Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi giải pháp chặn tận gốc bạo lực học đường
Nhiều giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi trong Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn ngày 8/11.
Đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về phòng, chống bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) tán thành với 5 nguyên nhân mà Bộ trưởng đưa ra.
Đại biểu đề nghị, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục đổi mới về nội dung, phương pháp dạy văn hóa ứng xử học đường. Nội dung này cần đưa vào môn học chính khóa và ngoại khóa từ mầm non đến tiểu học đến trung học.
Trước khi trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn đến đại biểu Nguyễn Thị Xuân. Ý kiến của đại biểu vừa là chất vấn, trao đổi, vừa là gợi ý đưa ra một số ý kiến có liên quan đến xử lý, giải quyết, ngăn chặn vấn đề bạo lực học đường.
Chia sẻ về giải pháp, Bộ trưởng cho hay, cần áp dụng một loạt các giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, với sự vào cuộc của toàn thể xã hội. “Tuy nhiên, với trách nhiệm của ngành Giáo dục đào tạo, chúng tôi tính đến một số giải pháp cụ thể, với các mức độ ưu tiên” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bộ trưởng viện dẫn, việc đầu tiên là cần tăng cường kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh đối với bản thân học sinh. Theo đó, việc trang bị kỹ năng sống cho các em là yếu tố quan trọng.
Khi có những vấn đề phát sinh cần xử lý, hoặc hành vi ứng xử với mạng xã hội… những vấn đề có nguy cơ liên quan đến bạo lực, thì đối tượng đầu tiên cần xử lý là học sinh. Nhiều em ngần ngại khi cần thông tin, trao đổi và lúng túng trong xử lý, một phần là do các em còn thiếu kỹ năng xử lý.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, Bộ trưởng cho hay, Bộ GD&ĐT đang tăng cường tập huấn kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với học sinh mà giáo viên phụ trách. “Đây cũng là khâu quan trọng” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, khi sửa Thông tư 16 quy định về vị trí việc làm trong nhà trường và được sự thống nhất của Bộ Nội vụ, tới đây sẽ có thêm vị trí về tư vấn tâm lý học đường.
Trước đây, vị trí này chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm với một số giờ nên ít nhiều cũng có những hạn chế. Tới đây, sẽ có thêm vị trí chuyên trách về tư vấn tâm lý học đường và với nguồn nhân lực của ngành đào tạo trong các trường sư phạm (1 năm khoảng gần 9.000 nhân lực), thì vị trí này có thể đáp ứng được yêu cầu.
Với giáo vụ, Bộ trưởng trao đổi, vị trí này cũng được xác định trong nhà trường; qua đó sẽ hỗ trợ thêm cho các vấn đề có liên quan đến phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, việc đưa thêm và tăng cường các hoạt động mang tính tích cực như: các hoạt động tập thể, Đoàn, Đội, vui chơi giải trí, đọc sách v.v. tăng cường hoạt động tích cực sẽ giảm khả năng học sinh “sa” vào những hoạt động tiêu cực.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội là khâu quan trọng. Phụ huynh cũng phải tăng cường khả năng xử lý những vấn đề về bạo lực học đường phát sinh đối với con em mình.
Song, hơn hết và bao trùm nhất là chúng ta cần triển khai thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với mục tiêu quan trọng là phát triển con người, nâng cao phẩm chất, nhân cách đạo đức. Xử lý tốt việc này, nghĩa là chúng ta có thêm yếu tố mang tính nền tảng, gốc rễ; từ đó có thể triển khai, giải quyết tận gốc những vấn đề về bạo lực học đường.