tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Bình Phước: Phụ nữ Chơn Thành khởi nghiệp với gian hàng kết nối tiêu thụ bình ổn giá

Thị xã Chơn Thành tỉnh Bình Phước là địa bàn đông dân cư, có nhiều công ty với hàng ngàn công nhân, nên mô hình triển khai gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm bình ổn giá” của Hội LHPN Thị xã để giúp hội viên phụ nữ khởi nghiệp tỏ ra hiệu quả, góp phần giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo và vươn lên…

5 giờ sáng, chị Trần Thị Tuyết ở khu phố 3B, phường Minh Hưng, Thị xã Chơn Thành thức dậy mở cửa gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm bình ổn giá để bán cho người dân địa phương, trong đó có nhiều công nhân ở các khu nhà trọ gần đó. Gian hàng này của gia đình chị Tuyết được ra đời với sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ ở Thị xã Chơn Thành. Gian hàng có mặt bằng nhỏ, thoạt nhìn bề ngoài có vẻ khiêm tốn nhưng cũng bán đa dạng các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày, từ gạo, sữa, đường, bột ngọt, mắm muối, bánh kẹo…. Đặc biệt tại gian hàng có bán các mặt hàng rau củ quả và thịt cá do người dân địa phương trồng và chăn nuôi cung cấp. Chị Nguyễn Thị Nhung, công nhân công ty ở khu công nghiệp Minh Hưng cho biết từ ngày có gian hàng này chị thường đến mua hàng nhu yếu phẩm và thực phẩm vì nơi đây bán giá nới hơn thị trường, mà hàng hóa cũng có nguồn gốc rõ ràng. Theo chị Tuyết chủ gian hàng, gian hàng ngoài mục đích kinh doanh để có thu nhập cho gia đình còn là nơi để kết nối giữa người nông dân nói chung và chị em hội viên phụ nữ nói riêng làm ra sản phẩm với người mua hàng. Nhà nông có thể mang sản phẩm của mình đến  gian hàng nhờ bán dùm mà không cần phải ngồi cả buổi chợ để bán mớ rau, con cá. Tại gian hàng, chị Tuyết cũng áp dụng thanh toán điện tử như ví điện tử, mobile Banking, intrnet Banking.

Chị Trần Thị Hương ở khu phố 1, phường Minh Long là một trong số những chủ gian hàng kết nối tiêu thụ bình ổn giá ở thị xã Chơn Thành. Tại đây luôn có đông khách tới mua hàng, đặc biệt vào buổi sáng sớm và chiều tối. Chị Hương chia sẻ, khi tham gia gian hàng kết nối do Hội LHPN phường Minh Long tổ chức, chủ gian hàng phải cam kết lấy hàng có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, hàng hóa phải mới chứ không được bán hàng cũ hoặc gần hết hạn sử dụng. Cũng theo chị Hương, do cửa hàng chị bán khá đắt nên hầu như mỗi tuần đều phải lấy hàng mới, vì vậy không hề có hàng cận hạn sử dụng. chị Hương nói: “Mỗi sản phẩm mình đều bán rẻ hơn thị trường từ vài ba ngàn đồng, tuy lời ít nhưng cũng nhờ đó bán được số lượng nhiều”.

Hội LHPN thị xã Chơn Thành là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh thành lập các “gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm bình ổn giá” và đã thu hút nhiều chị em hội viên phụ nữ kinh doanh theo mô hình này.  Chị Mạc Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thị xã Chơn Thành cho biết, thực hiện Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về “ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017- 2025”, từ năm 2021 đến nay Hội LHPN Thị xã Chơn Thành đã hỗ trợ hội viên xây dựng 37 gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm bình ổn giá. Khi triển khai mô hình không những giúp chị em hội viên có gian hàng kinh doanh góp phần hỗ trợ chị em hội viên tự tin khởi sự, khởi nghiệp ổn định kinh tế gia đình, mà qua đó còn giúp người trồng trọt, chăn nuôi , các chị em hội viên phụ nữ khác có nơi tiêu thụ sản phẩm. “Điểm mạnh của gian hàng là hàng hóa được bán ra đều có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với giá cả hợp lý và ổn định. Ngoài ra, khi khai trương gian hàng, Hội LHPN sẽ căng băng rôn để quảng bá, qua đó thu hút người dân đến ủng hộ rất đông. Nhờ đó, hầu hết gian hàng đều buôn bán đắt khách, có thu nhập tương đối cao và ổn định. Có thể nói, khi khởi nghiệp với gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm bình ổn giá, chị em hội viên đều kinh doanh thành công, góp phần khẳng định vị thế của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới đồng thời vừa làm cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế.

Phạm Tân
Bạn cũng có thể thích