Thông tin mới về 30 lô hàng sầu riêng bị Trung Quốc cảnh báo
30 lô hàng sầu riêng Việt Nam bị cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi là số liệu Trung Quốc tổng hợp kể từ khi Việt Nam được phép xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này.
Tại buổi họp báo chiều 1/4, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc vừa bị cảnh báo không phải bị phát hiện vào một thời điểm. Đó là số liệu Trung Quốc tổng hợp kể từ khi Việt Nam được phép xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này (từ ngày 17/9/2022).
Ông Nguyễn Quang Hiếu cho hay, việc cảnh báo để Việt Nam chủ động tìm nguyên nhân và tránh bị cảnh báo thời gian tới.
Theo ông Hiếu, có thể sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng trong quá trình canh tác như: đất bị nhiễm hoặc từ nguồn nước, không khí từ khí thải của nhà máy hoặc trong quá trình thu hoạch, người dân dùng nước sơ chế sầu riêng.
Ngay sau khi nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản gửi các địa phương, doanh nghiệp để điều tra nguyên nhân. Cục đang làm việc với doanh nghiệp, địa phương để tìm nguyên nhân. Sau khi xác định được nguyên nhân, Cục Bảo vệ thực vật sẽ có khuyến cáo cụ thể từng trường hợp.
Cục Bảo vệ thực vật cũng lưu ý các đơn vị sản xuất cần có sự chú ý về sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, điều chỉnh biện pháp canh tác để giảm việc hấp thụ cadimi, như sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng với tỷ lệ hợp lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu cũng nên chủ động kiểm tra chất lượng sản phẩm, trong đó có hàm lượng cadimi để tránh rủi ro nếu Trung Quốc tiếp tục phát hiện và áp dụng biện pháp mạnh hơn.
Ông Hiếu cho rằng, con số 30 lô trên tổng số 35.000 – 40.000 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc là “chưa ảnh hưởng tới xuất khẩu”, tuy nhiên đây là cảnh báo để chúng ta chủ động rà soát trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, lãnh đạo Bộ đã giao Cục Bảo vệ thực vật rà soát lại, xem xét, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để đạt yêu cầu của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác.
Theo ông Tiến, để phát triển bền vững cả về tăng trưởng và xuất khẩu thì đầu tiên là vùng nguyên liệu gắn với mã vùng trồng, mã đóng gói và sơ chế, chế biến, cùng với đó là xúc tiến thương mại. Đây là điều xuyên suốt trong nhiều năm qua Bộ đã chỉ đạo và càng xuất khẩu nhiều thì càng phải chú ý đến chất lượng, càng phải chú ý đến thương hiệu chứ không để vì một lý do gì mà một ngành hàng, một đối tượng chúng ta bị ảnh hưởng.
Sầu riêng một cây trồng rất “nóng” trong thời gian vừa qua. Năm 2023 chúng ta xuất khẩu hơn 2,2 tỷ USD. Đây là sản phẩm ăn trái, các yếu tố tác động có thể là trong đất, trong nước tưới,…
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 3,36 tỷ USD, tăng 96,5%. Tính đến cuối tháng 3-2024, đã có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cụ thể: gỗ đạt 2,32 tỷ USD (tăng 26,8%), rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%), gạo 1,37 tỷ USD (tăng 40%) và cà phê đạt 1,9 tỷ USD (tăng 54,2%).