khai thác đã thực sự tạo ra xung lực lớn cho địa phương. Ở khúc ruột miền Trung, nhiều người vẫn chưa tin nổi cao tốc đã về sát nhà…

Cao tốc Cam Lộ – La Sơn

Giảm tải cho QL1, dân hồ hởi vì cao tốc đã “về” gần nhà

Quay trở lại Hà Nội làm việc sau kỳ nghỉ Tết, điều khiến anh Lê Văn Tuấn (Như Xuân, Thanh Hóa) vui nhất là cao tốc giờ đã chạy về sát nhà, sát khu du lịch Bến En. Cả Tết gia đình đoàn viên quây quần chỉ bàn tính kế hoạch làm tìm thuê, mua đất để làm homestay. Trong nhà còn mấy người anh lấy vợ ở Quảng Bình, năm nay có cao tốc, tất cả đều đi xe riêng đưa vợ con về thăm bố mẹ. Ai nấy đều nói không ngờ cái ngày cao tốc chạy về gần nhà đến sớm vậy, mở ra bao kế hoạch làm ăn.

Còn ở TP Huế, mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Út đều đặn lái xe tải trên cao tốc Cam Lộ đến các các xã miền núi thu mua keo chở về KCN Phú Bài cấp cho nhà máy Công ty CP Năng lượng sinh học Huế.

Theo anh Út, khi có cao tốc Cam Lộ – La Sơn, việc vận chuyển hàng hóa đến các địa phương miền núi Quảng Trị, Huế thuận lợi hơn, nguồn hàng phong phú.

“Trước đây, nếu từ Phú Bài đi QL1 ra Cam Lộ mất hai tiếng đồng hồ, thì nay với cao tốc tôi bớt được 30 phút, đi sướng hơn nhiều”, anh Út nói.

Cũng nhờ có cao tốc, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh. Anh Nguyễn Lê Hải Sơn, Phó giám đốc Công ty CP Năng lượng sinh học Huế cho hay, mỗi tháng công ty cần 18.000 tấn keo. Vùng nguyên liệu ở Huế hạn chế, nên phải tìm mua xa hơn. Từ ngày có cao tốc, nguồn hàng ổn định, chi phí vận tải giảm. Đến giữa năm 2024, đơn vị mở rộng nhà máy để nâng công suất từ 9.500 tấn lên 15.000 tấn/tháng.

Tương tự, Giám đốc Công ty du lịch Việt Hà Nguyễn Văn Hà cho rằng có cao tốc từ Quảng Trị đi Huế, Đà Nẵng và ngược lại thuận lợi hơn nhiều, công ty nhờ thế cũng ăn nên làm ra. Hơn một năm qua, đi cao tốc chưa mất phí nên bà con càng hồ hởi.

Cao tốc Cam Lộ-La Sơn tạo trục lưu thông mới, kết nối thẳng vào tuyến đường La Sơn- Hòa Liên, tạo trục liên hoàn nối Quảng Trị vào Đà Nẵng, kết nối hàng loạt KCN trên địa bàn: Cam Lộ, Phú Bài, khu công nghệ cao Đà Nẵng, chia sẻ giảm tải lượng xe cho QL1.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) Trần Hoài Linh cho biết, cao tốc đi qua, cửa hàng, dịch vụ sầm uất hơn hẳn. Huyện đã quy hoạch khu dịch vụ kho bãi, thương mại, dịch vụ kết hợp dừng nghỉ, ăn uống và công nghiệp, sân golf gần tuyến cao tốc này.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Thông cao tốc, Lào Cai lấp đầy khu kinh tế

Là tuyến giao thông huyết mạch kết nối 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai và Yên Bái, cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã góp phần quan trọng trong tạo bước đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) các tỉnh khu vực Tây Bắc.

Tuyến đường đã rút ngắn thời gian lưu thông đến các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang hơn một nửa so với trước đó (từ 7 giờ còn 3,5 giờ), tiết kiệm khoảng 30% phí vận tải, tổng tiết kiệm cho xã hội khoảng 1.800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vui mừng chia sẻ, nhờ cao tốc thông suốt từ Nội Bài tới Lào Cai, các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh đã được “lấp đầy”. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng từ 3.500 tỷ đồng (năm 2013) lên 9.399 tỷ đồng tỷ đồng năm 2023 và đạt 9.498 tỷ đồng vào năm 2024.

Đây cũng là cơ sở để Lào Cai xây dựng chiến lược đến năm 2030 trở thành đầu mối logistics trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh gắn với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải.

Trên tuyến cao tốc này còn đoạn Yên Bái – Lào Cai dài 83 km mới chỉ có 2 làn xe không có dải phân cách cứng tốc độ tối đa chỉ có 80km/h. Sau 8 năm thông tuyến cao tốc, giờ lưu lượng xe đã tăng cao, tỉnh rất mong đoạn này được nâng cấp lên 4 làn xe”, ông Hài nói.

Cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình

Vận tải dễ dàng hơn, doanh nghiệp “ăn nên làm ra”

Là doanh nghiệp hưởng lợi từ cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hòa Bình – Bến xe khách Bình An cho biết: “Từ khi có cao tốc, công ty đã tăng thêm xe, thêm chuyến. Công ty hiện có 30 xe chạy tuyến Hòa Bình – Hà Nội và ngược lại. Thời gian 1 chuyến xe giảm từ 2 giờ 30 phút (đi QL6) xuống còn 1 giờ 45 phút”.

Lãnh đạo Công ty CP Cảng Chân Mây (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) thì khẳng định cao tốc hai làn xe tuy còn hạn chế về làn đường nhưng đã mở đường lưu thông hàng hóa, phát triển KT-XH cho địa phương. Dù cảng không nằm trực tiếp trên 2 tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Hòa Liên nhưng việc phân lưu giảm tải cho QL1 khiến hàng qua cảng thuận lợi hơn.

Sản lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây năm 2023 đạt gần 4 triệu tấn, tăng 14%. Tháng 1/2024, sản lượng tăng tiếp 9% so với cùng kỳ năm 2023. “Có cao tốc qua Huế, đương nhiên việc lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, tàu bớt thời gian đợi hàng tại cảng, chủ tàu, chủ hàng đều vui”, ông Lê Chí Phai, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chân Mây nói.

Nhìn nhận về hiệu quả cao tốc Nội Bài – Lào Cai, ông Nguyễn Quốc Huy, giám đốc Sở GTVT Lào Cai cho hay, nhờ cao tốc, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách đã tăng vọt. Trung bình năm 2014 đạt 8.000 lượt xe/ngày đêm, đến năm 2023 đạt 33.000 lượt xe/ngày đêm. Cao tốc mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, du lịch và thu hút đầu tư của các địa phương khu vực Tây Bắc, giảm áp lực giao thông và giảm 85% số vụ tai nạn. Đặc biệt, giảm tới 95% số vụ tai nạn dẫn đến tử vong trên các tỉnh lộ và quốc lộ lân cận đường cao tốc.

“Gánh” xe cho quốc lộ, giảm tai nạn giao thông

Cũng giống Lào Cai, lãnh đạo Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đều ghi nhận các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư không chỉ giúp các địa phương phát triển kinh tế mà còn góp phần rất lớn kéo giảm tai nạn giao thông.

Là địa phương có cao tốc Cam Lộ-La Sơn chạy qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Trị cho hay, TP Đông Hà chưa có đường tránh, lâu nay xe tải nặng phải lưu thông vào phố, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, mất ATGT. Tình trạng này chấm dứt khi cao tốc Cam Lộ đưa vào khai thác.

Còn tại Thừa Thiên – Huế, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh, cao tốc Cam Lộ – La Sơn được phân kỳ đầu tư với quy mô 2 làn xe, mặc dù còn những hạn chế nhưng ngay sau khi khánh thành đã giảm tải cho QL1 từ 30-40% về cả lưu lượng và số vụ TNGT.

Theo Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên – Huế, tính cả năm 2023, trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn qua Huế xảy ra 7 vụ TNGT, làm chết 2 người, bị thương 5 người. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông. Sau gần 2 năm khai thác cao tốc, ngày 18/2 vừa qua đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 mẹ con tử vong. Cơ quan điều tra bước đầu xác định nguyên nhân chính do người điều khiển xe ô tô BKS 36A-485.67 vi phạm quy tắc giao thông.

Tại Hòa Bình, Thượng tá Nguyễn Quang Huy – Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, khi chưa có đường Hòa Lạc – Hòa Bình, chỉ đi theo Quốc lộ 6 mới về được Hà Nội. Tuyến đường này xuống cấp, mặt đường hẹp không đảm bảo khi mật độ xe cao, dân rất bức xúc. Từ khi có cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn rất nhiều. Dù cao tốc còn nhỏ hẹp nhưng thời gian đi lên thủ đô nhanh hơn, tai nạn trên QL6 cũng ít hơn.

Một lãnh đạo tỉnh này đánh giá, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, tuyến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình là cầu nối quan trọng của tỉnh và của cả khu vực. “Phải nói, có đường mới, quá tải trên QL6 giảm hẳn mà diện mạo đô thị trên tuyến cũng thay đổi rõ rệt”, vị này chia sẻ.

Chỉ sau gần 5 năm chúng ta đã có thêm hơn 729km, nâng tổng số đường cao tốc được đưa vào khai thác lên tới 1.892km. Trong đó có những tuyến cao tốc được phân kỳ đầu tư, chưa thể đồng bộ 4 làn xe và các hạng mục.

Dự kiến đến năm 2025, cao tốc Bắc Nam phía Đông cơ bản được nối thông và một số dự án khác hoàn thành, sẽ nâng tổng số chiều dài cao tốc cả nước lên gần 3.000 km, tiến tới mục tiêu đột phá hạ tầng giao thông, hình thành hơn 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030. Đây sẽ là động lực to lớn giúp đất nước phát triển.

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Nhóm PV

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích