tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Những thách thức khi Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà được công nhận Di sản thế giới

Là Di sản Thiên nhiên thế giới cũng đồng nghĩa với việc Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà mang một sứ mệnh quốc tế và có thách thức không nhỏ.

Hòn Đỉnh Hương trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: B.M.

Hòn Đỉnh Hương trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: B.M.

Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam xung quanh vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản này.

Phải tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”

– Có ý kiến nói rằng, với di sản chung của địa bàn 2 tỉnh thì dễ xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”, ông nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Di sản liên tỉnh là vấn đề bình thường của thế giới, vì thậm chí còn có di sản liên quốc gia. Nhưng cũng phải khẳng định di sản liên tỉnh cũng rất tuyệt vời. Trước đây khi chúng ta làm hồ sơ quan họ giữa Bắc Ninh và Bắc Giang thì bỏ qua Bắc Giang, không tính đến liên tỉnh.

Hồi đó, chưa có nhìn nhận chuẩn xác, nhưng giờ thì sự nhìn nhận đã cởi mở hơn, sự liên tỉnh thỏa mãn được nguyện vọng của chính quyền và nhân dân của cả hai tỉnh. Đó là điểm mới.

Cả hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng đều muốn phát triển du lịch, đều muốn dựa vào di sản thiên nhiên để kích cầu du lịch, đó là nguyện vọng chính đáng và phù hợp. Vấn đề địa giới tỉnh, quản lý hành chính tách bạch ra mà thôi, về bản chất Hạ Long – Bái Tử Long nối liền với Cát Bà, về mặt thiên nhiên không chia cắt và trong thực tế chúng là một. Di sản liên tỉnh sẽ giúp cho hai tỉnh cùng quản lý, cùng phát triển.

“Cha chung không ai khóc” thì vẫn có, nhưng với nhu cầu mới thì chắc hai tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng sẽ không vấp phải tình trạng này. Các tỉnh sẽ chú ý đến vấn đề khai thác chung, giữ gìn chung và phải phối hợp hài hòa với nhau.

UNESCO cũng yêu cầu xây dựng những chương trình hành động, cốt lõi là sự phối kết hợp chặt chẽ giữa 2 tỉnh để tạo ra di sản – tuy một mà hai, tuy hai mà một… để đồng thuận cùng nhau đi lên như triết lý nước lên thuyền lên.

– Ở Việt Nam có thực tế đáng buồn là khi chưa được ghi danh thì di sản ít bị xâm hại, nhưng khi đã được ghi danh lại thường xảy ra các sai phạm?

Đó là câu chuyện mang tính thường tình, khi chưa được công nhận thì sự phát huy ở mức độ nhất định. Khi được ghi danh thì kéo theo nhu cầu, tạo ra cái tốt và cái chưa tốt.

Tại Sa Pa (Lào Cai), những thập niên trước là một di sản tuyệt vời, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ai cũng mong muốn đến. Thế nhưng 10 – 15 năm nay, đặc biệt vài ba năm nay mức độ xây dựng quá nhiều. Tôi mới đi Sa Pa và thấy hốt hoảng, không biết các nhà quản lý thực hiện việc quy hoạch thế nào?

Tất cả quy hoạch liên quan đến vùng di sản phải thực sự khoa học – kinh tế – nhân văn, muốn phát triển bền vững phải đảm bảo tôn trọng thiên nhiên.

Hiện nay, phát triển bền vững không chỉ là câu cửa miệng, mà còn là mục đích hướng tới. Nhưng phát triển bền vững như thế nào, hành động như thế nào thì người ta phạm rất nhiều sai lầm. Sa Pa là một trong những điển hình trong việc phát triển không bền vững. Xem các biểu đồ thấy lượng khách đến Sa Pa cứ giảm dần. Thay vì đến Sa Pa thì họ đến Y Tý, đến Bắc Hà…

Đặc biệt với vùng thiên nhiên như Sa Pa, cao nguyên đá Đồng Văn, Đà Lạt hay như di sản Vịnh Hạ Long – Cát Bà… chúng ta phải ứng xử rất nhẹ nhàng, tinh tế, khoa học, không thể làm ồ ạt, phải làm từng bước trên nền tảng khoa học mới mong có sự phát triển bền vững.

Đừng “diễn” chỉ vì muốn “hút” khách!

PGS.TS Nguyễn Văn Huy.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy là nhà nghiên cứu dân tộc học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện là Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đồng thời, ông cũng là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia các nhiệm kỳ 2004 – 2009 và 2010 – 2014.

– Ông đánh giá thế nào về tác động của các dự án mở rộng đô thị đến môi trường vịnh?

Cá nhân tôi thấy ở Vịnh Hạ Long chúng ta làm được rất nhiều việc nhưng cũng phá rất nhiều. Đó là vấn đề lấn biển để mở rộng các không gian, tôi không biết sự đánh giá cụ thể thế nào nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sinh thái.

Hy vọng khi chúng ta được tái công nhận, thì phải thận trọng. Lấn biển là câu chuyện phải tính toán thực sự khoa học, động chạm đến thiên nhiên, đến hệ sinh thái phải cần sự cân nhắc, phản biện, tư vấn của quốc tế.

Chúng ta không thể tùy tiện, muốn lấn chỗ này mở chỗ khác dù chỉ chút ít, nhưng cái chút ít ấy đều tác động đến hệ sinh thái. Có thể thế hệ chúng ta mới chỉ bắt đầu hứng chịu chút hậu quả, nhưng con cháu chúng ta sẽ phải chịu hậu quả nặng nề, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đây thực sự là câu chuyện phát triển kinh tế nhưng phải dựa trên nền tảng văn hóa, ứng xử giữa con người và thiên nhiên.

Cảnh quan do con người tạo ra là một phần của thiên nhiên, thiên nhiên và con người gắn quyện vào nhau. Hiện nay, người ta không dùng khái niệm “chinh phục thiên nhiên” nữa, nó cũ rồi. Giờ người ta sống trong khái niệm hài hòa, con người và thiên nhiên hài hòa nương tựa vào nhau. Đó là khái niệm mới của thế kỷ 21 và chắc chắn của các thế kỷ tiếp theo.

Đừng đặt vấn đề khai thác kinh tế du lịch lên trên hết, vượt qua hết mọi quy chuẩn. Cần phải có tầm nhìn của các nhà quy hoạch, các nhà làm quản lý và sự kiểm tra sát sao của pháp luật, làm sao phải nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại di sản, xâm hại thiên nhiên.

Khi chúng ta mong muốn được công nhận di sản thế giới, chúng ta phải nắm chắc nguyên lý hài hòa thiên nhiên, chứ không phải cải tạo thiên nhiên.

– Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch. Tuy nhiên, câu chuyện rất cũ là không ít khách quốc tế đến Việt Nam chỉ một lần rồi thôi, làm sao ta có thể khắc phục được?

Khách đến du lịch và chúng ta mong muốn họ trở lại – đó không chỉ là mong muốn, mà còn là định hướng du lịch. Chúng ta phải tính đến tính bền vững chứ không phải ăn xổi. Một trong các khía cạnh khiến khách du lịch thích và quay trở lại nhiều lần thì du lịch của chúng ta phải thực sự chuyên nghiệp.

Với quan niệm triết lý du lịch vừa bảo tồn được di sản, vừa thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch thì tiêu chí ăn uống, ngủ nghỉ, ứng xử… phải mang tính văn hóa, và chúng ta phải tạo ra văn hóa du lịch.

Mô hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, khách đến một vùng đất xa xôi, vùng dân tộc với mong muốn tìm hiểu xem cuộc sống thực ra sao. Nhưng nếu chúng ta bày vẽ, trang hoàng không phải cuộc sống thực thì chắc chắn người ta không đến lần hai.

Hoặc nhiều khi chúng ta nghĩ tái hiện phong tục, từ đám cưới giả, đám ma giả cho đến các nghi lễ giả… và nghĩ thế là hay. Nhưng chúng ta tự hỏi liệu “diễn” như vậy thì khách có thích không và có muốn thế không? Chúng ta phải suy nghĩ làm thế nào để du lịch thực sự mang tính chuyên nghiệp cao, đảm bảo các nguyên tắc trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hòa

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích