Bộ NN&PTNT: Đảm bảo xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo trong năm 2024
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng sản xuất lúa cả nước dự kiến năm 2024 là 43 triệu tấn, Việt Nam sẽ xuất khẩu được khoảng 8 triệu tấn gạo mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực và nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Đảm bảo xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2024
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, diện tích gieo trồng lúa vụ Hè – Thu năm nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tính đến nay đã đạt khoảng 236 nghìn ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn. Với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo.
Trong 4 tháng 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu ngày 1/5, loại gạo 5% đang ở mức 580 USD/tấn, tương đương với loại gạo cùng loại của Thái Lan. Loại gạo 25% tấm ở mức 554 USD/tấn, cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan (530 USD/tấn).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, yếu tố thời tiết không thuận lợi, nguồn cung chưa dồi dào trong khi nhiều nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu để dự trữ. Bên cạnh đó, một số quốc gia tiếp tục chính sách cấm, hạn chế xuất khẩu cùng với nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới vẫn tiếp diễn, khiến thị trường gạo trên thế giới sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong niên vụ 2023-2024 sản lượng gạo toàn cầu đạt gần 518 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ là 525 triệu tấn và lượng gạo sẽ thiếu hụt trong năm 2024 sẽ là 7 triệu tấn. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn; trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, với sản lượng lúa đạt khoảng 43 triệu tấn, tương đương khoảng 20 triệu tấn gạo, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu.
Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, 2 vấn đề vướng mắc trong chuỗi lúa gạo đã tồn tại thời gian dài là người sản xuất không biết bán ở đâu. Còn doanh nghiệp rất muốn mua lúa, nhưng chưa xác định được thời điểm ký hợp đồng phù hợp, cũng như địa điểm tìm nguồn nguyên liệu, phải thu mua qua khâu trung gian là gia tăng chi phí.
Đồng bộ giải pháp xuất khẩu gạo đi đôi với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia
Để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc và Tổng Công ty lương thực Miền Nam, cùng với các Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Đồng thời, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải duy trì điều kiện kinh kinh doanh xuất khẩu gạo; nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Cụ thể, tổ chức thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước; liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu; chế độ báo cáo và dự trữ lưu thông thóc, gạo theo quy định và các chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, các thương nhân cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin từ Bộ Công Thương, các Bộ, ngành hữu quan và Hiệp hội lương thực Việt Nam để khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã và sẽ được ký kết giữa Việt Nam với các đối tác để đa dạng hóa thị trường, phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng, nhất là các thị trường có FTA mà nước ta là thành viên.
Chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng (để tránh bị lừa đảo). Muốn vậy, các doanh nghiệp cần phối hợp, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong và ngoài nước để tham khảo, kiểm chứng thông tin và tranh thủ sự hỗ trợ khi cần thiết; đồng thời, thường xuyên trao đổi với Hiệp hội lương thực Việt Nam để kịp thời báo cáo các Bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất các biện pháp xử lý.
Chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với các cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Đồng thời, chú trọng xác lập, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau, giữa các doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội lương thực Việt Nam để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.