Bộ Công Thương đề nghị địa phương giám sát việc tuân thủ quy định trong mua bán điện trực tiếp
Bộ Công Thương vừa có Công văn số 5028/BCT-ĐTĐL ngày 16/7/2024 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP.
Công văn nêu rõ: Ngày 3/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn, hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, để triển khai thống nhất và hiệu quả Nghị định số 80/2024/NĐ-CP trong phạm vi cả nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn về điện lực thực hiện kiểm tra giám sát Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý trong việc tuân thủ quy định tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan, bao gồm: (i) Quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư (bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt); (ii) Quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực; (iii) Quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và an toàn trong sử dụng điện; (iv) Quy định về mua bán điện và hợp đồng; (v) Các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các tỉnh thành theo dõi, quản lý danh sách khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý thực hiện mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 29 Nghị định số 80/2024/NĐ-CP. Kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp theo phạm vi khu vực quản lý.
Cũng trong ngày 16/7/2024, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5029/BCT-ĐTĐL gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các Tổng công ty Điện lực: miền Bắc, miền trung, miền Nam, Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh; Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về việc triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, trong đó đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện nhiều nội dung quan trọng.
Theo Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) tuân thủ 3 quan điểm: (i) Phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; Tuân thủ quy định Luật Điện lực và các văn bản chỉ đạo có liên quan; (iii) đảm bảo đầy đủ cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thi hành.
Cơ chế DPPA quy định hai hình thức tham gia mua bán điện trực tiếp bao gồm qua Đường dây kết nối riêng và qua Lưới điện quốc gia.
Đối với trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, bên bán điện là các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện từ năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép đối với lĩnh vực phát điện theo quy định.
Bên mua điện là các khách hàng sử dụng điện lớn: có sản lượng tiêu thụ điện trung bình 12 tháng gần nhất từ 200.000 kWh/tháng trở lên (đối với các khách hàng hiện hữu đang sử dụng); hoặc có sản lượng tiêu thụ điện đăng ký từ 200.000 kWh/tháng trở lên (đối với các khách hàng mới hoặc có thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng).
Hai bên tự đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Nghị định. Giá bán điện do hai bên thỏa thuận, trừ trường hợp quy định khác.
Bên mua điện là khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất đấu nối cấp điện áp từ 22 kV trở lên; hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được Khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất ủy quyền mua điện từ Tổng công ty Điện lực, ký kết Hợp đồng kỳ hạn với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.
Trong trường hợp này, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá, chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác mà khách hàng phải trả và thỏa thuận trong hợp đồng CfD giữa 2 bên.
Các cơ quan, đơn vị và tổ chức quốc tế, khách hàng sử dụng điện lớn và các địa phương đều bảy tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Công Thương và ý nghĩa quan trọng, kịp thời của việc ban hành cơ chế DPPA, coi đây không chỉ là một cơ chế góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện, mà còn là cơ chế giúp khách hàng đạt được các mục tiêu sản xuất và tăng trưởng xanh.
Thực hiện cơ chế DPPA, khách hàng sử dụng điện sẽ đáp ứng mục tiêu và xu hướng sử dụng năng lượng sạch, qua đó góp phần thu hút đầu tư không chỉ trong ngành năng lượng tái tạo mà còn cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội có nhu cầu tiêu thụ điện lớn.
Cơ chế DPPA cũng góp phần không nhỏ trong việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và mức độ cạnh tranh trong hoạt động mua bán điện nói chung và thị trường điện nói riêng.