Nam thanh niên bị dập tinh hoàn khi đá bóng
Các bác sĩ Nam khoa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa cấp cứu 1 ca dập tinh hoàn do chơi thể thao. Các bác sĩ đã nỗ lực bảo tồn thành công bên tinh hoàn trái cho bệnh nhân.
Mới đây, các bác sĩ trong tua trực cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận nam bệnh nhân 39 tuổi, vào viện trong tình trạng đau dữ dội vùng bìu. Kiểm tra sơ bộ thấy vùng bìu trái bầm tím và sưng nề nhiều. Qua hỏi bệnh và thăm khám, ban đầu nhận định bệnh nhân có chấn thương vùng tinh hoàn trái trong khi chơi bóng đá.
Theo lời bệnh nhân, trong quá trình chơi thể thao thì bị bóng đập vào vùng bìu. Sau tai nạn, bệnh nhân đau tức âm ỉ vùng bìu trái nhưng không đi khám bệnh mà chỉ theo dõi ở nhà. Sang ngày hôm sau, cơn đau tăng dần vùng bìu trái, đau dữ dội, lan lên vùng bẹn cùng bên, bệnh nhân được đưa vào khu cấp cứu bệnh viện Đại học y Hà Nội.
Sau khi đánh giá lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân chẩn đoán chấn thương, vỡ tinh hoàn trái sau tai nạn sinh hoạt. Sau khi hội chẩn cùng ekip gây mê, các bác sĩ khoa Nam học và Y học Giới tính đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Ekip đã thực hiện phẫu thuật lấy máu tụ, dẫn lưu, cắt lọc tổ chức hoại tử, bảo tồn tinh hoàn trái.
Do thời gian từ khi có chấn thương tới lúc phẫu thuật gần 24 tiếng nên phần lớn tổ chức tinh hoàn dính nhiều gây khó khăn cho cuộc mổ. Tuy nhiên, sau gần 1 giờ đồng hồ phẫu thuật, tinh hoàn được bảo tồn thành công. Quá trình hồi sức sau mổ ổn định, bệnh nhân được chuyển về buồng bệnh khoa Nam học và Y học giới tính để theo dõi và điều trị tiếp.
Ths.Bs. Nguyễn Cao Thắng, khoa Nam học và Y học Giới tính cho biết: Thương tích của bìu và tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở lứa tuổi lao động 15-40 tuổi, trong đó chấn thương chiếm phần lớn. Chỉ định bảo tồn tinh hoàn được đưa ra trong đa số các trường hợp, cắt bỏ tinh hoàn được đặt ra khi tinh hoàn vỡ nát hoàn toàn không khâu lại được. Theo nhiều nghiên cứu, nhóm bệnh nhân chấn thương tinh hoàn được điều trị phẫu thuật bảo tồn tinh hoàn không có sự thay đổi đáng kể về mặt sinh tinh và nội tiết, ngược lại nhóm bệnh nhân phẫu thuật cắt tinh hoàn có sự giảm số lượng đáng kể tinh trùng và tăng rõ rệt LH và FSH.
Chấn thương tinh hoàn là chẩn đoán cần được nghĩ đến trong hoàn cảnh bệnh nhân có chấn thương vùng bẹn bìu. Chỉ điều trị theo dõi trong trường hợp cơ chế chấn thương năng lượng thấp, tụ máu chỉ khu trú ở nông không lan rộng, đau giảm dần.
“Việc phát hiện sớm và đánh giá toàn diện thương tổn và xử trí kịp thời trong chấn thương tinh hoàn đóng vai trò rất quan trọng giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng phải cắt bỏ tinh hoàn, nhanh chóng hồi phục lại cuộc sống bình thường”, BS Thắng khuyến cáo.