Chi phí thu hồi đất, bồi thường tái định cư dự án Vành đai 4 tăng nhiều nghìn tỷ đồng
Tiếp tục phiên họp thứ 33, chiều nay (15/5) Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Năm 2023 đã tiết kiệm hơn 83 nghìn tỷ đồng
Tại phiên họp, thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, trong năm 2023 đã tiết kiệm được 83.087 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2022.
Có 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố có số tiết kiệm về chi ngân sách, trong đó một số bộ, ngành, địa phương có số tiết kiệm cao; một số địa phương đã thực hiện tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên phạm vi cả nước nhất là các công trình trọng điểm quốc gia đạt cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản chặt chẽ, tiết kiệm từ khâu đầu tư, mua sắm đến khai thác, sử dụng. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục cập nhật, vận hành có hiệu quả. Nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, bố trí lại trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, công tác THTK, CLP vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án do chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường;
Các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm. Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155 ha chưa được xử lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng đề cập lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư bất động sản. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về pháp lý triển khai dự án trong đó có quy định về phương pháp định giá đất;
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; doanh nghiệp khó khăn trong việc huy động dẫn đến nhiều dự án phải giãn tiến độ, dừng triển khai; khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023.
Việc xử lý các dự án, cụm dự án theo Nghị quyết số 74/2022/QH15, theo Thường trực Ủy ban là chưa đạt yêu cầu. Mới có phương án xử lý đối với 17/51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 11/13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 14/19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 501/880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Cảnh báo lãng phí vì dự án kéo dài, đội vốn
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều công trình quan trọng quốc gia đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, tiến độ triển khai tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều công trình bị chậm, qua giám sát cho thấy nhiều dự án thu hồi đất không đạt, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của công trình, không đạt tiến độ Quốc hội giao, không cẩn thận còn làm ảnh hưởng đến các giai đoạn tiếp theo.
“Công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng chưa tốt, dẫn đến một số công trình mới hoàn thành đưa vào vận hành đã phải sửa đổi, điều chỉnh ngay. Cần rút kinh nghiệm vấn đề này, xây nhà mới tiền bỏ ra ít thôi, nhưng sửa chữa chắp vá thì tiền tăng lên rất nhiều, như thế gọi là lãng phí”, ông Thanh phân tích.
Cụ thể hơn, ông Thanh dẫn chứng, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội công tác chuẩn bị chưa tốt, chi phí thu hồi đất, bồi thường tái định cư qua kiểm toán cho thấy Hưng Yên, Bắc Ninh tăng nhiều nghìn tỷ là vấn đề cần quan tâm. Việc này, theo ông Thanh cần khắc phục vì sau này sẽ đội vốn và khi ấy lại phải bỏ tiền ra xử lý.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, tại báo cáo thẩm tra kinh tế – xã hội, Ủy ban Kinh tế cũng rất quan tâm đến việc đầu cơ bất động sản. Người có tiền mà cứ mua bất động sản để đấy, người có nhu cầu không thể tiếp cận, không mua được, trong khi tiền cứ chảy vào đó không đưa vào lao động, sản xuất.
“Chúng tôi đề nghị phải có giải pháp xử lý, không thì nguồn lực xã hội, của đất nước bị chôn vào thị trường bất động sản”, ông Thanh nói.