tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

‘Buôn có bạn, bán có phường’

Năm 2023, hạt gạo Việt Nam ‘lên ngôi’ trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Việt Nam xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng, 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất trong 16 năm qua. Phải nói rằng, ngành lúa gạo đạt được kết quả đáng ghi nhận cả về sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, nông nghiệp nói chung, lúa gạo nói riêng của nước ta vẫn gặp một số tồn tại, hạn chế. Đó là chưa chủ động được nguồn vật tư đầu vào; giá cả thất thường, chưa được kiểm soát chặt chẽ; tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất thấp; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất và tính cạnh tranh của gạo nước ta. Điều đáng nói, chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và DN chưa chặt chẽ, thiếu tính bền vững; chưa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Quý I/2024, thị trường lúa gạo khu vực và thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tâm lý một số DN và người nông dân.

Theo đánh giá của các cơ quan hữu trách thì xuất khẩu gạo vẫn thuận lợi, nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao. Hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Đáng tiếc, DN thì chờ đợi giá lúa xuống thấp, người dân lại mong bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các DN và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.

Do vậy, ngày 2/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Các địa phương tổ chức thu hoạch lúa theo đúng thời vụ; kiểm tra, giám sát, theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới; xây dựng thí điểm các mô hình đưa “thương lái” vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo; triển khai hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo.

Về chuỗi giá trị, trong kho tàng tục ngữ, ca dao cha ông ta để lại đã nói. Đó là “Buôn có bạn, bán có phường”, “Đầu vào quả na, đầu ra quả bưởi”… Trong thương mại hiện nay, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và DN. Kết nối logistics là thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu… nâng cao tính cạnh tranh, giá trị lúa gạo.

Vấn đề hiện nay là không chỉ kêu gọi khuyến khích, mà là Bộ, ngành, hiệp hội… phải cùng thấy trách nhiệm, vào cuộc vì lợi ích của đất nước. Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và bảo đảm lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.

Ngô Đức Hành

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích