Bài học đắt giá cho những tài xế say rượu bia, gây tai nạn dịp Tết
Những tài xế gây tai nạn ngoài phải chịu trách nhiệm hình sự với bản án mà tòa án đưa ra, họ còn phải bồi thường về dân sự với số tiền không nhỏ.
Trả giá vì uống rượu bia mà vẫn cố tình lái xe
Sau nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) mà nguyên nhân do tài xế sử dụng rượu bia rồi điều khiển xe gây ra, Bộ Công an cho biết, càng gần tết Nguyên đán, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có chiều hướng diễn biến phức tạp bởi mật độ người và phương tiện gia tăng đột biến.
Cùng với đó, những cuộc liên hoan, tất niên dẫn đến tình trạng gia tăng số người đã sử dụng rượu, bia nhưng vẫn lái xe.
Trong số này, vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra tại Nam Định do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra khiến hai học sinh tử vong, tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai coi thường pháp luật khi tham gia giao thông.
Theo đó, trước khi gây tai nạn, tài xế Mai Văn Nam (SN 1972, Bí thư Đảng ủy xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) tham gia tiệc tất niên sau hội nghị do UBND xã tổ chức. Tàn cuộc, bản thân đã sử dụng rượu bia, song ông Nam vẫn trực tiếp điều khiển xe ô tô để ra về.
Đến đoạn đường bộ ven biển thuộc tổ dân phố Đông Bình, thị trấn Rạng Đông thuộc huyện Nghĩa Hưng, ô tô do ông Nam cầm lái va chạm với xe máy điện đang chở hai học sinh lớp 10. Hậu quả làm hai nạn nhân này tử vong.
Với hành vi vi phạm nồng độ cồn lên tới 1,419mlg/1 lít khí thở, tài xế Mai Văn Nam bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nghĩa Hưng khởi tố bị can về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại điểm b và đ, khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Bộ Công an thống kê, lái xe vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng.
Thời gian qua, lực lượng chức năng rất quyết liệt triển khai các biện pháp như tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; Đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết… Song vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức, chủ quan khi tham gia giao thông, nhất là tình trạng sau khi uống rượu, bia vẫn lái xe.
Do đó, dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội đầu Xuân 2024, CSGT toàn quốc phối hợp với các lực lượng khác sẽ tăng cường các tổ tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy. Mục tiêu là ngăn chặn tối đa tài xế sử dụng rượu bia trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Nỗi ám ảnh của những tài xế ma men
Từng theo dõi tố tụng nhiều vụ án TNGT có hậu quả nghiêm trọng, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, những tài xế gây tai nạn ngoài phải chịu trách nhiệm hình sự với bản án mà tòa án đưa ra, họ còn phải bồi thường về dân sự.
Theo luật sư, bị cáo trong các vụ án đó có trách nhiệm bồi thường tổn thất về vật chất cho gia đình các nạn nhân của vụ tai nạn.
Pháp luật hiện quy định những chi phí phải bồi thường như tiền cứu chữa, thuốc men, mai táng, tiền nuôi dưỡng con nhỏ dưới 18 tuổi (nếu có), tiền nuôi dưỡng bố mẹ già… của nạn nhân.
Tài xế gây tai nạn còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình bị hại. Thông thường, mức bồi thường này do các bên tự thỏa thuận, khi bất đồng ý kiến thì mức bồi thường tối đa khoảng 90 triệu đồng (với gia đình có người bị thương) và 180 triệu đồng cho thân nhân của bị hại tử vong.
Cùng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, trường hợp nạn nhân phải nằm viện điều trị dài ngày, mức tiền đền bù, hỗ trợ rất lớn.
Thậm chí, nhiều bị cáo vì hoàn cảnh quá khó khăn không thể bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, dù chấp hành án xong vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ dân sự khiến bản án đeo đẳng cả cuộc đời.
Theo luật sư, trong hầu hết vụ án, người gây tai nạn thường cố ý vi phạm luật giao thông nhưng không nhận thức được hậu quả xảy ra. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn chết người, đa số tài xế đều trong tình trạng lo lắng, sợ hãi đến suy sụp, hoặc ân hận, dằn vặt bản thân và có lẽ sẽ bị ám ảnh cả cuộc đời.