Bộ Công Thương góp phần lành mạnh hoá thị trường thương mại điện tử
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, đồng thời, đưa ra dự kiến những công việc sắp tới cùng các đề xuất phối hợp.
Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
Lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, nhằm góp phần lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử, thời gian qua, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Công an triển khai một số nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 03/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Đối với việc hoàn thiện chính sách pháp luật về thương mại điện tử, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát các quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và những tồn tại bất cập trong công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử để chuẩn bị Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện từ và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.
Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/ NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Nghị định bổ sung nhiều quy định tăng cường hoạt động giám sát thông tin, dữ liệu nhằm bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.
Đối với việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, kết nối dữ liệu, hiện Bộ Công Thương đã xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử phục vụ công tác quản lý của Bộ. Bên cạnh đó, phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu hiện hành, tiến tới kết nối hệ thống của hai đơn vị. Thời hạn hoàn thành trong tháng 6/2024.
Đồng thời, Bộ cũng đã triển khai tích hợp thí điểm ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip và dữ liệu dân cư để xác thực định danh chủ thể trong giao kết thực hiện hợp đồng điện từ trên Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.
Đối với việc chia sẻ dữ liệu, hiện nay Bộ Công Thương đã cung cấp cho Tổng cục Thuế thông tin về 929 sản giao dịch thương mại điện tử và 284 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Các thông tin bao gồm: mã số thuế, tên doanh nghiệp, địa chỉ tên miền, loại sàn, tỉnh/thành phố.
Đối với giải pháp khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ứng dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip hoặc dữ liệu dân cư để xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 17/5/2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân – Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 – Bộ Công an) đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm, hướng dẫn các nền tảng thương mại điện tử về việc ứng dụng tài khoản định danh điện tử để xác thực người bán. Qua đó, khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử này ứng dụng VNeID để xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử
Tiếp nối những nỗ lực này, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kết nối với Tổng cục Thuế chuyển dữ liệu của 48.348 thông tin website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và 1.218 website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ngay sau khi hoàn thành việc kết nối hệ thống của hai đơn vị trong tháng 6/2024 (công tác này vượt trước tiến độ 1,5 năm).
Hiện nay, Cổng Dịch vụ công của Bộ Công Thương đã kết nối toàn diện với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo quy định xác thực điện từ, Cổng Dịch vụ công của Bộ Công Thương sẽ phủ về định danh cá nhân đăng ký tài khoản trên Cổng và chỉ sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện từ thông qua việc cá nhân có thể sử dụng tài khoản đã được xác thực trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để khai báo hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương.
Đối với tài khoản khác (tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài), Bộ Công Thương sẽ thực hiện chuyển đổi sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Công an theo nội dung văn bản số 3701/VPCP-KSTT ngày 29/5/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển đổi, sử dụng tài khoản VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính.
Để nâng cao hiệu quả đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc chia sẻ cơ sở dữ liệu, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử trong tháng 6/2024; đặc biệt xem xét việc liên thông dữ liệu mã số thuế của doanh nghiệp, hỗ trợ Bộ Công Thương định danh doanh nghiệp thương mại điện tử.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công an chủ trì nghiên cứu và đề xuất phương án xây dựng hạ tầng chính sách, pháp luật tổng thể; trong đó, yêu cầu ứng dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắp chip hoặc dữ liệu dân cư để xác thực thông tin người kinh doanh trên các nền tảng số.